Nước mắt tuôn rơi ở Lâm Đồng: Mất cả trăm tỷ sau mưa lũ kinh hoàng
Trận lũ kinh hoàng ngày 8/8 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã làm không ít các gia đình phải khốn khổ, nước mắt tuôn rơi vì vườn tược đã bị nước nhấn chìm hoàn toàn.
PV có mặt tại xã Lát (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) một trong những vùng trồng rau, hoa lớn của tỉnh, thế nhưng khi tiếp cận vào những ngôi nhà kính hướng hồ Đan Kia thì cảnh tượng tan hoang, nước ngập trắng cả một vùng khiến ai cũng xót xa.
Nhiều nhà kính tan hoang sau cơn lũ kinh hoàng.
Tay vẫn cầm chiếc xô múc nước từ trong nhà đổ ra ngoài, anh Hồng Văn Tám (xã Lát, huyện Lạc Dương, mới từ Hà Tĩnh vào Lâm Đồng) cay đắng nói: “Trời mưa suốt từ hôm 6/8, nước lũ thì đổ về trong đêm khiến người dân chúng tôi có kịp trở tay đâu. Toàn bộ 8.000m2 trồng hoa hồng mới được 2 tháng của gia đình tôi giờ đã bị nước nhấn chìm, ước tính thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Rất may khi thấy nước lũ về tôi đã mang được tủ lạnh, máy giặt và ít đồ đi gửi, không thì nước cũng ngập hết”.
Anh Tám đang dọn nhà sau khi bị nước lũ ngập vào, 8.000m2 hoa hồng của gia đình anh cũng bị nhấn chìm.
Anh Tám cũng cho biết, nhà của anh gần suối nhưng một số nhà gần đó đã thuê máy múc để lấn đất nên nước lũ không chảy được, nên đã tràn qua các khu vườn của người dân.
Cách đó không xa, chị Lian (người K’ho, thôn Đan Kia, xã Lát) cũng cho biết, nước lên nhanh khiến người dân không kịp xoay sở, đành nhìn vườn của mình chìm trong biển nước. “Gia đình tôi có 3.000m2 trồng cà phê, giờ cũng bị ngập hết, nhưng do nước sâu quá không thể vào thăm vườn thế nào nước, chăm gần đến lúc thu hoạch rồi mà không được thu thì xót lắm”, chị Lian nói.
Nhiều vườn rau đang xanh tốt ngập trong nước lũ.
Ông Lê Chí Quang Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết, mưa lớn trên diện rộng và kéo dài gây ngập nhiều nơi trên địa bàn huyện, trong đó có hai khu vực bị ngập sâu là thị trấn Lạc Dương và xã Lát. Theo thống kê nước lũ đã làm 200ha rau màu bị ngập chìm trong nước, trong đó có nhiều diện tích rau, hoa và dâu tây sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao bị thiệt hại nặng.
Đặc biệt, tại huyện Lạc Dương có một trang trại nuôi cá tầm tại thôn Đạ Nghịt (xã Lát) bị vỡ bờ, khoảng 300 tấn cá tầm thoát ra ngoài theo dòng nước lũ. Ước tính thiệt hại của trang trại này khoảng 52 tỷ đồng.
Người dân địa phương dùng lưới bắt cá tầm bị xổng đem đi bán.
Đà Lạt là thủ phủ của rau hoa công nghệ cao tỉnh Lâm Đồng, mọi năm tình trạng nước lũ ngập gây hư hại hoa màu khá phổ biến. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Cứ - Trưởng phòng Kinh tế TP. Đà Lạt cho hay, năm nay dù mưa lớn nhưng tình trạng trên diễn ra ít, chủ yếu là nhà dân bị ngập nước.
Theo ghi nhận của PV tại thôn Măng Lin, Phường 7 (TP. Đà Lạt), người dân vẫn chưa hết xót xa khi nhìn những luống hoa cúc đang hoa bị nước lũ làm đổ nghiêng ngả. Ông Trịnh Quý Trong (chủ một vườn hoa rộng 5.000m2) xót xa cho biết: “Khu vườn của gia đình tôi có một nửa đang thu hoạch và một nửa đang ra nụ nhưng đã mất trắng vì mưa lớn mấy ngày qua. Nước dâng cao hơn một mét khiến hoa hỏng hết, còn ngập vào trong nhà, gia đình tôi gồm 7 người đã kịp thời mở của thoát ra ngoài, máy giặt tủ lạnh coi như hỏng hết”.
Những luống hoa cúc của người dân bị nước tràn vào gãy đổ, cảnh tượng ai cũng xót xa.
Ông Cứ cũng cho biết, trên địa bàn có 3 ngôi nhà bị sập tường, lún nền do mưa lớn, tình trạng ngập rau hoa chủ yếu xuất hiện ở xã Tà Nung (khoảng 9ha)... ước tính thiệt hại do mưa lớn từ ngày 5/8 đến 8/8 là hơn 8 tỷ đồng”.
Theo Ban Chỉ huy PCTT – TKCN tỉnh Lâm Đồng thì mưa lớn đã gây ngập khoảng 2.400ha lúa, hoa màu của người dân, trong đó có nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Chỉ riêng tại huyện Lạc Dương, thiệt hại của địa phương khoảng 77 tỷ đồng. Trong đó thiệt hại về trồng trọt khoảng 17,5 tỷ đồng, thủy sản khoảng 52 tỷ đồng và hạ tầng khoảng 7 tỷ đồng.
Theo thống kê, toàn tỉnh Lâm Đồng thiệt hại khoảng 100 tỷ đồng sau trận lũ vào ngày 8/8.
Ngoài ra, các huyện Bảo Lâm, Bảo Lộc, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Đam Rông, Đức Trọng, Lâm Hà, Đạ Huoai cũng bị ngập nặng, hơn 1 nghìn ngôi nhà bị ngập nước. Ước tính tổng thiệt hại khoảng 100 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, nước sông Đồng Nai đang dâng cao do thủy điện Đắk Kar (Đắk Nông) xả lũ. Vì vậy, lực lượng chức năng vẫn đang túc trực 24/24 để tiến hành cứu trợ người dân vùng trũng khi xảy ra trường hợp xấu nhất.
Hiện, các cơ quan chức năng tiếp tục tiến hành giúp đỡ người dân ổn định cuộc sống, thống kê thiệt hại để có chính sách hỗ trợ.
Hiện, ở Việt Nam, những thiệt hại về kinh tế từ dịch tả lợn châu Phi gây ra vẫn chưa có hồi kết.