Nuôi loài cá đẹp mã trong ao, sau 8 tháng mà lời tới 3,5 tỷ đồng
Với diện tích mặt nước 4.000 m2 thả nuôi cá thát lác cườm - loài cá đẹp mã, anh Phạm Lâm Em ở khu vực V, phường Ngã Bảy, thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) có thu nhập hơn 3,5 tỷ đồng/năm. Có thể nói đây là mô hình nuôi cá cho hiệu quả kinh tế rất cao, tăng thu nhập cho nông hộ và góp phần phát triển nông nghiệp cho địa phương.
Thu hoạch cá thát lác cườm đặc sản tại ao của gia đình anh Phạm Lâm Em, khu vực V, phường Ngã Bảy, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang.
Đầu năm 2018, qua tìm hiểu thông tin thị trường cũng như qua sự hướng dẫn của ngành chuyên môn, anh Phạm Lâm Em chọn đối tượng nuôi là cá thát lát cườm-loài cá đặc sản của Hậu Giang vì thị trường đang khan hiếm, giá cá thát lác cườm thương phẩm đang cao có thể đem về lợi nhuận cao cho người nuôi.
Chỉ với diện tích 4.000m2 ao, sau 8 tháng chăm sóc nuôi dưỡng đàn cá thát lát cườm, hiện nay anh Lâm Em xuất bán với tổng sản lượng cá đạt 80 tấn, với giá bán 82.000đồng/kg, Anh thu về 6,560 tỷ đồng, sau khi trừ tất cả các chi phí khoảng 3 tỷ đồng, anh còn lợi nhuận hơn 3,5 tỷ đồng.
Thu hoạch cá thát lát thương phẩm tại ao của gia đình anh Lâm Em.
Qua thời gian nuôi cá thát lát cườm anh cho biết: “Thát Lát là loài cá đặc sản dễ nuôi, ít bệnh, lớn nhanh, mang hiệu quả kinh tế cao. Mặt khác, để nuôi cá thát lát cườm được thành công, trước tiên cần phải cải tạo ao thật kỹ, diệt sạch cua và cá tạp, thả nuôi với mật độ vừa phải, chất lượng cá giống phải đồng đều và khỏe mạnh”. Bên cạnh đó, anh còn nuôi ghép thêm cá sặc rằn để tận dụng nguồn thức ăn dư thừa và lọc sạch môi trường nước trong ao tạo môi trường sống tốt cho con cá.
Ngoài những kinh nghiệm nuôi cá thát lát cườm mà bản thân đúc rút được, anh Lâm còn tham gia các buổi tham quan và tập huấn hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá thát lát cườm theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm và nắm bắt thêm những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, thông tin giá cả thị trường. Anh luôn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá thát lát cườm cho những hộ khác và đóng góp nhiều cho địa phương.