Nông sản xuất khẩu bị trả về
6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu (XK) nông sản của Việt Nam (VN) bị sụt giảm mạnh cả về kim ngạch và số lượng. Một trong những nguyên nhân trên là do một số lô nông sản XK đã bị đối tác từ chối, trả lại...
Từ chè, thanh long đến gạo
Mặt hàng nông sản mới đây nhất bị EU trả lại là chè do tồn dư chất bảo vệ thực vật (BVTV). Theo Hiệp hội Chè VN (Vitas), số hàng bị trả lại được thông báo có dư lượng 2 hoạt chất thuốc BVTV là: Acetamiprid và Imidacloprid vượt mức cho phép của các nước EU - khu vực được coi là có những quy định khá ngặt nghèo về những tiêu chuẩn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Vô lý là tại VN hiện nay, trong danh mục thuốc BVTV, 2 hợp chất vừa nêu vẫn được sử dụng trên chè đến tháng 8.2015.
Trước đó, quả thanh long – một mặt hàng nông sản có lượng xuất khẩu khá lớn của VN cũng bị Mỹ cấm thông quan vì bị cho là có dư lượng thuốc BVTV vượt quá mức cho phép. Song điều đáng nói là FDA (Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ) lại không quy định rõ giới hạn tỷ lệ bao nhiêu và trước đó Mỹ không hề có quy định này. Sự việc này đã khiến nhiều doanh nghiệp của ta chọn giải pháp ngừng XK thanh long.
Còn theo Hiệp hội Lương thực VN (VFA), từ đầu năm đến nay cũng đã có hơn 500 container gạo thơm của VN bị đối tác trả về do không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Ông Trương Thanh Phong - Chủ tịch VFA cho biết, một số doanh nghiệp vì lợi nhuận trước mắt đã lợi dụng gạo của lúa OM 4900 gần giống với gạo thơm Jasmine để trộn hai loại này với nhau (chất lượng rất khác nhau). Chính "chiêu trò" trộn gạo này đang khiến cho nhiều doanh nghiệp XK gạo thơm lâm vào tình cảnh hàng xuất đi bị trả lại.
“Bên cạnh đó, năm ngoái giá lúa thơm Jasmine tăng cao, nên nhiều nông dân ở nhiều nơi đã ồ ạt chuyển sang trồng lúa thơm. Lúa thơm được trồng gần với ruộng lúa thường, nên hoa bị thụ phấn chéo. Kết quả, lúa thơm bị pha trộn giống, lẫn tạp chất lên tới trên 20%. Khi bị lẫn tạp tới 20 – 30% không thể XK được”, ông Phong nói.
Có lỗi từ trong nước
Không chỉ có các mặt hàng nông sản, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), từ đầu năm đến nay, giá tôm tăng 30.000 – 50.000 đồng/kg so cùng kỳ năm ngoái và cũng là mức giá cao nhất trong 5 năm gần đây. Chính vì vậy, nhiều cơ sở vì lợi nhuận trước mắt mà tiếp tục tái diễn việc bơm tạp chất vào tôm. Điều này làm mất vị thế của con tôm VN. Nhiều thị trường đã giảm mạnh nhập tôm VN và trả những lô hàng đã nhập trở lại.
Mới đây Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã yêu cầu, các cơ quan chuyên môn cần có sự điều chỉnh mạnh mẽ trong khâu chất lượng nông sản XK. Các bộ ngành cần chủ động, kịp thời giải quyết những rào cản kỹ thuật và thường xuyên theo dõi, xử lý các lô hàng XK bị cảnh báo tại các thị trường Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc..., từ đó, nhanh chóng thông báo cho doanh nghiệp; đồng thời phối hợp, hướng dẫn doanh nghiệp điều tra nguyên nhân và khắc phục sự cố an toàn thực phẩm… |
Theo thống kê, VN là một trong 3 nước có số lượng nhiều lô hàng nông thủy sản XK bị trả về, trung bình mỗi năm VN thiệt hại hơn 14 triệu USD do hàng XK bị trả lại. Đối với các thị trường EU, Nhật, Mỹ, thì VN là một trong các nước có tỷ lệ sản phẩm bị từ chối nhập khẩu cao nhất. Ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, VN rất khó tiếp tục duy trì thành tích tăng trưởng ấn tượng về sản lượng nông sản XK nếu không có những bước đột phá về khoa học công nghệ, tổ chức chuỗi cung ứng và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Theo ông Hải, việc hình thành được chuỗi liên kết để kiểm soát chặt từ khâu sản xuất, chế biến, đến tiêu thụ sản phẩm có ý nghĩa rất quan trọng. Chuỗi liên kết này phải được thiết lập trên cơ sở tổng thể quy hoạch phát triển nông nghiệp, với sự tham gia tích cực của 4 “nhà”: Doanh nghiệp, người dân, nhà khoa học và Nhà nước. Ngoài ra, ông Hải cũng cho rằng, VN cũng nên gấp rút hình thành hệ thống tiêu chuẩn, các phòng kiểm nghiệm đánh giá chất lượng sản phẩm nông sản. Việc tăng cường năng lực kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng cũng cần được coi trọng nhằm xử lý “mạnh tay” các trường hợp cố tình áp dụng kỹ thuật nuôi trồng có hại cho môi trường, làm “bẩn” nông phẩm.
Một nguyên nhân chính khiến nông sản Việt chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường còn do khâu thông tin, dự báo thị trường chưa tốt. Vì thế, cần sớm hình thành cơ chế phối hợp thông tin không chỉ giữa các cơ quan quản lý với nhau, với các hiệp hội ngành hàng, mà cần thiết lập kênh thông tin với nông dân, doanh nghiệp chế biến, thu mua nông sản.