Nông sản ế, trách nhiệm trước hết thuộc về cơ quan quản lý nhà nước

Trong phiên thảo luận tổ về báo cáo của Chính phủ tình hình kinh tế - xã hội diễn ra chiều 25.5, nhiều vấn đề nóng đã được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tập trung phân tích sâu, trong đó nhiều ý kiến nhận định nông nghiệp đang là lĩnh vực phải đối mặt với nhiều thách thức nhất.

“Tôi nói vậy không phải để xoa dịu nông dân”

Nắm bắt được vấn đề “nóng” mà cả xã hội đang quan tâm là tiêu thụ nông sản, tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế- xã hội chiều 25.5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng (đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) đã dành nhiều thời gian để nói về vấn đề này.

Nông sản ế, trách nhiệm trước hết thuộc về cơ quan quản lý nhà nước - 1

Ùn tắc tại thị trấn Kim (Lục Ngạn, Bắc Giang) do người bán vải đổ về quá đông.     Ảnh: Đàm Duy

Nói về tình hình tiêu thụ nông sản bị dư thừa, ùn ứ thời gian qua, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, đây không phải là vấn đề mới mà đã xảy ra trong nhiều năm gần đây. “Tôi xin khẳng định, trách nhiệm trước hết thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước, của nhiều bộ, ngành chứ không phải riêng bộ, ngành nào. Đây là một khâu liên hoàn, từ quy hoạch đến tổ chức sản xuất, liên kết giữa người nông dân và người tiêu thụ (cả bán buôn và bán lẻ). Tôi muốn nhấn mạnh như vậy không phải để xoa dịu nông dân”- Bộ trưởng trần tình. Cũng theo Bộ trưởng Hoàng, những loại nông sản trồng theo quy hoạch hầu như không có biến động nhiều về mặt thị trường.

Trong khi đó, ĐB Võ Kim Cự (đoàn ĐBQH Hà Tĩnh) thẳng thắn đánh giá: Kết quả tái cơ cấu nông nghiệp còn chưa đạt như mục tiêu do nơi này, nơi khác còn buông lỏng quản lý. “Sau khi có đề án tái cơ cấu nông nghiệp thì tăng trưởng nông nghiệp lại sụt giảm, đây là điều rất đáng quan tâm, suy nghĩ”, ĐB Cự nêu vấn đề và kiến nghị: Việc tạo ra các liên kết vùng, liên kết giữa 4 nhà phải có sự điều hành chung của một tổ chức thì chắc chắn sẽ hiệu quả. Ngoài ra, để các doanh nghiệp trực tiếp tham gia đầu tư vào nông nghiệp, tiêu thụ nông sản thì phải tạo ra cơ chế khuyến khích tối đa cho họ.

Từ dưa hấu tới thanh long, vải thiều…

ĐB Lưu Thành Công (Vĩnh Long) đưa ra cảnh báo, tình trạng bà con nông dân không chỉ ở Ninh Thuận mà còn ở nhiều tỉnh miền Đông Nam Bộ đổ xô trồng thanh long không theo quy hoạch cũng đang dễ dẫn đến một bài học đắt giá tương tự dưa hấu, hành tím…

Trên cơ sở đó, ĐB Công đề xuất với Chính phủ xem xét thay đổi cách thức đầu tư cho nông dân. “Hiện nay cách thức còn manh mún, không đem lại hiệu quả cao cho sản xuất nông nghiệp. Ví dụ như Nhà nước hỗ trợ cho bà con 500.000 đồng/ha lúa là rất thấp, nên bà con đề nghị gom hết số tiền nhỏ này lại thành một khoản lớn đầu tư cho cơ sở hạ tầng, cho các công trình lớn”. Ngoài ra, ĐB Công cũng đề xuất xác lập hình thức vùng - trung tâm tiêu thụ nông sản kết hợp với du lịch để quảng bá nông sản, hỗ trợ tiêu thụ.

Cũng liên quan tới câu chuyện xuất khẩu nông sản, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) đề cập tới số phận quả vải thiều trong bối cảnh mùa vụ cận kề. “Những tỉnh có lượng vải thiều lớn như Bắc Giang, Hải Dương thì phải tính tới việc sắm nhiều máy chiếu xạ đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu chứ không thể 1, 2 máy mà đủ. Chúng ta không thể ngồi chờ Chính phủ mà phải chủ động làm. Mở cửa được thị trường Úc, Mỹ không phải dễ, mở rồi mà mùa này vải không xuất được, rồi vải lại rớt giá thì người nông dân còn khổ nữa”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

ĐBQH - Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Võ Kim Cự:
"Nông nghiệp đã khó, nông dân lại càng khó vì họ không tự giải phóng được mình, Nhà nước phải có bài toán tháo gỡ cho họ. Phải quan tâm trước tiên tới nông dân lúc đó mới thành nông thôn mới”.


Bộ trưởng Bộ Kế hoạch -  Đầu tư Bùi Quang Vinh:
"Chúng tôi dự báo tình hình nông nghiệp năm nay sẽ xấu đi. Các biểu hiện cụ thể như thị trường xuất khẩu hàng hoá nông nghiệp bị thu hẹp, nông sản ế ẩm. Không chỉ có mặt hàng dưa hấu, hành tím, mà có cả cao su”.

Hải Phong

Phó Thủ tướng chỉ đạo xuất khẩu vải tươi 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có ý kiến chỉ đạo về việc thúc đẩy tiêu thụ vải thiều tươi sang một số nước mới mở cửa thị trường. Theo đó, xét báo cáo của Bộ Công Thương về việc Australia chính thức cho phép nhập khẩu quả vải tươi từ Việt Nam, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương hướng dẫn, phổ biến các yêu cầu kỹ thuật, quy định cụ thể của thị trường nhập khẩu đến các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và người dân để bảo đảm sản phẩm xuất khẩu đáp ứng yêu cầu của đối tác, tạo điều kiện giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu. 

Ngày 25.5, ông Nguyễn Văn Bình -  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết đã chỉ đạo các lực lượng chức năng, nhất là tại khu vực cửa khẩu tăng cường thêm nhân sự, thời gian làm việc và xử lý các tình huống linh hoạt để các xe hàng vải thiều có thể xuất sang Trung Quốc nhanh chóng. Ngoài ra, tỉnh cũng tạo điều kiện cấp CO (xuất xứ hàng hóa) cho doanh nghiệp và làm việc trong ngày lễ và ngày nghỉ. Các hoạt động hỗ trợ tập trung vào chợ biên giới Pò Chài (Trung Quốc) và Tân Thanh (Lạng Sơn- Việt Nam) là nơi giao dịch hoa quả tươi, trong đó vải thiều chiếm 95% sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc.

Hải Phong - Mai Hương

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Lê - Lương Kết - Hải Phong ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN