Nông sản Việt đang “chết mòn” vì... thương lái

Dưa hấu, hành tím, hành tây, rồi bây giờ là hàng ngàn tấn gạo nằm chờ trực tại các cửa khẩu… một lần nữa lại cho thấy thực trạng buồn “được mùa, rớt giá” của nông sản Việt.

Câu chuyện xảy ra với mặt hàng dưa hấu, hành tím hay gần đây nhất là mặt hàng gạo lại một lần nữa khiến dư luận đặt câu hỏi: vì sao việc mất cân đối nghiêm trọng giữa cung và cầu lại có thể tái diễn định kỳ?

Theo ông Phan Xuân Quế - Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, nếu trước đây chúng ta có thể quyết định thị trường bán cho ai, thì nay thị trường lại do người mua quyết định. Chuyện người mua – thương lái quyết định giá không chỉ xảy ra với mặt hàng gạo, mà đây còn là thực tế của hầu hết các mặt hàng nông sản trong nước.

Trong lúc năng lực cung ứng trong nước dồi dào, thì đầu ra mặt hang nông sản, đơn cử như dưa hấu, lại phụ thuộc vào 10 đầu mối thương lái nhập hàng từ Trung Quốc.

Thị trường Trung Quốc dễ tính và không yêu cầu cao về chất lượng nên thương lái nước ta rất chuộng bán hàng sang thị trường này. Nhưng, chính việc phụ thuộc quá lớn vào một thị trường, nên khi có vấn đề thông quan ở biên giới, ngay lập tức người dân “dính đòn”, khi hàng chục tấn hàng hoá kẹt cứng ở cửa khẩu, thậm chí phải đổ bỏ. 

Những đầu mối nhập hàng phía Trung Quốc tùy vào tín hiệu của thị trường, nhưng quan trọng nhất vẫn là chất lượng dưa hấu phải đảm bảo thì họ mới nhập.

Nông sản Việt đang “chết mòn” vì... thương lái - 1

Nông sản "chết mòn" vì thương lái

Gọi hiện tượng này là sự “đứt đoạn” thông tin, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, thông tin trong thời đại hiện nay không khan hiếm và khó cập nhật. Nhưng sản xuất và thị trường tiêu thụ nông sản đều có tính thời vụ, thông tin bị “đứt đoạn” thì việc cung ứng hàng nông sản cũng sẽ … chết đứng, khi cung vượt quá cầu. Lúc này các thương lái đầu mối được trông đợi là người “chắp nối” giữa thị trường và sản xuất. Vậy nhưng, sự phụ thuộc vào một số đầu mối thương lái tiêu thụ cũng chính là nguyên nhân khiến nông sản trong nước “chết mòn” và liên tục bị ép giá.

Quy hoạch phát triển ngành nông lâm thuỷ sản cả về dài hạn và ngắn hạn đều đã được các cơ quan quản lý “vạch” ra khá rõ. Song, chính vì sự “đứt đoạn” thông tin, không có thông tin cụ thể từ thị trường nên người dân mặc sức thích gì trồng nấy, thấy lợi gì trồng nấy. Quy hoạch ngang nhiên bị phá vỡ không thương tiếc, để rồi chính họ - những người nông dân lại phải nếm trái đắng “được mùa rớt giá” mỗi khi tới mùa vụ thu hoạch. Dẫu vậy, hiện nay việc quy hoạch diện tích cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm vẫn đang còn nhiều thách thức. Nhiều hộ nông dẫn vẫn đang ồ ạt tái vụ dù chưa nắm chắc đầu ra cho sản phẩm.  

Theo quan điểm của Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, đúng là Bộ Công thương không thể là người “cầm tay chỉ việc”, trực tiếp là người đứng lên tiêu thụ hàng hoá nông sản cho bà con nông dân. Nhưng việc nghiên cứu thị trường để định hình quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo yêu cầu của thị trường là công việc của các cơ quan quản lý nhà nước. Còn doanh nghiệp – các đầu mối kinh doanh thương lái, lại chính là thành phần quyết định trong câu chuyện thúc đẩy tiêu thụ nông sản.

Cũng theo ông Phan Xuân Quế, để ngành gạo phát triển ổn định và bền vững không chỉ một mình doanh nghiệp xuất khẩu gạo xoay xở, mà phải có sự tham gia của nhiều bên trong chuỗi tiêu thụ, một trong số đó là các doanh nghiệp đầu mối thương lái.

Từ thực tế bài học của dưa hấu, hành tím… vừa qua khiến vị Thứ trưởng ngành công thương nhớ tới kinh nghiệm từ việc thúc đẩy tiêu thụ mặt hang vải thiều Bắc Giang năm 2014.

Trước vụ vải thiều, lãnh đạo Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT đã cùng đến Bắc Giang để làm việc với tỉnh. Không những thế, lãnh đạo các Bộ này và tỉnh Bắc Giang cũng đã chủ động tìm kiếm và làm việc với nhiều đầu mối là các doanh nghiệp tiêu thụ lớn. Việc này đã giúp vụ vải thiều 2014 của Bắc Giang tuy đạt năng suất cao vượt bậc nhưng tiêu thụ được, thu về được hơn 1.600 tỷ đồng – con số chưa từng có trong các vụ vải trước. Đây cũng còn cho thấy kết quả của sự cập nhật và liền mạch thông tin từ sản xuất đến thị trường; nhờ đó người nông dân đã thực sự được hưởng lợi từ sản xuất.

“Trong chuỗi như vậy thì doanh nghiệp cần phải kết nối với người dân, đảm bảo giá thành sản xuất. Một yếu tố nữa là phải xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp với vùng sản xuất. Chỉ có quan hệ bền vững giữa doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ với người sản xuất thì mới có được sự phát triển lâu dài”- Thứ trưởng Tuấn Anh nhấn mạnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trường Giang (Infonet)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN