Nước ngọt chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10% để giảm tình trạng béo phì?

Nhiều ý kiến băn khoăn về việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường khi sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt

Ngày 11-7, tại hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký VCCI, cho biết việc sửa đổi, bổ sung các chính sách thuế là thách thức rất lớn đối với cơ quan soạn thảo. Bởi việc bổ sung đối tượng chịu thuế hoặc tăng thuế suất đối với một số nhóm hàng hoá, dịch vụ khó nhận được sự đồng tình.

Đại diện Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát phát biểu tại hội thảo

Đại diện Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát phát biểu tại hội thảo

Đối với dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), ông Tuấn cho rằng việc bổ sung diện chịu thuế hiện cũng nhận được nhiều ý kiến khác nhau, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI, cho biết tại dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) do Bộ Tài chính chủ trì xây dựng, diện chịu thuế đã được mở rộng. Theo đó, bổ sung nước giải khát theo tiêu chuẩn Việt Nam, có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào diện chịu thuế TTĐB, với mức thuế suất 10%.

Tại Tờ trình dự thảo luật, Bộ Tài chính nêu rõ việc bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB để thực hiện các chủ trương chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân, khuyến cáo của các tổ chức y tế về thực tế bệnh tật liên quan đến nước giải khát có đường tại Việt Nam.

Qua đó, kịp thời ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân, béo phì đáng báo động ở trẻ em và thanh thiếu niên, nâng cao nhận thức và hạn chế tiêu thụ nước giải khát có đường, mang lại lợi ích về sức khỏe cộng đồng, đặc biệt đối với giới trẻ, thế hệ tương lai của quốc gia, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Ở góc nhìn của Hiệp Hội Bia rượu - Nước giải khát Việt Nam, bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch Hội, băn khoăn về mục tiêu bảo vệ sức khoẻ, giảm tình trạng thừa cân, béo phì khi áp thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường. "Hiệu quả chính sách đối với mục tiêu bảo vệ sức khỏe chưa rõ ràng"- bà Chu Thị Vân Anh nhấn mạnh và cho rằng nước giải khát không phải là nguồn cung cấp đường, calo duy nhất để gây nên tình trạng thừa cân, béo phì.

Theo bà Chu Thị Vân Anh, mức tiêu thụ nước giải khát của Việt Nam không cao so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Nhiều nước có mức tiêu thụ nước giải khát cao hơn Việt Nam nhưng cũng không áp thuế TTĐB với nước giải khát. Do đó, Hiệp Hội Bia - Rượu - Nước giải khát đề xuất chưa bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế TTĐB ở lần sửa đổi này.

PGS-TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế), phát biểu tại hội thảo

PGS-TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế), phát biểu tại hội thảo

Có quan điểm khác, ông Nguyễn Kim Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho rằng về dài hạn, cần ủng hộ việc áp thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường. Theo ông Hùng, Việt Nam đã và đang tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, phù hợp thông lệ quốc tế, nên các quốc gia trên thế giới đã áp thuế TTĐB với mặt hàng này, thì Việt Nam cũng cần nghiên cứu áp dụng theo lộ trình. Ông Nguyễn Kim Hùng kiến nghị nghiên cứu lộ trình áp thuế phù hợp, như một số ý kiến tại hội thảo đã đề xuất, có thể áp thuế sau năm 2030.

Tại hội thảo, PGS-TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế), cho rằng các mục tiêu về bảo vệ sức khỏe người dân là dài hạn, không thể nói ăn uống hôm nay mà ngay ngày mai ảnh hưởng tới sức khỏe ngay được. Do đó, việc thực hiện các chính sách thuế để thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân là tầm nhìn dài hạn, để bảo vệ sức khỏe không chỉ cho người dân hôm nay mà con thế hệ mai sau.

Theo bà Mai, một số nước không áp thuế TTĐB với nước giải khát có đường, song bối cảnh và tình hình ở mỗi nước khác nhau. Ở Việt Nam, chúng ta đã và đang thực hiện các giải pháp để bảo vệ sức khỏe người dân, thực hiện các chính sách thuế để thay đổi hành vi tiêu dùng chỉ là một trong nhiều các giải pháp.

Ông Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), Trưởng ban Tư vấn, phản biện và giám định xã hội (Tổng hội Y học Việt Nam), cho rằng hội thảo đang bán về các vấn đề xung đột lợi ích giữa kinh tế và lợi ích về mặt sức khoẻ. Theo ông Quang, chúng ta phát triển kinh tế nhưng cũng cần cân bằng các mục tiêu về sức khoẻ, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, thực hiện các cam kết quốc tế về phát triển bền vững.

Theo ông Quang, việc áp thuế với nước giải khát có đường đã được đặt ra từ năm 2014, tuy nhiên thời điểm đó chưa có đủ các bằng chứng khoa học, các nghiên cứu và đánh giá tác động đầy đủ nên chưa đưa vào Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Đến nay, khi các cơ sở đã đủ, cơ quan soạn thảo đã đưa ra đề xuất này.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết sẽ tổng hợp các ý kiến tại hội thảo để ban soạn thảo xem xét, nghiên cứu hoàn thiện dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia theo lộ trình, lên 100% vào năm 2030.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Chiến ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN