Nóng tuần qua: Trồng nghịch mùa thứ quả của Việt Nam mà Trung Quốc thích mê, nông dân thu bộn tiền
Dù phải đầu tư lớn để xử lý ra quả nghịch vụ nhưng lợi nhuận mang về lên đến 1 tỉ đồng/ha.
Sầu riêng tiếp tục trúng giá
Ngay đầu năm Giáp Thìn, nhà vườn trồng sầu riêng nghịch vụ, chủ yếu ở ĐBSCL đã phấn khởi khi giá bán xô tại vườn ở mức từ 120.000 - 150.000 đồng/kg (giống Ri 6) và 170.000 – 200.000 đồng/kg (giống Monthong). Với mức giá này, theo tính toán của nhà vườn, dù phải đầu tư lớn để xử lý ra quả nghịch vụ nhưng lợi nhuận mang về lên đến 1 tỉ đồng/ha.
Dự báo năm 2024, xuất khẩu sầu riêng vẫn còn thuận lợi khi thị trường lớn nhất là Trung Quốc cung vẫn chưa đủ cầu và Việt Nam đã có thêm nhiều vùng trồng có mã xuất khẩu cũng như kỳ vọng vào mặt hàng sầu riêng đông lạnh sớm được Trung Quốc mở cửa.
Sầu riêng tiếp tục là con át chủ bài của ngành rau quả
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đánh giá Việt Nam có nhiều lợi thế về mặt hàng sầu riêng khi có thu hoạch quanh năm và gần thị trường tiêu thụ.
Đây cũng là loại quả có thể xuất khẩu sang nhiều thị trường ngoài Trung Quốc với đa dạng sản phẩm chế biến. Do vậy, trong vài năm tới, sầu riêng vẫn là "con át chủ bài" của ngành rau quả. Dù vậy, ngành sầu riêng phải giữ vững chất lượng, an toàn thực phẩm cũng như uy tín trên thương trường để giữ được lợi thế.
Giá lúa tăng khiến nông dân miền Tây 'vui như Tết'
Những ngày đầu tháng 2, nông dân ở các tỉnh miền Tây thu hoạch lúa vụ đông xuân sớm vui mừng vì giá lúa tăng cao.
Giá lúa VNR20 đầu năm 2024 dao động từ 9.700 - 9.800 đồng/kg lúa tươi bán tại ruộng. Tương tự, tại Gò Quao, Kiên Giang, giá lúa dẻo đầu năm 2024 đang ở mức cao kỷ lục, từ 9.000 - 10.000 đồng/kg lúa tươi.
Giá lúa IR504 được thương lái thu mua với giá 8.500 đồng/kg. So với năm 2022 và 2023, giá lúa năm nay tăng khoảng 4.000 - 5.000 đồng/kg lúa tươi, một mức tăng đáng kể.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến giá lúa miền Tây tăng cao trong năm nay. Theo ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Công ty TNHH Gạo Việt, cho biết: Thứ nhất, nhu cầu tiêu thụ gạo đang tăng cao góp phần tăng giá lúa trong nước. Thứ hai, sản lượng lúa Việt Nam xuất khẩu nhiều sang các nước trong đó có Indonesia, Philippines, Trung Quốc..
Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam duy trì ổn định. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện giá gạo 25% tấm ở mức 610 USD/tấn; gạo 5% tấm ở mức 637 USD/tấn.
Ngư dân đón lộc đầu năm sau chuyến biển xuyên Tết ở Trường Sa
Những ngày này Cảng cá Hòn Rớ (TP Nha Trang) khá tấp nập khi các chuyến tàu đầu tiên đánh bắt xuyên Tết dần cập bến, mang đầy ắp cá vào bờ. Sau chuyến biển kéo dài khoảng 20 ngày đánh bắt xuyên Tết Nguyên đán Giáp Thìn, tàu cá của ngư dân các tỉnh miền Trung đã bắt đầu cập cảng Hòn Rớ với sản lượng cao. Theo nhiều ngư dân, nếu chuyến biển đầu năm suôn sẻ thì năm đó nghề biển sẽ ăn nên làm ra.
Thuyền viên đưa cá từ tàu lên bờ tiêu thụ.
Theo kinh nghiệm của nhiều ngư dân, chuyến đi biển cuối tháng chạp, trở về vào giữa tháng giêng thường trúng lớn nên năm nay nhiều tàu câu cá ngừ đại dương, tàu lưới rê hoạt động xa bờ sẵn sàng vươn khơi, ăn Tết trên biển. Theo Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, toàn tỉnh có gần 3.200 tàu cá; trong đó có 659 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên, chủ yếu khai thác cá ngừ đại dương và các loại cá thu ngừ, cá ngừ sọc dưa... với 309 chiếc hoạt động nghề câu; 126 chiếc hoạt động nghề lưới rê, 22 chiếc hoạt động nghề lưới vây, 16 chiếc hoạt động nghề mành chụp.
Trong dịp Tết năm nay, có 103 tàu cá xa bờ đăng ký hành trình xuyên Tết. Trong khi các tàu đánh bắt xuyên Tết trở về cập cảng, thì tại cảng Hòn Rớ, các tàu khác cũng đang tất bật chuẩn bị ngư lưới cụ, nhiên vật liệu và nhu yếu phẩm cần thiết cho chuyến “xông biển” đầu năm.
Hơn 100 xe nông sản mở hàng qua biên giới Lạng Sơn xuất Trung Quốc
Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn, trong sáng 14/2 (tức mùng 5 tháng Giêng) đã có 125 xe chở hoa quả tươi (sầu riêng, thanh long, mít, dưa hấu) của các doanh nghiệp có đăng ký trước từ các tỉnh miền Trung, miền Nam thông quan qua cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị.
Ở khu vực phương tiện chờ xuất khẩu tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, nhiều xe hàng chủ yếu là hoa quả tươi như mít và sầu riêng đang nổ máy để sẵn sàng thông quan. Cán bộ, nhân viên túc trực tại cửa khẩu phối hợp nhịp nhàng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho những chuyến hàng đầu tiên giao thương được thông suốt.
Các lực lượng chức năng tại cửa khẩu đã bố trí cán bộ làm việc, đảm bảo sẵn sàng phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa thông suốt. Không chỉ làm thủ tục cho các lô hàng đã được doanh nghiệp đăng ký trước, những lô hàng, nhất là hàng hoa quả tươi chưa đăng ký, cơ quan hải quan vẫn sẵn sàng làm thủ tục và tạo điều kiện thuận lợi nhất để hàng hóa được thông quan nhanh nhất.
Được biết, bắt đầu từ ngày 18/2, tất cả các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh sẽ thực hiện thông quan hàng hóa trở lại bình thường. Xuất nhập khẩu hàng hóa diễn ra thuận lợi tại hai cửa khẩu quan trọng của tỉnh Lạng Sơn ngay từ đầu Xuân năm mới báo hiệu những tín hiệu lạc quan và tích cực cho hoạt động biên mậu của tỉnh thời gian tới.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong năm 2023 vừa qua, tỉnh này có hàng nghìn ô tô được người dân mua.