Nước hoa đắt tiền từ hàng chợ Trung Quốc
Ngại mua nước hoa nhập khẩu chính ngạch vì giá cao hơn giá ở nước ngoài từ hai đến ba lần, nhiều người chọn mua hàng xách tay để vừa sở hữu được mùi hương ưa thích vừa đỡ tốn tiền. Thế nhưng, thị trường này muôn màu muôn vẻ!
Hàng xách tay cũng năm bảy đường
Tại chợ Kim Biên, các hiệu nổi tiếng như Gucci, CK, Gio, Lancôme, Chanel… tạm chia hai loại, loại giả của Trung Quốc giá từ 100.000đ đến 120.000đ/chai, điện thoại trước đặt hàng, quầy luôn đủ hàng để giao; còn loại xịn thì có hàng xách tay, hiệu gì cũng có. Không giấu giếm với “bạn hàng”, chủ quầy nói thẳng là hàng Trung Quốc dù nhãn mác đều “made in France” hay “made in USA”. Loại này được bán giá vài trăm ngàn trong nhiều nhà sách, chủ quầy nói thêm.
Còn ở các chợ bán lẻ, người bán luôn hỏi trước số tiền khách định mua là bao nhiêu để tư vấn. Né dùng từ “giả”, nếu dự định mua nước hoa hiệu giá vài trăm, người bán sẽ nói hàng xách tay từ Singapore, từ Malaysia, hay Hong Kong. Nếu tiền khách thoải mái, chủ hàng cam kết bán đúng hàng thật xách tay, về dùng có phát hiện giả, dỏm thì cho đổi hàng.
Có thể thấy, thị trường nước hoa hiện bị chi phối bởi lực lượng xách tay là rất lớn. Trên mạng, chuyện mua bán nước hoa cũng rất sôi động. Toàn rao là hàng xách tay, các shop bán hàng online luôn có đủ hàng, đủ hiệu để bán cho khách. Thậm chí, thành viên các diễn đàn hoặc các mạng xã hội rao bán nước hoa của người thân xách tay về cũng là một kênh mua bán sôi động.
Chủ một shop quà lưu niệm trên đường Huỳnh Văn Bánh tiết lộ: “Chợ sỉ cũng đầy hàng xách tay, người mua về bán lẻ có cách chế tài bằng số tiền gối đầu nếu phát hiện đó là hàng giả, do đó, không có chuyện người bán lẻ mua nhầm”. Đánh giá của ông Andy Trương, giám đốc công ty StarAsia chuyên nhập khẩu nước hoa thì đây là một thị trường rất tiềm năng và hầu như không có người quản lý. Một công ty sẽ nhập vài thương hiệu và chịu trách nhiệm bảo vệ nó. Lĩnh vực xách tay hầu như bị bỏ ngỏ và kinh doanh hoàn toàn bằng niềm tin chứ không có luật lệ gì.
Nhân viên bán nước hoa tư vấn cho khách chọn mùi hương
Chọn nơi uy tín hoặc chấp nhận giá cao
Ở khoảng giữa của nước hoa xịn 100% và hàng… Trung Quốc, còn một loại khác mà theo người bán là hàng nhập khẩu chính thức của các thương hiệu lớn “được gia công ở Malaysia, độ sắc sảo của chai lọ đạt khoảng 90% so với hàng thật và giá chỉ bằng 1/5 so với hàng chính hãng nhập khẩu”. Có cửa hàng hẳn hoi, cam kết đúng mùi hương, nhưng nói rõ cho khách là thời gian lưu hương ngắn hơn vài tiếng.
Tuy nhiên, nếu hàng “chính hãng gia công ở Malaysia”, tại sao không ghi xuất xứ Malaysia như luật định, dù có mã vạch mã code, xuất xứ lại là “made in France” hay “made in USA”? Trả lời câu hỏi này, một nhà nhập khẩu chính thức không muốn nêu tên khẳng định là hàng giả, bởi những thương hiệu lớn không bao giờ để xảy ra tình trạng có hai cấp độ chất lượng, dù là sản xuất hay gia công ở một nước thứ ba; thêm nữa, xuất xứ sản phẩm ghi không đúng như thế là tự nó đã nói lên sự thiếu minh bạch!
Nhà nhập khẩu trên cho rằng: “So với các năm trước, thuế nhập khẩu mặt hàng nước hoa hiện đã giảm nhiều và nước hoa cũng không thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, điều này giúp rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa giá thị trường nội địa và nước ngoài. Dù vậy, khoảng cách này hiện vẫn còn rất lớn.
Ở Việt Nam, muốn có một chai nước hoa chính hiệu, người tiêu dùng có khi phải chi gấp đôi ba lần giá mua ở nước ngoài do chi phí mặt bằng, nhân viên, quảng bá hình ảnh cao cấp thường rất cao”. Tâm lý e ngại hàng nhập chính hãng cao hơn giá mua ở nước ngoài nên người tiêu dùng vẫn thích chọn mua mỹ phẩm, nước hoa theo dạng xách tay để có giá mềm và yên tâm là hàng thật. “Nghịch lý là, nhiều người chuyên bán hàng xách tay cũng bán theo giá ở các trung tâm thương mại lớn dù họ không tốn nhiều cho khoản thuế, mặt bằng, nhân viên”, bà Thuỳ Linh, giám đốc công ty SaigonTrans, chuyên dịch vụ nhập khẩu và kê khai hải quan nói.
Ông Andy Trương cho biết, hàng xách tay cũng có rất nhiều loại, nếu ham rẻ, mua hàng sale ở nước ngoài có thể gặp phải hàng cận date, hàng bỏ mẫu, chưa kể, mua phải hàng giả ở các “thiên đường” mua sắm mỹ phẩm, thời trang. Do đó, nếu có nguồn hàng xách tay tin tưởng với giá mềm thì không phải bàn. Từ thực tế này, để tự bảo vệ, người tiêu dùng không còn cách nào khác ngoài việc chấp nhận mua giá cao ở các trung tâm thương mại, siêu thị của các nhà nhập khẩu chính thức, bằng không, đánh cược với uy tín của người bán lẻ!
Ông Huỳnh Tấn Phong, phó chủ tịch hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho biết, chủ sở hữu thương hiệu phải là người xác định đầu tiên đối với một sản phẩm giả. Chai lọ phải được đăng ký, bảo hộ kiểu dáng, chất lượng nước hoa bên trong phải được các labo kiểm nghiệm. Khi phát hiện một điểm nào làm hàng giả sản phẩm của mình, chủ thương hiệu báo cho quản lý thị trường để kết hợp với các cơ quan chức năng nhà nước kiểm tra. Sau kiểm tra, chủ thương hiệu ký tên vào biên bản để xác nhận vụ việc. Việc này không phải thương hiệu nào cũng có điều kiện hoặc lưu tâm làm. Cho nên Hiệp hội hiện chỉ có thể tuyên truyền, nâng cao hiểu biết cho người dân để tránh mua phải hàng giả mà thôi. |