Nuôi côn trùng xuất khẩu

Thủ tục khó nhất trong xuất khẩu côn trùng là giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng, kích thước… của côn trùng, kế đến là chứng nhận nguồn gốc giống côn trùng.

Đã gần chục năm gắn bó với con dế, trải qua không ít lần khó khăn, giờ đây ông Trương Thanh Dũng đã gầy dựng được trang trại nuôi dế Thanh Dũng quy mô tại xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa, Long An. Ông Dũng hồ hởi chia sẻ: “Mỗi tháng trại dế của tôi cung cấp cho thị trường trong nước 5-6 tấn dế với giá 100.000 đồng/kg. Nuôi dế không khó. Một thùng dế nuôi khoảng 40 ngày là có thể cho 50-60 kg dế thương phẩm”.

Tây, ta đều khoái

Ông Dũng tiết lộ không chỉ thực khách người Việt mà khách nước ngoài cũng chuộng các món ăn được chế biến từ côn trùng. Trại đang tìm đối tác để xuất khẩu dế đông lạnh sang các thị trường trong khu vực.

Trại dế của ông đạt điều kiện, tiêu chuẩn về nuôi côn trùng nên ông Dũng chỉ lo thị trường tiêu thụ, các thủ tục giấy tờ xuất khẩu…

Ông Dũng cho hay món ăn từ côn trùng được nhiều nước trong khu vực và trên thế giới rất thích vì côn trùng chứa nhiều đạm và các khoáng chất có lợi cho cơ thể con người. Thái Lan, Campuchia, Lào hay Myanmar đều đã phát triển rất tốt ngành nuôi côn trùng làm thực phẩm cung ứng cho nhu cầu nội địa lẫn xuất khẩu. Trong khi đó ở Việt Nam, vài năm trước đây dế mèn hay các loại côn trùng khác như nhộng, bò cạp, rết… nuôi chủ yếu làm thức ăn cho chim chóc, làm mồi câu cá. Hiện nay gần 50% lượng dế sản xuất từ trại Thanh Dũng cung cấp làm món khoái khẩu cho thực khách ở các nhà hàng, khách sạn. “Nếu có chính sách hỗ trợ người nuôi, doanh nghiệp (DN) chế biến xuất khẩu thì hoàn toàn có thể phát triển ngành nuôi côn trùng thành ngành thế mạnh của nước ta” - ông Dũng bộc bạch.

Ông Bùi Ngọc Chương, Giám đốc Công ty Bug (TP.HCM), cho biết hầu như khắp cả nước ở đâu cũng có các trang trại nuôi côn trùng. Ngay ở TP.HCM cũng có nhiều trang trại nuôi dế, bò cạp, nhện… tập trung ở Củ Chi, Hóc Môn… Lượng côn trùng của DN cung cấp cho quán ăn, nhà hàng đều tiêu thụ tốt. Nhiều nhà hàng phản hồi thực khách rất ghiền các món độc, lạ như dế, bò cạp nướng, chiên giòn, chiên nước mắm…

Nuôi côn trùng xuất khẩu - 1

Trại dế của ông Trương Thanh Dũng ở Đức Hòa, Long An. Ảnh: QH

Khó thủ tục xuất khẩu

Không chỉ thị trường trong nước, hiện nay côn trùng nuôi tại Việt Nam đang nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các nước trong khu vực như Thái Lan, thậm chí những thị trường ít ngờ tới như châu Âu. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất mà các DN kinh doanh côn trùng phản ánh với chúng tôi là vẫn còn vướng mắc thủ tục xuất khẩu.

Chẳng hạn, Công ty Bug đã nhận được đơn hàng nhập khẩu côn trùng đông lạnh, chế biến đóng gói sẵn từ phía châu Âu đầu năm nhưng đến nay công ty này vẫn chưa xong hết thủ tục xuất khẩu. Do vậy công ty không dám đầu tư mở rộng sản xuất.

Ông Bùi Ngọc Chương, Giám đốc Công ty Bug, cho biết thủ tục khó nhất trong xuất khẩu côn trùng là giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng, kích thước… của côn trùng, thứ hai là chứng nhận nguồn gốc giống côn trùng.

“Ví dụ như nuôi bò cạp, liên hệ với cơ quan chức năng để làm thủ tục xuất khẩu, họ bảo cứ nuôi thử đi. Nhưng nuôi xong muốn xuất khẩu lại phải chứng minh nguồn gốc giống côn trùng. Cụ thể, giống bò cạp hay các loại côn trùng khác, các trại mua từ những trại khác nên họ không xác định được nguồn gốc giống bò cạp này trong tự nhiên hay từ nguồn nào, vì vậy rất khó chứng nhận nguồn gốc. Do Việt Nam từ trước đến nay còn lạ lẫm với xuất khẩu côn trùng nên chưa có các thủ tục rõ ràng” - ông Chương nói.

Ông Chương cho hay thông tin tích cực là dự kiến vài tháng nữa DN ông sẽ xong các giấy tờ thủ tục, đủ điều kiện xuất khẩu côn trùng đông lạnh sang châu Âu. Có thể vào cuối năm 2015, DN sẽ xuất khẩu lô hàng côn trùng đầu tiên.

Trong khi đó, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho biết hiện nay cục chỉ quản ong khai thác mật và nhộng tằm khai thác tơ. Còn các loại côn trùng khác hiện nay chủ yếu nông dân nuôi tự phát. Các trang trại nuôi côn trùng để làm thực phẩm phải đạt các chứng nhận của Cục Kiểm lâm - Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế, Bộ TN&MT.

“Nước ta là nước nhiệt đới nên côn trùng đa dạng, có nhiều điều kiện để nuôi. Tuy nhiên, nuôi côn trùng xuất khẩu vẫn còn mới lạ đối với Việt Nam. Do đó còn nhiều vấn đề cần phải quản lý. Nếu quản lý được, có quy hoạch thì có thể phát triển nuôi côn trùng thành một ngành sản xuất, xuất khẩu tiềm năng” - ông Chinh kỳ vọng.

Nông dân Thái Lan kiếm triệu đô mỗi năm

Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) khẳng định ăn côn trùng là cách để con người tăng cường dinh dưỡng và giảm ô nhiễm môi trường. Tổ chức này có văn phòng tại Thái Lan. Lợi thế tiếp cận thông tin đầy đủ và từ rất sớm nên nhiều năm nay chính phủ Thái Lan đã có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển ngành nuôi côn trùng làm thực phẩm. Ngành này tại Thái Lan tạo khoản thu hàng triệu đôla mỗi năm với hơn 20.000 trang trại đăng ký nuôi côn trùng. Hầu hết các trang trại là của các hộ gia đình quy mô nhỏ. Với sản lượng trung bình hằng năm 7.500 tấn trong những năm gần đây, Thái Lan đang dẫn đầu thế giới về nuôi côn trùng làm thực phẩm, về xuất khẩu côn trùng. Thưởng thức món ăn từ côn trùng đã thành văn hóa ẩm thực thu hút du khách tại Thái Lan.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Huy (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN