Nuôi con quanh năm ăn lá, nhiều phụ nữ xã vùng biên Bình Phước thoát nghèo ngoạn mục
Nghề trồng dâu nuôi tằm được đánh giá là mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, giúp nhiều phụ nữ xã Tân Thành (huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước) thoát nghèo.
Thu nhập hàng chục triệu đồng/ tháng
Nhờ mô hình trồng dâu nuôi tằm, kinh tế gia đình của chị Nguyễn Thị Tám (ngụ ấp Tân Hội xã Tân Thành) ngày càng khấm khá, với thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng.
Chị Nguyễn Thị Tám (đội nón) đang chia sẻ với Hội Phụ nữ huyện Bù Đốp đến học tập kinh nghiệm về cách trồng dâu nuôi tằm.
Chị Tám chia sẻ với PV Người Đưa Tin, vào đầu năm 2024, sau khi tìm hiểu thông tin từ nhiều nguồn và đi thực tế học hỏi mô hình trồng dâu nuôi tằm ở các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, chị đã trang bị đủ kiến thức và phương pháp nuôi tằm, trồng dâu.
Chị quyết định cải tạo lại 2 sào đất của gia đình để trồng dâu và nuôi tằm. Sau vài đợt thử nghiệm, chị nhận thấy rằng việc phát triển cây dâu tằm mang lại giá trị kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác.
Với chi phí đầu tư thấp, chu kỳ vốn nhanh và thị trường ổn định, có đơn vị thu mua với giá cao, mô hình này đem lại lợi nhuận khá lớn.
Trung bình mỗi tháng, gia đình chị nuôi được 2 lứa tằm, với giá kén hiện tại là 180.000 đồng/kg, mang về thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng.
Cây dâu tằm phát triển tốt trên địa bàn huyện Bù Đốp.
Chị Tám chia sẻ, việc nuôi tằm khá đơn giản. Nhà nuôi chỉ cần đảm bảo không gian thoáng mát, có đủ lưu thông không khí và vệ sinh sạch sẽ, tằm sẽ sinh trưởng tốt và cho kén. Đặc biệt, người nuôi không cần lo lắng về nguồn giống, vật tư, phương tiện hay kỹ thuật chăn nuôi, vì tất cả đều được các đơn vị thu mua cung cấp.
Để tằm phát triển tốt, cần phải giăng lưới kín xung quanh khu vực nuôi để tránh ruồi, nhặng xâm nhập. Cửa ra vào cần có màn che. Mặc dù tằm ít mắc bệnh, nhưng để đạt hiệu quả cao, người nuôi cần có kinh nghiệm.
Nhiệt độ trong khu vực nuôi cần duy trì ở mức 28-30°C. Nếu trời lạnh, cần che chắn và đốt than hoặc thắp điện để sưởi ấm; nếu trời nóng, có thể tưới nước lên mái nhà để giảm nhiệt. Thức ăn cho tằm luôn phải khô ráo, chuồng trại cần giữ sạch sẽ và thoáng mát.
Chị Nguyễn Thị Tám cho biết, nuôi tằm vất vả nhất là khi tằm ăn rỗi, đòi hỏi thời gian nghiêm ngặt, quy trình chặt chẽ và phải có kỹ thuật cao.
Tương tự như gia đình chị Tám, gia đình bà Hà Thị Hướng (ngụ ấp Tân Phong, xã Tân Thành, huyện Bù Đốp) cũng bắt đầu trồng dâu, nuôi tằm hơn một năm nay.
Mỗi lứa, bà Hướng nuôi 2 hộp tằm, sau 17 ngày thu hoạch được khoảng 1 tạ kén. Với giá bán hiện tại là 180 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình bà thu về 16 triệu đồng. Ngoài ra, phân tằm được sử dụng để bón cho cây dâu, giúp gia đình bà tiết kiệm được một khoản chi phí mua phân bón mỗi năm.
Bà Hướng chia sẻ, trước đây việc nuôi tằm rất vất vả, nhưng hiện nay nhờ có giống tốt, kỹ thuật nuôi và nguồn thức ăn ổn định, hiệu quả kinh tế đã cải thiện rõ rệt. Mỗi 20 ngày, gia đình bà nuôi một lứa tằm.
Giai đoạn vất vả nhất là 5 ngày khi tằm ăn rỗi, còn lại thời gian nuôi rất nhàn. Khi tằm làm kén, thương lái đến tận nơi thu mua, giúp bà không phải lo lắng về đầu ra và có nguồn thu nhanh chóng.
Ông Trần Văn Thành, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bù Đốp (người đứng giữa).
Phát triển mô hình trồng dâu nuôi tằm
Ông Huỳnh Phi Long, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành cho biết: Hiện tại, xã biên giới Tân Thành đã có hơn 10 hộ gia đình trồng dâu và nuôi tằm, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ dân. Để phát triển mô hình này, xã đã thành lập tổ hội chăn nuôi, trồng dâu tằm từ năm 2023.
Đây là mô hình mới tại địa phương, nhưng đã chứng minh được hiệu quả kinh tế tương đối cao. Nhờ đó, nhiều Hội Nông dân ở các địa phương khác đã cử đoàn đến thăm và học hỏi kinh nghiệm để nhân rộng mô hình. Dựa trên kết quả đạt được, Hội Nông dân xã Tân Thành cũng đã đề xuất các cấp hội hỗ trợ thêm để mở rộng mô hình.
Khi thị trường có những tín hiệu khả quan, nhiều hộ dân ở xã Tân Thành đã chuyển sang nuôi tằm. So với các loại cây trồng khác, chi phí đầu tư trồng dâu thấp, nuôi tằm cho thu hoạch nhanh, giá kén lại ổn định, nên nghề trồng dâu, nuôi tằm được đánh giá là có khả năng giảm nghèo nhanh chóng. Tính đến nay, xã đã có hơn 10 hộ nuôi tằm lấy kén.
Với lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu và đặc biệt là đầu ra sản phẩm ổn định, nghề trồng dâu nuôi tằm ở huyện biên giới Bù Đốp hứa hẹn sẽ phát triển mạnh mẽ và mang lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
Bà Đỗ Thị Như, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Bù Đốp.
Bà Đỗ Thị Như, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Bù Đốp cho biết, trước khi mô hình nuôi dâu nuôi tằm của chị Tám ra đời, Hội Phụ nữ huyện đã tổ chức nhiều đoàn tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng dâu nuôi tằm. Nhờ đó, chị em phụ nữ trong huyện đã tìm được hướng đi mới để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và thoát nghèo.
Ông Trần Văn Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Bù Đốp chia sẻ, hiện nay, trên địa bàn huyện có hơn 10 hộ gia đình tham gia mô hình trồng dâu nuôi tằm, và kết quả bước đầu rất khả quan.
Để mở rộng sản xuất và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, Phòng NN&PTNT đã thành lập hợp tác xã trồng dâu với quy mô lớn, chuyên cung cấp cây giống và thu mua kén cho người dân.
Ngoài ra, Phòng cũng hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, tạo liên kết giữa người dân và các đơn vị thu mua, nhằm mang lại sự phát triển bền vững. Mô hình trồng dâu nuôi tằm bước đầu đã đạt được thành công và hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội, tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương.
Nguồn: [Link nguồn]
Nuôi hươu sao đang là mô hình kinh tế triển vọng ở vùng biên giới huyện Bù Đốp (tỉnh Bình Phước). Nhiều hộ nông dân đã áp dụng thành công mô hình này,...