Nóng tuần qua: Loại cây trước nhiều người chê, nhổ bỏ, nay đua nhau trồng, quả mang đấu giá hàng trăm triệu/quả
Loại na bở ngày xưa bị “thất sủng”, bán không ai mua vì vỏ dày, mã xấu, nhanh chín lại không được ngọt đậm nên nhiều nhà chặt bỏ, trồng thay thế bằng cây na dai thì nay lại có giá cao gấp 3-4 lần vẫn có nhiều người lùng mua bằng được.
Loại cây xưa bị chặt bỏ giờ lại “đắt như tôm tươi”, mang đấu giá 100 triệu đồng/quả
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Liên Khê (Thuỷ Nguyên, Hải Phòng) cho biết, na bở hiện tại có giá tại vườn từ 120-140 nghìn đồng/kg.
Hiện tại, toàn xã Liên Khê có khoảng 1.000 hộ dân trồng na bở với tổng diện tích khoảng 100ha. Trong đó có 110 hộ trồng na bở theo tiêu chuẩn VietGAP, mỗi hộ trồng từ 0,5-1 mẫu vườn na. Sắp tới, địa phương tiếp tục đưa thêm 10ha vào trồng na bở theo tiêu chuẩn VietGAP.
Quả na bở được đấu giá thành công với số tiền 100 triệu đồng.
Tại thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) cũng có trên 900 ha trồng na, trong đó diện tích na bở đạt khoảng 140 ha. Na dai được bán với giá 45 nghìn đồng/kg, na bở có giá 120 nghìn đồng/kg.
Được coi là thủ phủ của cây na, năm 2023, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) có trên 2.300ha diện tích trồng na với sản lượng ước đạt trên 20.000 tấn, doanh thu ước đạt 700 tỷ đồng.
Trong đó, tại chương trình “Quảng bá, tiêu thụ na và các sản phẩm OCOP Chi Lăng năm 2023”, một quả na bở đã được đấu giá thành công với số tiền lên đến 100 triệu đồng khiến nhiều người choáng váng.
Theo ban tổ chức, toàn bộ số tiền thu được từ chương trình đấu giá sẽ tiến hành xây dựng cầu dân sinh trên địa bàn và xây nhà ở cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Chi Lăng.
Đề xuất giá điện gánh thêm khoản lỗ
Trong công thức tính giá điện bán lẻ bình quân, theo dự thảo thông tư vừa được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến, sẽ có quy định về việc đưa các khoản chi phí chưa được tính vào giá điện.
Cụ thể, theo dự thảo, công thức tính giá bán lẻ điện bình quân cho phép thu hồi khoản lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh điện, bao gồm: Chênh lệch tỷ giá trong thực hiện hợp đồng mua bán điện; lỗ hoạt động sản xuất kinh doanh điện; các chi phí khác chưa được tính vào giá bán lẻ điện nhưng được xác định trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán.
Theo Bộ Công Thương, năm 2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thua lỗ 26.000 tỷ đồng, chưa bao gồm các khoản chênh lệch tỷ giá.
Bộ Công Thương dẫn quy định hiện hành tại Luật Giá cho thấy giá điện cần đảm bảo bù đắp đủ chi phí thực tế và có lợi nhuận hợp lý. Do đó, cần hiệu chỉnh công thức tính giá bán điện bình quân để làm rõ hơn yếu tố gắn với giá thành sản xuất kinh doanh điện.
Giá lợn hơi giảm xuống dưới 60.000 đồng/kg
Giá lợn hơi ngày 30/8 tiếp tục xu hướng giảm nhẹ tại một vài địa phương và ghi nhận mức thấp nhất 55.000 đồng/kg. Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi giảm 1.000 đồng/kg.
Cụ thể, sau khi giảm một giá, Hưng Yên và Hà Nội điều chỉnh mức giá về 58.000 đồng/kg. Yên Bái, Lào Cai, Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình cùng giao dịch ở mức thấp nhất khu vực - 57.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại giao dịch ổn định.
Như vậy, giá thu mua lợn hơi ngày 30/8 ở khu vực miền Bắc dao động trong khoảng 57.000 - 59.000 đồng/kg. Còn tại miền Trung- Tây Nguyên, giá lợn hơi cũng tiếp tục giảm nhẹ 1.000 đồng/kg. Tại miền Nam, giá giữ ổn định trong khoảng 56.000- 58.000 đồng/kg. Như vậy, so với thời điểm giá lợn cao nhất, giá lợn hơi đã giảm khá mạnh, gần 10.000 đồng/kg. Đà giảm của giá thịt lợn hơi bắt đầu từ khoảng nửa tháng trước và đến nay chưa dừng lại.
Giá gạo lên cơn sốt, VFA kiến nghị Thủ tướng quy định giá sàn xuất khẩu
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng về tình hình sản xuất, xuất khẩu gạo; trong đó có kiến nghị quy định giá sàn xuất khẩu gạo
Theo VFA, từ khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng đẩy giá gạo thế giới tăng mạnh, tác động lớn đến thương mại gạo toàn cầu, quá trình kinh doanh xuất khẩu gạo, các doanh nghiệp gặp khó khăn do giá cả tăng quá nhanh. Điều này khiến chuỗi cung ứng từ nông dân, thương lái đến nhà máy xay xát và doanh nghiệp xuất khẩu gạo bị đứt gãy.
VFA kiến nghị bổ sung quy định giá sàn xuất khẩu gạo
Giá lúa gạo tăng cũng khiến doanh nghiệp thiếu hẳn nguồn vốn mua lúa gạo, đặc biệt là vốn lưu động.
Trước tình tình trên, VFA kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng nhà nước xem xét có các cơ chế hỗ trợ về vốn cho thương nhân nhằm tăng cường nguồn lực tài chính phục vụ hoạt động thu mua lúa gạo, bảo đảm nguồn hàng tồn kho dự trữ lưu thông.
VFA cũng kiến nghị bổ sung cơ chế quy định giá sàn xuất khẩu gạo nhằm bảo đảm hiệu quả cho nông dân sản xuất lúa, đồng thời bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh giữa các thương nhân xuất khẩu gạo, nhất là những thương nhân đã đầu tư cơ sở sản xuất theo Nghị định 109/2010 và các thương nhân thuê kho theo Nghị định 107/2018.
Nguồn: [Link nguồn]
Chiếc đồng hồ này được thiết kế ấn tượng, với màu vàng sang trọng và lịch lãm.