Nước giải khát sắp tăng giá vì phải áp thuế... chống béo phì

Sự kiện: Kinh Doanh

Các doanh nghiệp sản xuất nước giải khát trong đó có mặt hàng nước ngọt sẽ chịu nhiều loại thuế với mức tăng bổ sung như: Thuế VAT tăng từ 10 lên 12%; thế TTĐB 10% và thuế VAT đối với đường tăng từ 5% lên 6%... sẽ làm tăng giá các sản phẩm giải khát.

Đây là thông tin được ông Nguyễn Tiến Vỵ, Phó chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát cho biết tại buổi hội thảo góp ý một số điều của 5 luật thuế tổ chức sáng nay (14/9) tại Hà Nội.

Ông Vỵ khẳng định, dự án luật này nếu thông qua sẽ có ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nước giải khát nói riêng. Cụ thể là các doanh nghiệp này sẽ chịu nhiều loại thuế với mức tăng bổ sung như: Thuế VAT tăng từ 10 lên 12%; thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với doanh nghiệp sản xuất nước ngọt là 10%; mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) áp dụng cho đường tăng từ 5% lên 6%.

"Nếu luật được ban hành, giá các sản phẩm nước giải khát trên thị trường sẽ tăng khoảng 12%, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời chi phí sản xuất sẽ tăng lên do mức tăng thuế suất VAT áp dụng cho mặt hàng đường. Tất cả những yếu tố này sẽ gây ra những hệ lụy như: tăng giá sản phẩm; giảm khả năng tiêu thụ, giảm doanh thu có thể kéo theo giảm quy mô sản xuất, giảm lao động… Trong đó, đối tượng sẽ chịu ảnh hưởng và  tác động nhiều nhất của luật này sẽ là các doanh nghiệp vừa và nhỏ", ông Vỵ nói thêm.

Nước giải khát sắp tăng giá vì phải áp thuế... chống béo phì - 1

Phó chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Vỵ.

Vị đại diện Hiệp hội cũng khẳng định, giá bán cao còn có khả năng dẫn đến cơ hội cho hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái kém chất lượng phát triển.

Hiệp hội này cho rằng, báo cáo giải trình của Bộ Tài chính về dự án luật này chưa làm rõ được vấn đề về dự luật sẽ tác động như thế nào đối với nền kinh tế, ngành công nghiệp nước giải khát và người tiêu dùng. Hơn nữa, các cơ sở để áp thuế TTĐB đối với nước ngọt chưa thuyết phục.

“Bộ Tài chính đưa ra ba cơ sở để áp dụng thuế TTĐB đối với nước ngọt: Cơ cấu lại thuế để tăng ngân sách, phù hợp với xu hướng quốc tế và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, cụ thể là bệnh béo phì và tiểu đường. Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng chưa được chứng minh 1 cách khoa học việc “liệu nước ngọt có phải là nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường và béo phì không và liệu áp thuế TTĐB đối với nước ngọt có làm giảm được tỷ lệ báo phì và tiểu đường hay không?”, Phó Chủ tịch Hiệp hội đặt câu hỏi.

Cũng theo Hiệp hội, dự án luật có sự phân biệt, đối xử giữa đồ uống và các thực phẩm khác, có vị ngọt hoặc chứa đường. Nếu nói là bảo vệ sức khỏe người dân, đặc biệt là bệnh béo phì và tiểu đường thì cần áp thuế TTĐB đối với tất cả các loại thực phẩn có chứa hàm lượng đường cao hơn sản phẩm nước ngọt nhưng cơ quan soạn thảo lại chỉ đề xuất áp thuế TTĐB đối với nước ngọt.

Ngành bia, rượu, nước giải khát Việt Nam với hàng trăm doanh nghiệp, hàng năm đóng góp cho ngân sách nhà nước gần 50 nghìn tỷ đồng.

Do vậy, Hiệp hội kiến nghị Bộ Tài chính cần có báo cáo đánh giá tác động đầy đủ, có cơ sở rõ ràng về những ảnh hưởng đối với nền kinh tế nói chung và ngành sản xuất nước giải khát nói riêng.

"Nhiều nước lớn, đông dân như Trung Quốc cũng chưa áp thuế TTĐB đối với nước ngọt, vì vậy đề nghị chưa áp thuế TTĐB đối với sản phẩm nước ngọt. Trong trường hợp cần áp thuế thì Bộ Tài chính xem xét áp thuế đối với tất cả các hàng hóa thực phẩm có chứa đường ở mức thuế thấp, từ 1% đến 3%  hoặc chỉ áp thuế TTĐB đối với những sản phẩm nước ngọt có hàm lượng đường cao", vị đại diện Hiệp hội dẫn chứng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hải Yến (Infonet)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN