Nuôi gà ta thả vườn, lão nông xứ sở sương mù lãi trăm triệu đồng
Mỗi năm ông Nguyễn Văn Dũng, bản Tự Nhiên (xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) nuôi gà ta thả vườn 3 lứa, mỗi lứa 1.000 con. Sau khi trừ chi phí chăm sóc, ông Dũng đạt mức lãi bình quân hơn 160 triệu đồng/năm.
Thời gian qua, mô hình chăn nuôi gà ta thả vườn đang phát triển mạnh ở các xã thuộc huyện Mộc Châu. Bước đầu mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ chăn nuôi vươn lên làm giàu. Gia đình ông Nguyễn Văn Dũng sinh sống tại bản Tự Nhiên (xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) là một trong những hộ làm kinh tế giỏi nhất nhì nơi đây.
Lúc đầu, ông Dũng nuôi gà mía thả vườn khởi nghiệp với vài trăm con. Đây là giống gà to, khỏe, thịt ngon nhưng do giống gà này không hợp với điều kiện tự nhiên và khí hậu ở cao nguyên Mộc Châu nên hay dịch bệnh, kém phát triển. Ông Dũng trăn trở phải tìm giống gà nào đó nuôi phù hợp với khí hậu ở đây. Trong một lần ông Dũng về quê tỉnh Hưng Yên thăm họ hàng, thấy bà con ở nơi đây nuôi gà ta thả vườn rất phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông trở về Mộc Châu cải tạo lại chuồng trại chuyển sang nuôi hơn 1.000 con gà ta thả vườn, mà nói đúng ra là thả rông bởi đàn gà của ông ra đồi, đậu trên cây... Giống gà ta được ông cẩn thận tìm hiểu và đặt mua từ Sơn Tây nên rất tốt và khỏe mạnh.
Ông Dũng đang cho đàn gà ta ăn tại trang trại.
Ông Nguyễn Văn Dũng cho biết: "Thời gian đầu nuôi gà ta tôi còn nhiều bỡ ngỡ, nên gà không phát triển đồng đều. Để giải quyết những khó khăn gặp phải, tôi vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm, nghiên cứu cách chăm sóc trên mạng thêm nên kiến thức cũng được nâng lên nhiều. Tôi nghĩ nuôi gà chỉ cần tìm tòi và kiên trì là có thể vượt qua mọi khó khăn. Giờ tôi đã tự tin về kỹ năng chăn nuôi của mình, nên đã nâng số lượng đàn gà ta rồi lên hơn 1.000 con."
Để tiện dọn vệ sinh, ông Dũng rải vỏ trấu quanh chuồng.
Trong quá trình chăm sóc, thức ăn cho đàn gà ta được ông Dũng chia ra từng khẩu phần rất khoa học. Khi gà 20 ngày tuổi ông cho gà ăn thức ăn hỗn hợp. Gà đến 40 ngày tuổi ông chuyển sang cho gà ăn ngô xay và gạo xay. Thỉnh thoảng ông bổ sung chút rau xanh để cung cấp vitamin và chất khoáng cho đàn gà. Chuồng gà, được ông rải lớp vỏ trấu phủ lên trên mặt đất để cho gà không bị đau chân, vừa bảo đảm cho việc dọn dẹp vệ sinh chuồng trại tiện lợi. Khi phân gà bám vào vỏ trấu lúc quét dọn đảm bảo sạch sẽ hơn. Phân gà dọn xong được ông Dũng tận dụng bón cho vườn rau, 1 số cây trồng quanh nhà.
Một năm ông Dũng nuôi 3 lứa, mỗi lứa 1.000 con gà ta.
Để đáp ứng được lượng lớn thức ăn cho đàn gà ta, ông tận dụng diện tích nương của gia đình được ông bà để lại cho từ xưa. Bắt đầu trồng ngô và sắn làm thức ăn chăn nuôi cho đàn gà. Ngoài ra, ông còn thu mua tích góp ngô, sắn của các hộ người Mông ở bản xã Tân Lập, Chiềng Hắc cất vào kho dự trữ cho đàn gà. Vì vậy, mà ông đã giảm bớt rất nhiều chi phí thức ăn chăn nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế cho gia đình.
Tận dụng phân gà trong quá trình chăn nuôi, ông Dũng trồng thêm cam, bưởi Diễn để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Văn Dũng, bản Tự Nhiên cho hay: "Bình quân gia đình tôi nuôi được 3 lứa gà ta thả vườn, không phải đi bán lẻ. Sau khi gà đến thời điểm xuất chuồng thương lái vào tận trang trại mua. Tết Nguyên đán Tân Sửu vừa rồi, nhà tôi còn không đủ gà bán cho. Từ nuôi gà ta thả vườn, sau khi trừ chi phí, tôi lãi hơn 160 triệu đồng/năm. Đến nay, kinh tế của gia đình tôi đã khấm khá hơn trước, con cái đều được học hành và thành đạt. Với tình hình giá gà ta đang lên, sắp tới, tôi sẽ tận dụng thêm mảnh vườn trồng bưởi Diễn sau nhà để thả thêm gà ta và nuôi dê tăng thêm nguồn thu nhập."
“Dù con vật này vẫn đang trong bụng mẹ, có khách đã đặt mua rồi, không có đủ hàng để bán luôn”.
Nguồn: [Link nguồn]