Nông sản ế ẩm nhưng không muốn bán trong nước
Việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc gặp khó, ngay lập tức, các siêu thị, cửa hàng “xắn tay” giải cứu nông sản cho nông dân. Tuy nhiên, nông dân không mặn mà bán bởi chê giá bán trong nước thấp, trong khi các đơn vị giải cứu nói: chất lượng nông sản chỉ đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu theo đường “tiểu ngạch”.
Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến hàng nông sản Việt Nam không xuất được sang Trung Quốc, nhiều nông dân gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, không ít tổ chức, doanh nghiệp, siêu thị đã đứng ra “giải cứu” giúp bà con nông dân.
Nhu cầu lớn, hàng giao nhỏ giọt
Bà Nguyễn Thị Phương - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail (doanh nghiệp quản lý hệ thống siêu thị Big C và GO!) cho biết: “Chúng tôi tập trung thu mua nông sản bị ùn ứ hỗ trợ bà con nông dân tại một số địa phương: Bình Thuận, Gia Lai, Khánh Hòa, Long An, Tiền Giang... nhằm thể hiện trách nhiệm với cộng đồng”.
Cụ thể, tại các siêu thị Big C và GO! miền Bắc, dưa hấu ruột đỏ được Big C áp dụng giá hấp dẫn, chỉ 6.200 đồng/kg; thanh long ruột đỏ và ruột trắng bán đồng giá 15.500 đồng/ kg; Tại các siêu thị Big C và GO! khu vực phía Nam, giá thanh long ruột đỏ miền Tây được bán với giá 10.900 đồng/kg; dưa hấu ruột đỏ 4.900 đồng/kg.
Các siêu thị giải cứu nông sản nhưng nông dân không mặn mà vì giá thấp hơn xuất khẩu
Sau một tuần triển khai bán nông sản “giải cứu”, đại diện hệ thống siêu thị Big C và GO! cho biết, mỗi ngày hai hệ thống này tiêu thụ được 100 tấn dưa hấu và 70 tấn thanh long. “Hai hôm trước thanh long về hệ thống siêu thị phía Nam không kịp để bán. Thông qua việc giải cứu này, chúng tôi muốn cơ quan nhà nước phải vào cuộc với nông sản Việt, xem xét việc xuất khẩu và tiêu thụ nội địa”, vị này nói.
Còn bà Kim Dung, Giám đốc siêu thị Sài Gòn Co.op tại Hà Nội cho biết: “Hiện nay siêu thị vẫn bán hàng giải cứu nhưng không biết sẽ gián đoạn lúc nào. Chúng tôi đang trong tình trạng hàng có đến đâu bán đến đấy. Thông qua việc bán hàng giải cứu lần này, tôi cho rằng, tiềm năng tiêu thụ nội địa là rất lớn. Các nhà quản lý, địa phương, nông dân cần quan tâm việc này. Việc tiêu thụ nội địa tốt vừa giúp bà con nông dân vừa giúp người tiêu dùng hưởng giá rẻ”.
Theo bà Nguyễn Thanh Thủy - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce (sở hữu chuỗi cửa hàng Vinmart), sản lượng tiêu thụ dưa hấu của hệ thống lên tới hàng trăm tấn, nhưng khi liên lạc nông dân thì không có hàng.
“Đơn cử như dưa hấu Gia Lai, Vinmart có nhu cầu 60 tấn/tuần nhưng giao rất nhỏ giọt. Do đó, tháng nào có trái gì, sản lượng bao nhiêu, giá thế nào thì cần thông báo rõ, vì khi đi kết nối thì đưa ra một giá, nhưng sau đó dân lại đưa ra giá khác”, bà Thủy nói.
Hàng cần đảm bảo tiêu chuẩn
Bà Trần Mai Quỳnh, giám đốc thu mua miền Bắc của hệ thống siêu thị AEON Mall, cho rằng các địa phương mang đến sản phẩm giải cứu cần chú ý đến chất lượng. “Cần mang đến sản phẩm có chất lượng tốt. Nếu cứ nghĩ giải cứu là giá rẻ, chất lượng thấp, người tiêu dùng nói không ngon thì lâu dần sẽ quay lưng với sản phẩm “giải cứu”. Mong các sở trao đổi với hội nông dân, nâng cao chất lượng sản phẩm”, bà Quỳnh nói.
Trần Quân, điều hành chuỗi cửa hàng Sói Biển, đơn vị tiên phong giải cứu tôm hùm, cho rằng người dân nuôi tôm thích xuất khẩu bởi các đơn hàng đều với số lượng lớn. “Tuy nhiên, thời gian vừa qua, khi triển khai bán tôm hùm hỗ trợ người dân, tôi thấy lượng tiêu thụ tại thị trường Hà Nội rất tốt. Tôi nghĩ rằng, thông qua việc này, người nuôi trồng sẽ chú trọng tiêu thụ nội địa hơn, bớt được chi phí vận chuyển và các phí khác khi xuất khẩu”, ông Quân nói.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, Việt Nam có thế mạnh là đất nước nông nghiệp với nhiều loại nông sản. Tuy nhiên, nhiều loại nông sản của Việt Nam chưa được đảm bảo tiêu chuẩn để có thể xuất khẩu sang các nước phát triển, chủ yếu xuất sang Trung Quốc. Những năm gần đây, Trung Quốc thay đổi chính sách, hạn chế xuất khẩu tiểu ngạch, yêu cầu xuất khẩu chính ngạch với các tiêu chuẩn, quy chuẩn rõ ràng.
Theo ông Long, người nông dân không muốn bán hàng trong nước vì giá luôn thấp hơn giá xuất khẩu. Đây là nghịch lý khi nông sản không xuất khẩu được nhưng lại muốn bán giá cao ở trong nước. Cuộc họp của Bộ Công Thương với siêu thị, đại diện các địa phương và nông dân có nhiều ý kiến không đồng nhất. Siêu thị nói hàng không đủ bán. Lãnh đạo địa phương nói hàng tồn kho nhiều nhưng không muốn bán nội địa, muốn xuất khẩu với giá cao.
Chưa kịp hồi phục sau quy định phạt nặng uống rượu bia lái xe, dịch Corona lại ập đến khiến các nhà hàng, quán ăn...
Nguồn: [Link nguồn]