Nuôi loài chuột ăn tốn cỏ voi để bán Tết, lãi 800 triệu đồng
Cuối năm, thương lái ở nhiều tỉnh thành đều tấp nập ra vào trang trại nuôi dúi (chuột nứa) của gia đình ông Nguyễn Văn Huân, bản Kim Tân (xã Huy Bắc, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) để mua về làm quà biếu hoặc đặt hàng trước cho Tết Nguyên đán cận kề. Bình quân mỗi năm, ông Huân thu lãi khoảng 800 triệu đồng từ việc bán dúi giống và dúi thịt thương phẩm.
Chúng tôi được tận mắt nhìn thấy những đàn dúi-loài chuột thích ăn tre, nứa, cỏ voi có lông màu hung béo tròn trong chuồng. Chúng đang lúc nhúc gặm thân tre, nứa. Cả khu chuồng trại nuôi dúi của gia đình ông Huân rộng hơn 200 m2, mỗi 1 chuồng đều chứa từ 10 - 14 con, thức ăn của chúng chủ yếu là thân cây tre, nứa, cỏ voi...
Tết năm nào ông Huân cũng thiếu sản phẩm cung cấp cho khách hàng.
Ông Huân cho biết: "Tôi nuôi dúi được 5 năm và đã có nhiều sản phẩm bán cho các khách hàng trên địa bàn tỉnh Sơn La và các tỉnh, thành phố dưới xuôi. Hiện tổng số dúi trong trang trại của gia đình có gần 2.000 con, trong đó có trên 520 con dúi nái sinh sản, còn lại là dúi giống và dúi thịt. Sau nhiều năm chăm sóc, tôi thấy nuôi dúi rất đơn giản, ít dịch bệnh, không tốn nhiều công sức chăm như nuôi các loại gia súc gia cầm, hiệu quả kinh tế lại cao gấp nhiều lần. Tôi bán 1 đôi dúi giống với giá 1.400.000 đồng/đôi, còn bán lấy thịt thì khoảng hơn 600 nghìn đồng/kg."
Ông Huân đang kiểm tra quá trình phát triển của dàn dúi tại trang trại.
Theo kinh nghiệm của ông Huân, nuôi dúi không cần dùng đến thuốc thú y, bởi loài vật này thuộc loại gặm nhấm có sức đề kháng rất cao. Thức ăn cung cấp cho chúng chủ yếu là cây bương, cỏ voi, thân cây mía và thân tre, nứa, trong đó cỏ voi chiếm 60% lượng thức ăn. Một năm 1 con dúi nái có thể sinh sản từ 3-4 lần, mỗi lần đẻ nhiều nhất là 5 con, trung bình là đẻ 3 con/lứa.
Dúi là loài vật hoang dã nên nuôi rất đơn giản ít bị dịch bệnh như các vật nuôi truyền thống khác.
“Dúi không thích di chuyển nhiều, ưa yên tĩnh và râm mát. Nhất là khi dúi mẹ đẻ càng không được di chuyển hay gây tiếng động mạnh, nếu gây tiếng động mạnh sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của chúng. Mỗi ngày, tôi chỉ cần cho dúi ăn 1 lần, có những ngày không cho dúi ăn cũng không sao vì bản chất dúi là loại hoang dã nên có thể thích nghi với môi trường rất tốt. Nếu ai có nhu cầu nuôi dúi thì chỉ cần dùng các tấm gạch men loại 60 cm x 60 cm ốp vào làm chuồng là được, không cần phải che chắn cầu kỳ, không nên dùng gỗ hoặc tre làm chuồng”- ông Huân thông tin thêm.
Một cặp dúi giống được ông Huân bán với giá 1.400.000 đồng.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Huân cho biết: "Tết Dương lịch, Tết Âm lịch năm nào, trang trại dúi của gia đình tôi cũng nhộn nhịp tiểu thương và các nhà hàng ở trong tỉnh và các tỉnh Phú Thọ, Thái Nguyên và Hà Nội, Quảng Ninh... đến và đặt mua liên tục. Nhiều khách hàng gọi điện thoại cho tôi đặt hàng, nhưng không còn dúi để cung cấp cho họ."
Bình quân mỗi năm, sau khi trừ chi phí gia đình ông Huân có lãi khoảng 800 triệu đồng từ việc bán dúi giống và dúi thịt. Hiện, cuộc sống của gia đình ông đã có điều kiện kinh tế dư giả và có của ăn của để, 2 con gái ông Huân đều được gia đình nuôi ăn học ở châu Âu. Thời gian tới, ông dự tính sẽ mở rộng mô hình lên khoảng 3.000 con để nâng cao thu nhập hơn nữa cho gia đình.
Dúi thịt được gia đình ông Nguyễn Văn Huân bán với giá hơn 600.000 đồng.