Nông sản xuất sang Trung Quốc tiếp tục gặp khó khăn
Trong tháng 7/2014 kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực xuất sang Trung Quốc như sắn, cao su, gạo… đều giảm. Riêng xuất khẩu cao su đã giảm 46,72% so với cùng kỳ năm trước.
Số liệu thống kê từ Bộ Công thương cho biết, sau tháng 5 và 6/2014 tăng trưởng chậm, tới tháng 7/2014 xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đã có dấu hiệu tăng trở lại, nhưng mức tăng khá chậm.
Tính đến hết tháng 7/2014, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 8,61 tỷ USD, tăng 17,58% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhóm hàng nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, đơn cử: hạt điều tăng 28,14%, đạt 135,89 triệu USD; cà phê đạt 47,73 triệu USD tăng 2,25%; rau quả đạt 191,58 triệu USD, tăng 24,42%...
Tuy nhiên, nếu tính riêng thì trong tháng 5,6,7 kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản sang Trung Quốc đã giảm sút khá rõ rệt. Nguyên nhân được cơ quan quản lý xuất nhập khẩu đưa ra, là do những tác động của diễn biến phức tạp trên biển Đông.
Ngoài ra, nhóm hàng xuất khẩu nông sản của Việt Nam như gạo, cao su... phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, chiếm 40% thị phần. Hay như thanh long, bột sắn xuất sang Trung Quốc cũng chiếm tới 80 - 90% tổng lượng xuất khẩu.
Sản lượng cao su xuất sang thị trường Trung Quốc giảm 50% so với cùng kỳ 2013
Trong 7 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu mặt hàng sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc đạt khoảng 572,31 triệu USD, giảm 3,12% so với 7 tháng/2013. Hiện tại, có khoảng 85% lượng sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam đang được xuất khẩu qua biên giới phía Bắc.
Tuy nhiên, từ năm ngoái đến nay, nhu cầu nhập khẩu sắn của Trung Quốc đang giảm khá nhiều do ngành công nghiệp sản xuất Ethanol tại nước này gặp khó khăn, nhiều nhà máy đã phải tạm thời đóng cửa.
Để tránh việc quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, ngành sắn Việt Nam cũng đã có những nỗ lực đưa sản phẩm sang những thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Đài Loan …, nhưng những thị trường này lại đòi hỏi khá nghiêm ngặt các yếu tố Vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ngoài “tắc” đầu ra, việc xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn sang các thị trường khác ngoài Trung Quốc cũng đang gặp phải khó khăn không nhỏ, bởi sự cạnh tranh về giá cả của sắn và sản phẩm từ sắn có xuất xứ từ Thái Lan (nước xuất khẩu sắn lớn nhất thế giới).
Bên cạnh mặt hàng sắn, kim ngạch xuất khẩu cao su từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc cũng giảm liên tục qua các tháng. Tính đến hết tháng 7/2014, xuất khẩu cao su đã giảm 46,72% so với cùng kỳ năm trước, xuống 289,15 triệu USD.
“Việc xuất khẩu cao su sang Trung Quốc giảm sâu trong thời gian qua có thể là do tâm lý lo ngại rủi ro có thể bất ngờ xảy ra do tác động xấu bởi các sự kiện trên Biển Đông nên các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã chủ động hạn chế xuất khẩu sang thị trường này”- Bộ Công thương nhận định.
Cùng với đó, trong nửa cuối tháng 6 hình thức giao dịch tiểu ngạch đã bị đình chỉ tạm thời do một lệnh cấm của phía Trung Quốc được ban bố.
Theo các nguồn tin, việc Trung Quốc tạm thời đình chỉ các doanh nghiệp và thương nhân của họ nhập khẩu cao su của Việt Nam hệ tiểu ngạch không có nguyên nhân chính trị nào, mà chỉ là vấn đề kỹ thuật khi các cơ quan quản lý nhà nước của họ đang kiểm tra khâu thất thu ngân sách, do hệ mậu dịch này lạm dụng mức thuế suất tiểu ngạch thấp nhất đối với mặt hàng chiến lược để hưởng lợi không chính đáng.
Bộ Công thương cho rằng, thời gian tới thị trường Trung Quốc vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro vì Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang nước này bằng đường tiểu ngạch.
Tuy nhiên, với mục tiêu xuất khẩu đề ra từ đầu năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc của cả nước đạt 14-15 tỷ USD, hoàn toàn có thể đạt được, nhất là tốc độ tăng trưởng thường tăng mạnh trong những tháng cuối năm khi nhu cầu tiêu thụ tăng cao.