Nông sản “độc”, lạ trúng đậm nhờ Tết
Một con gà có giá 2-4 triệu đồng, một cây ngũ quả có giá 7-10 triệu đồng, một chậu su hào cảnh có giá đến cả triệu đồng, một vườn phật thủ có giá đến cả tỷ đồng… là những mặt hàng nông sản độc, lạ được những người nông dân nghiên cứu, sản xuất phục vụ dịp tết Ất Mùi vừa qua.
Điều này cho thấy, nếu biết nắm bắt và sản xuất theo thị trường, người dân có thể làm giàu được từ những sản phẩm nông sản…
Nắm bắt thị hiếu dịp tết
Con gà Đông Tảo của anh Giang Lê Hân ở xã Đông Tảo (Khoái Châu, Hưng Yên) được khách trả giá trên 40 triệu đồng.
Chia sẻ về nghề, anh Hân cho biết: “Đứng trước thị trường gia cầm nói chung và gà Đông Tảo nói riêng đang bão hòa, nên mỗi người cũng cần phải có cho mình bí quyết chọn hướng đi riêng cho mình. Vì thế, tôi vừa nuôi gà, vừa cho giao phối, lai tạo ra giống gà quý, rồi luyện cho đến khi trưởng thành nhằm phục vụ thị hiếu ngày càng cao của người dân”. Giờ đây, trung bình mỗi năm gia đình anh Hân bán ra thị trường hàng vạn gà Đông Tảo giống với giá từ 500.000 đồng đến 3 triệu đồng/con, và có từ 5 - 10 con gà trống quý bán với giá từ 10 - 20 triệu đồng/con. Kế hoạch trong năm tới, anh Hân cho biết cũng sẽ nâng sản lượng cũng như giá trị gà lên gấp 2 - 3 lần so với trước.
Ngay cả các doanh nghiệp giờ cũng “chạy” theo mô hình sản xuất nông sản độc, lạ. Là một doanh nghiệp chuyên sản xuất gà giống, anh Nguyễn Nguyên- Giám đốc Công ty TNHH Gà giống Dabaco (Bắc Ninh) cho biết, mấy năm gần đây công ty anh đã sản xuất nhiều giống gà mới như gà J-Dabaco, Ja-Dabaco, đặc biệt là giống gà 9 cựa hay còn được gọi là gà Sơn Tinh. “Để lai tạo, nhân giống và nuôi dưỡng thành công một con gà 9 cựa rất khó, phải có bí quyết và sự kiên trì mới nuôi được, đổi lại giá thành một con gà như vậy lại có giá gấp tới vài chục lần so với gà thường”. Như năm vừa rồi, mỗi con gà có đủ 9 cựa cũng phải có giá từ 4,2- 5 triệu đồng/con.
Kiếm tiền tỷ từ những “cây độc”
Cũng trong dịp tết vừa qua, nhiều nông dân đã biết kiếm tiền tỷ từ việc tạo ra những cây thế độc, lạ. Điển hình như mô hình nông hộ trồng cây ngũ – thất – cửu (5-7-9) quả cảnh “độc” của lão nông Lê Đức Giáp ở xóm Bãi, xã Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội với doanh thu mỗi vụ tết lên tới cả vài trăm triệu đồng. Chia sẻ về quá trình làm kinh tế, ông Giáp bảo: “Bản thân tôi xuất thân nông dân, do cai nghèo, cái đói thôi thúc phải sáng tạo chứ cứ trông vào cây lúa, củ khoai thì bao giờ mới ngẩng đầu lên được”.
Ông Giáp cho biết thêm, sau nhiều năm mày mò nghiên cứu gặp nhiều thất bại. Năm 2000, ông Giáp chính thức trồng thành công hàng chục cây ngũ quả, để mọi người biết đến, năm đầu ông mang đi biếu người thân, hàng xóm để quảng bá thương hiệu. Chỉ sau 1-2 năm sản phẩm cây của ông đã bắt đầu được nhiều người biết đến và ông đã xuất bán được những cây ngũ quả đầu tiên, dần dần các năm sau khách cứ đổ xô đến vườn mua.
Từ thực tế nhu cầu tiêu thụ lớn của thị trường, mỗi năm ông Giáp kết hợp mở rộng thêm diện tích vừa sáng tạo ghép thêm đa dạng quả hơn. Hiện, trung bình mỗi năm nhà vườn của ông xuất bán ra thị trường hàng trăm cây ngũ – thất – cửu quả, trong đó nhiều cây có giá hàng chục triệu đồng. “Dù số lượng cây trồng mỗi năm đều tăng, giá cũng cao hơn cả chục triệu đồng nhưng cũng không đủ bán, nhiều khách đến vườn vẫn phải về không đấy”- ông Giáp phấn khởi khoe.
Gần đây, dân chơi kiểng, bonsai cũng đang rộ lên mốt chơi bonsai phật thủ và nó cũng được “thổi” theo cách nghĩ, cách luận của giới này. Thông thường những cây bonsai có giá trị và được dân chơi săn tìm nhiều nhất, ngoài thế đẹp, nó còn phải đạt được các yếu tố như: Cây có duy nhất 1 quả (có nghĩa là độc nhất vô nhị), cây 2 quả (song kiếm hợp bích), cây 6 quả (lộc), cây 8 quả (phát). Song những cây có đầy đủ các yếu tố trên và cộng thêm ngón của quả nhiều, to, dài và ngón cuối là chữ “Thịnh”, hoặc “Thái” thì vô cùng quý giá. Những cây như thế thường được chủ hét giá rất cao, có cây lên đến 15 triệu đồng.
Nắm bắt được nhu cầu đó, những người dân các xã Đắc Sở, Yên Sở, Tiền Yên (Hoài Đức, Hà Nội) đã chủ động sản xuất các loại phật thủ theo thị hiếu của thị trường. Anh Phạm Bá Tú, xã Đắc Sở, chủ vườn Tú Thủy cho hay, năm nay anh có khoảng 5.000 – 6.000 quả phật thủ và 40 cây bonsai. Mặc dù còn khoảng một tháng nữa mới đến tết nhưng anh đã bán được hơn nửa. Anh Tú nhận định: “Dịp tết vừa qua, những quả đẹp, hàng bonsai, giá tăng so với năm ngoái khoảng 20 – 25%. Nếu năm ngoái, trung bình 80.000 – 150.000 đồng/quả, loại vừa 200.000 – 250.000 đồng, quả to đẹp cũng chỉ 300.000 – 350.000 đồng/quả, thậm chí một số quả “độc” giá lên tới 2 triệu đồng/quả”.