Nóng tuần qua: Bán nông sản qua livestream, cô gái ở Đà Lạt thu về 1 tỷ đồng mỗi tháng
Hiện, thương mại điện tử ở Việt Nam phát triển nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng 2 con số/năm. Ngày càng nhiều doanh nghiệp, người bán hàng chuyển mạnh sang thương mại điện tử để tiếp cận người tiêu dùng, nhất là trên các kênh như mạng xã hội, trí tuệ nhân tạo...
Chốt cả trăm đơn hàng, bán hàng tấn nông sản trong 30 phút nhờ livestream
Thời gian gần đây, nhờ ứng dụng các công cụ bán hàng từ mạng xã hội đã khiến nhiều nhà vườn đạt doanh thu “khủng” với hàng trăm đơn hàng chỉ trong thời gian ngắn, điển hình là các đặc sản như sầu riêng, vải thiều Bắc Giang, mận Sơn La...
Nhờ livestream, người dân tại một huyện của tỉnh Sơn La đã chốt hơn 200 đơn hàng sau 30 phút. Cụ thể, chỉ sau 30 phút quay video và phát trực tiếp trên mạng xã hội tại vườn mận hậu chín rộ ở xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, Hợp tác xã Noọng Piêu đã chốt được hơn 200 đơn hàng, bán được hơn 1 tấn mận hậu.
Nguyễn Thị Tường Thảo - cô gái ở Đà Lạt (Lâm Đồng) cũng thu cả tỷ đồng mỗi tháng nhờ livestream
Tương tự, nhờ bán hàng qua các nền tảng mạng xã hội, Nguyễn Thị Tường Thảo - một cô gái ở Đà Lạt (Lâm Đồng), đã mang về doanh thu 1 tỷ đồng mỗi tháng.
Cũng là một “ngôi sao” bán hàng online hiệu quả, mới đây, chỉ trong chưa đầy 30 phút livestream, anh Đặng Mạnh Khương – một tiktoker (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) đã bán được 3 tấn sầu riêng Ri6 tại vườn.
Việt Nam xuất siêu đạt hơn 12 tỷ USD
Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát tăng cao tại một số thị trường nhập khẩu lớn, nhu cầu tiêu dùng thắt chặt hơn đã ảnh hưởng đến cơ hội xuất khẩu và khai thác thị trường của các doanh nghiệp trong nước.
Cụ thể, nửa đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,65 tỷ USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu giảm 12,1%; nhập khẩu giảm 18,2%. Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm 2023 ước tính xuất siêu 12,25 tỷ USD.
Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 44,2 tỷ USD, giảm 22,6%. Đồng thời xuất siêu sang thị trường này đạt 37,2 tỷ USD, giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 50,1 tỷ USD.
Đánh giá về tình hình xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Việt Phong - Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ, Tổng cục Thống kê - cho biết, tuy tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam giảm so với cùng kỳ, nhưng là trên nền so sánh rất cao của 2 năm trước (năm 2022 tăng 17%; năm 2021 tăng 33,1%). Nếu so sánh về quy mô thì 6 tháng năm 2023 đạt tương đương với quy mô của 6 tháng năm 2021 (tổng kim ngạch bằng 99,3%).
Chính thức giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô sản xuất trong nước
Chính phủ vừa ban hành nghị định về giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ ngày 1/7 đến 31/12/2023.
Theo nghị định này, trong 6 tháng cuối năm nay, mức thu lệ phí trước bạ lần đầu với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước được giảm 50% so với quy định hiện nay. Các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành nghị định.
Chính thức giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô nửa cuối năm nay.
Từ ngày 1/1/2024 trở đi, mức thu lệ phí trước bạ với ô tô áp dụng theo Nghị định 10/2022 về lệ phí trước bạ.
Trước đó, Bộ Tài chính ước tính việc giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất trong nước trong 6 tháng cuối năm sẽ làm giảm thu ngân sách 8.000 - 9.000 tỷ đồng. Chính sách này góp phần kích cầu mua ô tô của người dân, giúp nhà sản xuất và phân phối ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước vượt qua giai đoạn khó khăn.
Điện máy ế ẩm chưa từng thấy
Dù các trung tâm, siêu thị điện máy liên tục tung ra nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá đối với tất cả phân khúc sản phẩm nhưng vẫn khó kích cầu trong thời điểm nền kinh tế gặp khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.
Mặt hàng tivi có sức mua sụt giảm mạnh nhất trong các nhóm sản phẩm bày bán tại trung tâm, siêu thị điện máy ở TP HCM. Theo đó, những tháng đầu năm nay, tiêu thụ tivi giảm 40%-50% so với cùng kỳ năm 2022, kéo theo giá bán mặt hàng này giảm mạnh 30%-40% so với những tháng cuối năm ngoái. Hàng loạt sản phẩm điện máy khác cũng sụt giảm sức mua khoảng 30% và giảm giá bán 20%-30%.
Bên cạnh đó, khách hàng mua sản phẩm điện máy với hình thức trả góp trước đây chiếm tỉ lệ khoảng 30%-40%, nay giảm mạnh chỉ còn dưới 10%.
Một số nhà bán lẻ và doanh nghiệp sản xuất đánh giá thị trường khó có thể phục hồi trong năm nay bởi đến thời điểm này, vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy sức mua sẽ tốt hơn. Nguyên nhân là bởi tình hình tài chính khó khăn khiến người tiêu dùng không có khả năng mua sắm ngay cả những sản phẩm điện máy gia dụng thiết yếu. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản ảm đạm, thanh khoản yếu cũng khiến sức mua hàng điện máy giảm theo đáng kể.
Thứ chất lỏng này có thể đem lại cho con người số tiền khổng lồ.
Nguồn: [Link nguồn]