Nóng tuần qua: Rút ngắn còn 5 bậc, tiền điện sinh hoạt sẽ tăng giảm ra sao?
Bộ Công Thương đề xuất cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt rút ngắn từ 6 bậc xuống 5 bậc theo đề xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và đơn vị tư vấn nhưng có thay đổi về cơ cấu tỉ trọng so với giá bán lẻ điện bình quân.
Tiền điện sinh hoạt thay đổi thế nào khi rút ngắn còn 5 bậc?
Theo dự thảo mới về giá điện, phương án đề xuất 5 bậc, bậc thấp nhất cho hộ gia đình dùng dưới 100 kWh/tháng, thay cho 50 kWh/tháng như hiện nay. Bậc cao nhất từ 701 kWh/tháng trở lên, thay cho 401 kWh/tháng trở lên.
Cụ thể, giá điện cho 100 kWh đầu tiên được giữ nguyên để hỗ trợ người nghèo, hộ gia đình chính sách (khoảng gần 33,5% tổng số hộ dùng điện cả nước).
Chênh lệch giảm doanh thu tiền điện của số hộ này sẽ được bù trừ hộ sử dụng điện từ 401 - 700 kWh và trên 700 kWh. Bộ Công Thương nhấn mạnh giá điện các bậc cao (từ 400 kWh trở lên) được thiết kế nhằm bù trừ doanh thu cho các bậc thấp.
Bộ Công Thương cho biết chênh lệch giữa bậc 1 và 5 là hai lần, phù hợp với xu thế chung của thế giới nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Nhưng các hộ dùng điện nhiều, trên 711 kWh một tháng (khoảng 2% số hộ dùng điện toàn quốc) phải trả tăng tiền điện mỗi tháng.
Lấy dẫn chứng về một hộ gia đình sử dụng 300 kWh/tháng, với quy định hiện hành, số tiền điện phải trả là 673.200 đồng; với phương án đề xuất mới của Bộ Công Thương, số tiền phải trả là 670.277 đồng, đều chưa gồm thuế GTGT.
Có thể thấy, số tiền phải trả hàng tháng của hộ sử dụng 300 kWh/tháng thay đổi không đáng kể giữa quy định hiện hành và phương án mới của Bộ Công Thương đề xuất.
Giá vé máy bay đang tăng
Theo phản ánh của nhiều hành khách có nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không, giá vé máy bay các chặng nội địa thời điểm này tăng khá cao so với cùng kỳ và trước đó. Đáng chú ý, hiện tại đang là mùa thấp điểm của khách nội địa và nhu cầu đi lại bằng đường hàng không cũng không tăng đột biến.
Theo một số đại lý vé máy bay, giá vé bắt đầu nhích lên trong vài tuần qua khiến số lượng khách lẻ đặt vé đi du lịch giảm. Các công ty du lịch cũng xác nhận giá vé máy bay tăng ảnh hưởng không nhỏ đến việc khai thác tour, tuyến từ TP HCM đi các điểm đến ở miền Trung, miền Bắc, thậm chí còn ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của du lịch nội địa.
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết giá vé máy bay được thực hiện theo cơ chế linh hoạt với nhiều dải giá, tùy tình hình cung - cầu thị trường, điều kiện vé, thời điểm xuất vé... Đối với thị trường nội địa, các hãng hàng không Việt Nam tuân thủ quy định của Thông tư 17/2019/TT-BGTVT về khung giá vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa, không bán vé quá giá trần.
Hiện tại, các hãng hàng không Việt Nam cũng như thế giới đang phải đối mặt việc tăng chi phí khai thác với một số nguyên nhân. Trong đó, giá nhiên liệu Jet A1 tháng 10-2023 ở mức trên 122 USD/thùng, tăng hơn 60% so với năm 2019. Ngoài ra, tỉ giá hối đoái biến động trong khi giá bán vé tại Việt Nam được thanh toán bằng tiền đồng nên các hãng vẫn chưa thể có lãi.
Loại chanh “lạ” nhập từ Trung Quốc “gây sốt” tại chợ Việt
Thời gian gần đây, trà chanh giã tay đang trở thành món đồ uống “hot trend”, được đông đảo các bạn trẻ săn lùng, tìm mua. Thậm chí, tại nhiều điểm bán trà chanh giã tay tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, nhiều người phải xếp hàng, lấy số chờ tới lượt để mua được một cốc trà.
Được biết, nguyên liệu chính để làm nên cốc trà chanh giã tay chính là chanh tươi Quảng Đông (Trung Quốc), hay còn gọi là chanh nước hoa, một loại chanh có kích thước lớn hơn quả chanh thông thường, có hình bầu dục, hai đầu nhọn, vỏ dày chứa nhiều tinh dầu, ít nước và rất thơm.
Chanh tươi Quảng Đông (Trung Quốc) được nhập về Việt Nam cung cấp cho các quán bán trà chanh giã tay.
Để mua 1kg chanh nước hoa, người tiêu dùng phải chi số tiền từ 60-100 nghìn đồng, cao gấp 3-4 lần chanh thông thường. Tuy nhiên, chanh nhập về bao nhiêu cũng được các đầu mối mua hết đến đó.
Chanh Quảng Đông còn gọi là chanh nước hoa. Khi giã tay sẽ có đầy đủ hương vị của cây sả, lá trúc, bưởi và tinh dầu chanh mà không bị đắng hay chát nên khi pha chế rất thơm và ngon mà không cần thêm bất kỳ nguyên liệu gì.
Việt Nam xuất siêu hơn 24 tỉ USD trong 10 tháng đầu năm
Tổng Cục Hải quan vừa công bố tình hình xuất nhập khẩu tháng 10 và mười tháng năm 2023.
Theo đó, trong mười tháng năm 2023 tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 558,33 tỉ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa cả nước xuất siêu 24,59 tỉ USD.
Cụ thể, mười tháng năm 2023 trị giá xuất khẩu của cả nước đạt 291,46 tỉ USD, giảm 7%; có tới tám nhóm hàng trị giá xuất khẩu giảm trên 500 triệu USD.
Đứng đầu là nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện giảm 6,24 tỉ USD, tiếp theo là hàng dệt may giảm 4,08 tỉ USD, giày dép các loại giảm 3,68 tỉ USD, hàng thủy sản giảm 1,94 tỉ USD…
Tuy nhiên, có một số nhóm hàng xuất khẩu vẫn đạt mức tăng trưởng cao. Đơn cử như như rau quả, trị giá xuất khẩu đạt 4,82 tỉ USD, tăng 75,5% so với cùng kỳ năm trước và đạt mức trị giá xuất khẩu trong mười tháng cao nhất từ trước tới nay.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hàng rau quả lớn nhất của Việt Nam với trị giá 3,19 tỉ USD, tăng 1,98 tỉ USD so với cùng kỳ năm trước; chiếm 66% trong tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả của cả nước.
Con đường này có nhiều mặt bằng kinh doanh đắc địa ở trung tâm thành phố.
Nguồn: [Link nguồn]