Nóng tuần qua: Ô tô Trung Quốc giá rẻ chỉ bằng xe máy ồ ạt vào Việt Nam

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Sau khi các hãng xe như VinFast, MG, Kia, Mercedes, Audi… lần lượt ra mắt thị trường VN nhiều mẫu ô tô điện thì đến lượt các hãng xe điện TQ cũng đổ bộ vào nước ta. Thậm chí gần đây trên mạng xã hội còn rao bán một số mẫu ô tô điện TQ với giá rẻ đến mức khó tin, chỉ 50-80 triệu đồng/chiếc.

Ô tô siêu rẻ Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam

Thương hiệu Chery tuyên bố muốn chinh phục thị trường nước ta khi đẩy mạnh quảng bá hai mẫu là OMODA và Chery. Chia sẻ với báo chí, đại diện hãng xe Chery tại VN cho biết đang tìm đối tác để tiến hành mở nhà máy, lắp ráp các mẫu xe tại nước ta. Tương tự, hãng xe Haima tuyên bố sẽ mở bán ba dòng xe gồm Haima 8S, 7X và 7X-E vào nửa cuối năm nay.

Đáng chú ý hơn cả là TMT Motors thông báo công ty vừa ký kết hợp tác chiến lược với liên doanh General Motors (GM) - (SAIC - WULING) để sản xuất, lắp ráp và phân phối độc quyền ô tô điện tại nước ta. Dự kiến sản phẩm đầu tiên ra mắt thị trường Việt là mẫu ô tô điện mini thương hiệu Wuling.

Nhiều mẫu ô tô điện Trung Quốc đang được chào bán rầm rộ. Ảnh: TL

Nhiều mẫu ô tô điện Trung Quốc đang được chào bán rầm rộ. Ảnh: TL

Mẫu xe điện TQ này có thiết kế nhỏ gọn với bốn chỗ ngồi, giá khởi điểm hơn 4.100 USD (khoảng 100 triệu đồng). Wuling được cho là phù hợp sử dụng trong đô thị với tốc độ thấp và được xem như phương tiện thay thế xe máy.

Bình luận về xe giá siêu rẻ TQ, ông Nguyễn Minh Đồng - chuyên gia ô tô cho rằng nếu mua ô tô này để tránh mưa tránh nắng với giá siêu rẻ chỉ bằng một chiếc xe máy hạng sang như SH thì vẫn có người mua. Giống như câu chuyện xe máy TQ nhập khẩu trước đây với giá rẻ hơn rất nhiều so với xe máy Honda, Yamaha nên vẫn có nhiều người mua.

Tung lưới gần bờ, ngư dân trúng đậm cá trích, gỡ mỏi tay

Sau chuyến ra khơi khoảng 3 - 5 giờ đồng hồ, ngư dân Nghệ An vào bờ với tấm lưới nặng trĩu cá trích, thu tiền triệu trong ngày.

Tại bến cá xóm Tiền Phong, xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc, Nghệ An có hàng trăm chiếc thuyền nhỏ, thuyền thúng nối đuôi nhau cập bến, mang theo những thuyền đầy ắp cá trích. Dọc bờ biển, rất đông ngư dân đang hối hả gỡ những tấm lưới nặng trĩu cá trích để tiếp tục ra khơi.

Theo ngư dân địa phương, mùa cá trích bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 6,7 dương lịch hằng năm. Những thời điểm này, ngư dân vùng bãi ngang tận dụng thời gian để đi biển kiếm thêm thu nhập. Cá trích di chuyển theo lạch nước từng đàn và xuất hiện dày đặc ở vùng biển gần bờ nên các chuyến vươn khơi của chúng tôi những ngày qua luôn thắng lớn. Sản lượng cá đánh bắt cá trích trung bình từ 1-2 tạ/chuyến. Có hôm “trúng đậm” có thể thu hoạch từ 4-5 tạ/chuyến. Cá trích sau khi đưa lên bờ được ngư dân gỡ ngay tại bãi, rồi đem rửa sạch bán cho các lái buôn. Cá trích hiện đang được bán cho thương lái giá từ 10-15 ngàn đồng/kg.

Với nhiều ngư dân, tuy cá trích có giá trị kinh tế không cao như các loại cá khác nhưng lợi thế là chỉ cần ghe công suất nhỏ, đánh bắt gần bờ. Nhất là ngư dân không có nhiều vốn cho những chuyến biển đánh bắt xa bờ thì cá trích chính là nguồn lợi mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.

Giá lợn hơi giảm mạnh nhất 2 năm qua

Giá lợn hơi trong ngày 7/3 tiếp tục giảm mạnh. Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi hôm nay tiếp tục giảm 1.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 47.000 - 49.000 đồng/kg. Trong đó, mức giá thu mua thấp nhất xuất hiện tại Yên Bái, Lào Cai và Phú Thọ.

Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi hôm nay giảm 1.000 - 3.000 đồng/kg và dao động trong khoảng 47.000 - 50.000 đồng/kg. Cụ thể, sau khi giảm 1.000 đồng/kg, giá lợn hơi tại Thanh Hóa về mức 48.000 đồng/kg - ngang với Hà Tĩnh.

Trong khi đó, thương lái tại tỉnh Quảng Ngãi điều chỉnh mức giao dịch giảm 1.000 đồng/kg còn 49.000 đồng/kg - ngang với Bình Thuận sau khi giảm 3.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi tiếp tục giảm sâu khiến người chăn nuôi thua lỗ.

Giá lợn hơi tiếp tục giảm sâu khiến người chăn nuôi thua lỗ.

Tại khu vực thị trường miền Nam, giá lợn hơi giảm nhẹ 1.000 đồng/kg và dao động trong khoảng 49.000 - 52.000 đồng/kg. Trong đó, tỉnh Đồng Nai điều chỉnh giá thu mua giảm 1.000 đồng/kg về mức 49.000 đồng/kg - thấp nhất khu vực.

Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam - cho rằng, chưa bao giờ ngành chăn nuôi gặp khó khăn "kép" như hiện nay khi giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh trong khi giá thịt lợn, thịt gia cầm ngược chiều lao dốc. Sang năm 2023, thị trường chăn nuôi chưa có dấu hiệu hồi phục, khi giá lợn hơi vẫn duy trì ở mức thấp.

Tạm dừng cửa khẩu Ka Long thông thương với Trung Quốc

Sáng 9/3, thông tin từ UBND thành phố Móng Cái cho biết thành phố vừa phát đi thông báo về việc tạm dừng hoạt động đối với phương tiện vận tải hàng hoá thương mại từ bến Ka Long, cửa khẩu Ka Long, phường Hoà Lạc, TP Móng Cái, Quảng Ninh đến bến biên mậu TP Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc.

Theo chính quyền thành phố, việc tạm dừng hoạt động cặp cửa khẩu này căn cứ theo biên bản làm việc giữa chính quyền hai thành phố Móng Cái và Đông Hưng. Hai bên sẽ tổng kết, đánh giá việc thực hiện cơ chế quản lý tạm thời đối với hoạt động của phương tiện thủy vận chuyển hàng hoá thương mại trên sông biên giới Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc).

Thành phố Móng Cái cho biết đã giao Ban quản lý cửa khẩu quốc tế Móng Cái thông báo đến chủ phương tiện thủy vận tải hàng hoá thương mại trên sông biên giới và các tổ chức cá nhân có liên quan; trao đổi với Cục Thương vụ và Quản lý Cửa khẩu Đông Hưng, Trung Quốc biết để thống nhất, phối hợp thực hiện.

Cửa khẩu Ka Long phục vụ chủ yếu việc xuất nhập khẩu hàng hoá đường thủy bằng đò qua lại giữa cặp chợ cửa khẩu Móng Cái (Việt Nam) và khu chợ bến biên mậu, TP Đông Hưng (Trung Quốc). Cửa khẩu mở cửa 8h-16h hàng ngày tiếp nhận trung bình với khoảng 40-50 đò/ngày.

Hàng tấn hàu tươi phải đổ cho cá ăn vì bị phân luồng đỏ khi xuất khẩu

Sáng 9-3, ông Trần Văn Út, Giám đốc Công ty TNHH thương mại xuất nhập khẩu Vĩ Tuyến (Quảng Ninh), cho biết doanh nghiệp của ông bị thiệt hại rất lớn khi xuất khẩu hàng tươi sống bằng đường hàng không nhưng bị phân luồng đỏ khiến thời gian giao hàng bị kéo dài.

Cụ thể, doanh nghiệp trên xuất khẩu ruột hàu tươi ướp nước đá sang Trung Quốc bằng đường hàng không qua cửa khẩu quốc tế Nội Bài (Hà Nội) từ năm 2020, tất cả đều thông suốt, kể cả giai đoạn dịch bệnh COVID-19.

Thế nhưng, trong mấy ngày gần đây, sau khi đăng ký thủ tục hải quan điện tử cho các lô hàng xuất khẩu thì các lô hàng liên tiếp bị phân luồng đỏ. Điều này dẫn đến việc lô hàng phải đợi kiểm hóa trước khi thông quan khiến hàng giao cho đối tác bị trễ.

Đóng gói ruột hàu chuẩn bị xuất khẩu

Đóng gói ruột hàu chuẩn bị xuất khẩu

"Đây là ruột hàu tươi ướp nước đá, đợi lâu thì nước đá tan, hàng giảm phẩm cấp. Thậm chí, có 2 lô hàng (mỗi lô 4-5 tấn) bị hỏng đối tác đối tác phải đổ cho cá ăn. Thiệt hại rất lớn vì mỗi lô có trị giá lên đến 400 – 500 triệu đồng" – ông Út bức xúc.

Trước đó, ngày 8-3, tại Diễn đàn trực tuyến "Thúc đẩy thương mại nông sản, thủy sản và sản phẩm thủy sản giữa Việt Nam - Trung Quốc (tỉnh Quảng Tây) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức, ông Út đã phản ánh về vướng mắc này.

Cụ thể, ông cho biết doanh nghiệp có 11 lô hàng thủy sản tươi sống liên tiếp bị phân luồng đỏ (cập nhật đến ngày 7-3). Việc hàng hóa xuất khẩu bị giảm chất lượng khi đến nơi không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp chủ hàng mà ảnh hưởng đến uy tín của ngành hàng thủy sản Việt Nam. Do đó, ông đề xuất các bộ ngành có chính sách đặc thù, ưu tiên thông quan cho các lô hàng tươi sống.

Nguồn: [Link nguồn]

Nhìn tưởng nấm độc, thực chất là thuốc bổ tự nhiên giá bạc triệu/kg

Loại nấm này chỉ sinh trưởng trong vỏn vẹn 4 tháng, đặc biệt không thể nuôi trồng nhân tạo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuyến Chi ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN