"Nuôi" lan rừng đột biến mà kiếm bộn tiền
Nhờ chịu khó đi sưu tầm các loại lan rừng đột biến, đến nay ông Nguyễn Văn Hiển (55 tuổi, tổ 3, phường Thái Bình, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) đang sở hữu nhiều loại lan rừng đột biến quý hiếm khác nhau, vừa thoả niềm đam mê chơi lan, vừa kiếm bộn tiền...
Ông Nguyễn Văn Hiển bắt đầu trồng phong lan rừng từ những năm 1982-cách đây tới 36 năm. Ngày đầu, vì yêu thích màu sắc và mùi hương của hoa lan rừng nên ông chủ yếu trồng để ngắm chơi. Do chịu khó đi sưu tầm "gom, nuôi" nên vườn lan rừng của ông cũng từ đó cứ mỗi ngày lại nhiều lên với đủ các loại khác nhau.
Nhưng cơ duyên đưa ông bén duyên với loại lan rừng đột biến cũng thật tình cờ. Trong một lần đi mua lan từ một người đi khai thác trên rừng về trồng, ông Hiển may mắn mua được một giò lan phi điệp đột biến 5 cánh trắng. Từ đó, ông ngày càng yêu mến và chăm chút cho loại lan rừng đột biến này nhiều hơn.
Ông Nguyễn Văn Hiển đang chăm sóc giò lan phi điệp đột biến 5 cánh trắng của gia đình mình.
”Tôi may mắn mua được giò lan phi điệp đột biến 5 cánh trắng này vào năm 2006. Lúc đầu mới mua thì không phát hiện được, nhưng về trồng khoảng 10 ngày sau khi giò này nở hoa thì mới biết. Lúc đó tôi vỡ òa trong hạnh phúc vì may mắn được sở hữu loại lan đặc biệt này và tôi đặt luôn tên cho nó là phi điệp Hiển Oanh 5 cánh trắng.” ông Hiển chia sẻ.
Trong những năm gần đây, phong trào chơi lan đột biến bắt đầu phát triển mạnh và giá trị của những loại lan đột biến này vô cùng lớn. Nhận thấy hoa lan rừng đột biến có giá trị kinh tế cao, sau đó ông Hiển quyết định khởi nghiệp với loại lan đặc biệt này.
Nhờ trồng lan đột biến mà mỗi năm gia đình ông có thu nhập hơn 200 triệu đồng.
Chia sẻ với Dân Việt, ông Hiển cho biết, hiện ông đang sở hữu khoảng bảy loại lan rừng đột biến khác nhau như: phi điệp đột biến 5 cánh trắng, tam bảo sắc đột biến trắng, phi điệp đột biến hồng...giá trị của những loại này gấp hàng trăm lần so với loại bình thường và được tính bằng cm.
Hiện tại, trung bình mỗi năm vườn lan đột biến của gia đình ông Hiển xuất bán ra thị trường hơn 100 mầm lan đột biến các loại, mỗi mầm được bán với giá khoảng từ 500 ngàn đến hơn 1 triệu đồng tùy từng loại. Sau khi trừ hết chi phí, mỗi năm gia đình ông Hiển lãi hơn 200 triệu đồng..
Cận cảnh giò lan phi điệp đột biến 5 cánh trắng có giá trị dao động khoảng 1,5 triệu đồng/ 1cm.
Cũng theo ông Hiển, trồng lan đột biến cho giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng các loại lan rừng thông thường. Vì lan đột biến có giá trị rất lớn và dao động từ 500- 1 triệu đồng/mầm, cá biệt có những loại đột biến quý hiếm có giá trị lên tới 5-7 triệu đồng/mầm.
”Cách trồng và chăm sóc lan đột biến không khác gì so với trồng các loại lan rừng là mấy do chúng là cùng một loại nhưng chỉ khác nhau ở màu sắc. Nhưng đổi lại nó lại cho giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng các loại lan thông thường.” ông Hiển tâm sự.
Nói thêm về loại lan đột biến, ông Hiển cho hay, gọi là lan đột biến vì nó có dáng vẻ độc đáo khác tự nhiên về màu sắc, hình dạng hoa, độ dày của cánh. Thường trong tự nhiên hàng vạn cây lan may ra mới có một cây đột biến nên vì thế chúng mới có giá trị cao. Lan đột biến mang đến sự kích thích, hưng phấn cho người chơi.
Chia sẻ về kỹ thuật trồng lan rừng, ông Hiển cho biết, lan rừng là loại ưa ánh nắng vừa phải và phải thoáng nên trước khi trồng cần phải thiết kế vườn đảm bảo có điều kiện trên. Vườn lan cần được bố trí lưới che mát (loại lưới có độ che nắng 50%), giò lan treo làm sao phải cách đất từ 1.5-2m để đảm bảo độ thông thoáng.
Giá thể trồng thích hợp nhất cho cây lan rừng phát triển là gỗ nhãn và vỏ thông, trong quá trình trồng lan rừng cần thường xuyên theo dõi để có biện pháp xử lý khi cây bị bệnh.