Nuôi "đồ bỏ" thu tiền triệu
Trước đây, dân miền Tây coi tép, cua, ốc, dông... như "đồ bỏ", ít người muốn nuôi. Còn nay, những "đồ bỏ" đang mang thu nhập cao cho nhiều người, khi chúng bỗng thành đặc sản.
Nhiều nông dân miền Tây đang đẩy mạnh nuôi cua, ốc, tép đồng... để phục vụ nhu cầu ngày càng lớn của các nhà hàng, khách sạn trong vùng và thị trường TP.HCM.
Mô hình nuôi cua đồng của gia đình ông Nguyễn Văn Khánh, ấp Hưng Quới, xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp không tốn kém nhiều chi phí đầu tư, nhưng mỗi năm mang lại lợi nhuận từ 30-40 triệu đồng.
Ông Khánh cho biết, nuôi cua rất dễ, chỉ cần bao lưới xung quanh cao chừng 1 mét, giữ mực nước trong ruộng khoảng 5-7cm thì có thể mua cua về thả nuôi. Với 1.000 m2 đất ruộng, gia đình thả khoảng 2-4 tấn cua.
Từ một hộ nghèo ở khóm Tây Khánh 7, phường Mỹ Hoà, TP. Long Xuyên (An Giang), anh Huỳnh Chấn Kim” kiếm vài trăm ngàn mỗi ngày nhờ nuôi tép đồng (tép rong) trong ao. Trong ảnh, anh Kim rải thức ăn viên công nghiệp cho tép ăn.
Nuôi tép rong cũng không tốn nhiều chi phí thức ăn, công chăm sóc. Với diện tích 2.500m2 nuôi tép kết hợp trồng bông súng, hàng ngày gia đình anh bắt tép đi bán thu từ 400.000 – 500.000 đồng.
Ông Ngô Thành Lâm, ở khu vực Tân Thạnh, Phường Trường Lạc, quận Ô môn (TP. Cần Thơ) nuôi 2ha ốc trong ao vườn cây ăn trái, cho biết: "Nuôi ốc không cần đầu tư, chúng tự sinh sôi nẩy nở, tự tìm thức ăn sẵn có trong ao. Ốc nuôi từ lúc mới nở trứng đến thu hoạch khoảng 2 - 3 tháng, nuôi loại này dễ bán lại lời cao".
Bình quân một tháng ông Lâm thu hoạch ốc hai lần, giá ốc bán tại nhà 13.000 -15.000 đồng/kg, còn bán tại chợ giá từ 18.000 -20.000 đồng/kg.
Anh Bùi Vĩnh Thái, ở ấp Hòa Thuận, xã Hòa Bình, huyện Châu Thành – An Giang là người đầu tiên ở An Giang nuôi thành công cá chạch bùn với diện tích 10 ao (5ha).
Hiện giá cá bán tại ao là 350.000 đồng/kg, còn bán ở nhà hàng giá từ 500.000 đồng đến 550.000 đồng/kg) nhưng không phải dễ tìm mua. Bình quân mỗi tháng gia đình anh Thái thu nhập hàng chục triệu đồng.
Anh Trần Văn Chánh ở ấp Bà Đen, xã An Cư, huyện Tịnh Biên – An Giang đang đầu tư nuôi dông tự nhiên trên vùng đất nhà.
Hiện giá dông rất cao, dao động từ 350.000-400.000 đồng/kg được nhiều nhà hàng, quán ăn săn lùng.
Nhiều nông dân ở vùng Bảy Núi – An Giang cũng đang phát triển mạnh nuôi tắc kè (thằn lằn núi).
Mỗi kg tắc kè được bán với giá tiền triệu giúp nhiều người thu đến trăm triệu mỗi năm.