Nuôi 500 đàn "vo ve", nông dân xây được nhà lầu tiền tỷ

Sự kiện: Kinh Doanh

Anh Trần Văn Thạo là người nuôi ong giỏi có tiếng ở bản Nà Hạ 2, xã Chiềng Mung (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La). Trong tay có cả trăm đàn ong, vừa bán mật, vừa bán giống, mỗi năm anh Thạo “bỏ túi” gần nửa tỷ đồng. Nhiều người vui tính nói rằng, anh Thạo chỉ nuôi con “vo ve” mà xây cất được nhà lầu tiền tỷ.

Khởi nghiệp từ nuôi ong thuê

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, nghèo khó ở xã Mai Động (huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) 16 tuổi, anh Thạo đã rời nơi “chôn nhau, cắt rốn” lên vùng cao Sơn La lập nghiệp. Không bà con thân thích, không đồng vốn trong tay, anh Thạo tính chuyện đi làm thuê, làm mướn. Anh xin vào làm thuê cho một cơ sở nuôi ong ở cao nguyên Mộc Châu. Tại đây, anh làm việc chăm chỉ, chịu khó học hỏi, tích lũy kinh nghiệm nuôi ong...

Nuôi 500 đàn "vo ve", nông dân xây được nhà lầu tiền tỷ - 1

Đàn ong của anh Thạo luôn có từ 8 - 10 cầu

“Người khác cố gắng một thì tôi phải cố gắng gấp 3, gấp 4, thậm chí gấp 10 lần. Khi đó tôi suy nghĩ, mình lên đây lập nghiệp chứ không phải lên đây để đi làm thuê nên mình cần phải cố gắng vượt qua những khó khăn trước mắt. Nhiều lần bị ong châm đau buốt, sưng tấy khắp mình mẩy, chân tay, nhưng tôi quyết không bỏ cuộc...” – anh Thạo nhớ lại.

Nuôi 500 đàn "vo ve", nông dân xây được nhà lầu tiền tỷ - 2

Anh Thạo làm "nhà nuôi ong" bằng thùng gỗ

Sau 2 năm miệt mài học hỏi, tìm hiểu, nhận thấy nuôi “con vo ve” mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh Thạo quyết định gây dựng sự nghiệp của mình bằng nghề nuôi ong. Với số vốn và kinh nghiệm tích lũy được sau 2 năm nuôi ong thuê, đầu năm 1992, anh Thạo lặn lội về Hà Bắc mua 60 đàn ong giống về nuôi. Chưa đầy một năm, nhờ áp dụng kỹ thuật học hỏi được vào chăm sóc, nuôi dưỡng, nhân đàn mà số đàn ong của anh đã tăng lên 120 đàn.

Xây nhà lầu tiền tỷ từ... ong

Nuôi 500 đàn "vo ve", nông dân xây được nhà lầu tiền tỷ - 3

Ngôi nhà lầu, trị giá gần 2 tỷ đồng của anh Thạo hoàn thành năm 2017 , nhờ nguồn thu từ ong mật

Anh Thạo cho hay: "Lúc đầu, tôi nuôi cả ong nội và ong ngoại. Sau một thời gian nhận thấy, nuôi ong nội hiệu quả kinh tế kém hơn nên tôi chuyển hết sang nuôi ong ngoại.

“Giống ong ngoại có đặc tính là trung thành hơn ong nội. Ong nội vừa không thuần chủng, vừa không cản được phấn, hay bỏ đi và hiệu quả khai thác mật không đạt cao như ong ngoại...” – anh Thạo tiết lộ.

Theo anh Thạo, ong là loài côn trùng có ích. Nuôi ong khá vất vả chứ không dễ như nhiều người lầm tưởng. Nếu người nuôi không chăm sóc tốt thì có khi hỏng cả đàn ong. Nuôi ong thành công hay thất bại phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Thời tiết mưa thuận, gió hòa, cây cối tốt tươi thì người nuôi ong mới “có ăn”. Ngược lại, vào thời điểm các loại cây trái ra hoa mà gặp thời tiết bất lợi thì người nuôi ong cũng sẽ gặp bất lợi...

Nuôi 500 đàn "vo ve", nông dân xây được nhà lầu tiền tỷ - 4

Đàn ong của anh Thạo được chăm sóc tốt, con nào, con nấy đều khỏe mạnh

“Trong quá trình nuôi ong cần chú ý tới các loại trĩ như: trĩ ba ba, trĩ mạt gà gây hại. Các loại trĩ này rất khó trị dứt điểm mà chỉ có thể dùng thuốc xông hơi, khống chế không để trĩ bùng phát ra diện rộng...” – anh Thạo chia sẻ.

Chia sẻ kinh nghiệm nuôi ong với Dân Việt, anh Thạo nói: "Người nuôi ong phải biết cách tạo thế cho đàn ong. Thế của ong có mạnh thì mới cho nhiều mật. Muốn ong khỏe, đông quân thì phải chăm sóc, nuôi dưỡng tốt. Đàn ong đông quân thì số ong đi làm mật mỗi ngày cũng nhiều hơn, dẫn đến lượng mật khai thác thác được cũng nhiều hơn. Đàn ong có thế mạnh dao động từ 8 – 10 cầu, nếu chỉ 3 hay 4 cầu thì lượng mật khai thác được không nhiều."

Nuôi 500 đàn "vo ve", nông dân xây được nhà lầu tiền tỷ - 5

Anh Thạo nuôi ong chủ yếu dựa vào khai thác nguồn hoa các loài cây ăn quả và nguồn hoa thiên nhiên

Đến thăm cơ sở nuôi ong ở đường Nguyễn Trãi, phường Quyết Thắng (T.P Sơn La, tỉnh Sơn La) của anh Thạo, chúng tôi được “mục sở thị” tổ ong là những chiếc thùng gỗ, hình chữ nhật, đặt ngay ngắn gần vườn nhãn. Trước khi mở nắp thùng gỗ, anh Thạo đốt một mẩu bìa cát tông, tạo khói. Khi nắp thùng được mở ra, phía trên nóc, hàng trăm chú ong nhung nhúc bám ở đó, anh Thạo phe phẩy mẩu bìa cát tông phía trên những cầu ong. Gặp khói, đàn ong đang chen chúc bám trên cầu nhanh chóng tản ra, bay vo ve quanh người anh Thạo và cả trước mặt tôi. Anh Thạo nhẹ nhàng rút lên một cầu ong, với chi chít cả nghìn con ong thợ đeo bám ở cả 2 bên mặt cầu, con nào, con nấy cũng khỏe mạnh...

Nuôi 500 đàn "vo ve", nông dân xây được nhà lầu tiền tỷ - 6

Theo anh Thạo, muốn nuôi ong đạt hiệu quả kinh tế cao thì phải thường xuyên di chuyển đàn ong đến nơi có nhiều cây, hoa

Hiện nay, anh Thạo có 2 cơ sở nuôi ong, một ở Thành phố Sơn La và một ở huyện Sông Mã, với tổng số hơn 500 đàn. Anh khai thác triệt để các nguồn hoa để nuôi dưỡng đàn ong. Số đàn ong của anh không ổn định mà có thể tăng lên hoặc giảm xuống theo mùa. Vì vậy lượng mật, ong giống anh bán ra thị trường cũng không ổn định. Bình quân, mỗi năm, anh Thạo lãi gần nửa tỷ đồng từ bán mật, ong giống ra thị trường...

Nuôi 500 đàn "vo ve", nông dân xây được nhà lầu tiền tỷ - 7

Mỗi năm, anh Thạo bán gần chục tấn mật ong các loại ra thị trường

“Nhờ nuôi ong mà tôi xây được nhà lầu ngay mặt Quốc lộ 6, trị giá gần 2 tỷ đồng. Tôi mua được cả ô tô con và nhiều vật dụng đắt tiền dùng trong sinh hoạt... cũng từ tiền bán mật ong mà ra...” – anh Thạo vui vẻ cho biết thêm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Chiến (Dân Việt)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN