Nông sản siêu rẻ Trung Quốc đổ về rầm rộ, "đội lốt" nông sản Đà Lạt
Nhiều mặt hàng rau, củ, quả của Trung Quốc khi nhập về Lâm Đồng có giá chỉ bằng 20 – 30% so với giá nông sản tại địa phương. Vì vậy mà nhiều gia đình đã gặp rất nhiều khó khăn khi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng là vùng sản xuất rau lớn nhất nước với sản lượng hàng triệu tấn mỗi năm. Nhờ chất lượng vượt trội nên nông sản Đà Lạt nói chung được người tiêu dùng cả nước tin dùng và ưa chuộng.
Đến chợ nông sản Đà Lạt vào thời gian này, trò chuyện với các thương lái thì đa số đều lắc đầu ngao ngán vì hàng không bán được, tồn động trong kho rất nhiều.
Những xe chở đầy khoai tây được nhập về chợ nông sản Đà Lạt.
Ông Nguyễn Xuân Thiên (phường 2, TP. Đà Lạt), một thương lái tại chợ nông sản cho hay: “Rau củ của Lâm Đồng nói chung hay của Đà Lạt nói riêng rớt giá là do nhiều mặt hàng cùng loại giá rẻ có nguồn gốc từ Trung Quốc được các cơ sở kinh doanh lớn trên địa bàn nhập về Lâm Đồng ngày càng nhiều. Vì vậy nông sản của địa phương đã bị hàng của Trung Quốc lấn lướt hoàn toàn, sản lượng đóng gói, đưa đi tiêu thụ tại một số thị trường lớn ở trong nước như Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng ngày càng giảm mạnh”.
Rời chợ nông sản Đà Lạt, chúng tôi đến tận nơi sản xuất rau củ của người địa phương để ghi nhận thực tế.
Gương mặt đăm chiêu khi nói chuyện, ông Nguyễn Văn Vinh (Phường 8, TP. Đà Lạt) cho biết: “Từ đầu năm 2018 đến nay, người làm rau chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn vì giá cả các nông sản rau, củ, quả đã rớt xuống tận đáy, lắm lúc phải bán rẻ, chấp nhận thua lỗ nặng nề. Trước kia xà lách caron, rau cải, bắp sú 2.000 - 3.000 đồng/gốc thì giờ rẻ lắm, như lôlô bữa nay chỉ có 300 đồng/gốc mà cũng không ai mua. Còn khoai tây trước kia 15.000 đồng/kg, giờ cũng chỉ có 6.000 - 7.000 đồng/kg".
Hóa đơn nhập khoai tây về Đà Lạt lên đến 25 tấn. Ảnh: Văn Long
Tuy giá rẻ nhưng người Đà Lạt chỉ có rau và hoa nên giá rẻ vẫn phải tiếp tục canh tác, vì nếu không làm mà để đất trống thì lại càng khó khăn. Trước đây, chỉ khi các mặt hàng nông sản ở Đà Lạt khan hiếm thì hàng Trung Quốc mới được nhập về, thế nhưng hiện nay lại xuất hiện quanh năm.
Hiện tại, các loại nông sản đặc trưng ở Đà Lạt như khoai tây, hành tây, cà rốt, bắp sú… đều bị hàng Trung Quốc trà trộn vào nhưng lại có giá bán thấp hơn từ 20 – 30%. Chính vì vậy mà các mặt hàng này ngày càng trở nên khó cạnh tranh và càng bị lép vế mặc dù ở “sân nhà”.
Ông Đoàn Văn Việt – Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Thông tin này đã xuất hiện nhiều năm nay, nhưng năm nay trở lên rầm rộ, vì vậy tỉnh đã giao Sở Công Thương và Sở NNPTNT rà soát lại các mặt hàng này để đề xuất với tỉnh nhằm có giải pháp, chính sách giải quyết vấn đề trên”.
Nông sản "ngoại" đội lốt nông sản Đà Lạt gây rất nhiều khó khăn cho người dân ở Lâm Đồng.
Ông Việt cho biết thêm, sự việc này gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, đời sống của người dân. Không những thế, thương hiệu rau củ của Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung mà mọi người dày công xây dựng sẽ “đổ sông đổ biển”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sơn – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cũng nhận định rằng nguyên nhân chủ yếu là do các thương lái nhập hàng Trung Quốc về rồi “phù phép” để trở thành nông sản Đà Lạt.
“Để ngăn chặn tình trạng gian lận này, tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có việc giao cho UBND TP.Đà Lạt chủ trì, tăng cường kiểm tra và trao nhãn hiệu “nông sản Đà Lạt” cho các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện. Bên cạnh đó, tỉnh cũng kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp gian lận, gây ảnh hưởng xấu tới nông sản Đà Lạt” - ông Sơn chia sẻ.