Nông nghiệp trụ vững với khó khăn

Hôm qua (26/12), Bộ NNPTNT đã chính thức công bố kết quả thực hiện nhiệm vụ trong năm 2013.

Theo đó, dù gặp rất nhiều khó khăn, song sản xuất vẫn tăng trưởng mạnh; xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực dù bị suy giảm đáng kể nhưng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành vẫn tăng...

Kỷ lục mới của lương thực

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản cả năm nay ước đạt 801.200 tỷ đồng (xấp xỉ 40 tỷ USD), tăng 2,95% so với năm 2012, trong đó nông nghiệp đạt 602.300 tỷ đồng. Đặc biệt, về sản xuất nông nghiệp năm 2013 tăng trưởng khá, sản lượng trồng trọt tiếp tục vượt kỷ lục năm 2012 khi đạt tới 49,3 triệu tấn lương thực có hạt (tăng gần 559.000 tấn), riêng sản lượng lúa đạt 44,1 triệu tấn (vượt mốc kỷ lục 43,7 triệu tấn của năm ngoái).

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh cho biết, năm nay có thể coi là một năm vô cùng khó khăn đối với ngành sản xuất nông nghiệp, khi hồi đầu năm chúng ta bị hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và miền Trung. Còn ở miền Bắc, vào cuối vụ mùa liên tục xảy ra mưa khiến sâu bệnh phát triển, làm giảm sản lượng lúa. Tuy nhiên, đứng trước những khó khăn đó, ngành nông nghiệp đã rất chủ động và tích cực triển khai nhiều biện pháp để khắc phục, nên trồng trọt tiếp tục tăng trưởng tốt.

Cụ thể, theo ông Doanh, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo căn cơ lại thời vụ gieo trồng, tăng cường sử dụng các giống lúa ngắn ngày cho năng suất cao, đặc biệt Bộ đã chỉ đạo và phối hợp rất sát với các địa phương. Song ông Doanh cho rằng, kết quả đạt được của ngành nông nghiệp năm qua chủ yếu do nông dân đã vượt qua khó khăn để tiếp tục duy trì sản xuất, đó mới là nguyên nhân quan trọng làm tăng sản lượng ngành trồng trọt.

Nông nghiệp trụ vững với khó khăn - 1

Dù gặp nhiều khó khăn, năm nay xuất khẩu nông, lâm thủy sản vẫn đạt 27,46 tỷ USD

Trong khi đó, ngành chăn nuôi dù đối mặt với nhiều khó khăn, song tổng sản lượng thịt hơi cả năm vẫn tăng nhẹ, đạt 4,3 triệu tấn, nhất là giá các loại thịt trong những tháng cuối năm này đã có dấu hiệu tăng trở lại, nhiều hộ gia đình đã tái đàn để chuẩn bị lượng thịt cung ứng cho dịp tết.

Kim ngạch xuất khẩu đạt 27,4 tỷ USD

Chưa năm nào trong nhiều năm trở lại đây, ngành nông nghiệp nước ta phải đối mặt với hàng loạt các khó khăn do thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, giá bán các mặt hàng nông sản liên tục giảm sút. Đó cũng chính là lý do dẫn đến hàng loạt các mặt hàng chủ lực như gạo, cà phê, cao su… bị suy giảm về kim ngạch xuất khẩu. Theo số liệu báo cáo của Bộ NNPTNT, tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản năm 2013 đạt 27,469 tỷ USD, tăng 0,7% so với năm 2012.

Trong đó, xuất khẩu gạo giảm cả về khối lượng và giá trị khi chỉ đạt 6,61 triệu tấn (năm trước là 8 triệu tấn) và thu về 2,9 tỷ USD (giảm 19,7%). Xuất khẩu cà phê cũng chỉ đạt 1,32 triệu tấn với giá trị 27,5%, giảm 25,1% về kim ngạch. Nguyên nhân chính theo TS Đặng Kim Sơn- Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard), phần lớn diện tích cà phê đã già cỗi đến lúc phải trồng lại, nhưng vì còn tận thu được nên nông dân không trồng mới. Nếu cứ tiếp tục vắt kiệt như vậy, trong vài năm tới, sản lượng cà phê chắc chắn sẽ còn sụt giảm đột ngột.

Bên cạnh mặt hàng lúa gạo và cà phê, cao su cũng là ngành có kim ngạch xuất khẩu giảm, khi cả năm ước đạt 2,52 tỷ USD, giảm 11,6%, nguyên nhân chủ yếu do giá xuất khẩu bình quân giảm chỉ còn trên 2.332 USD/tấn so với mức 2.818 USD của năm 2012. Tuy nhiên, bên cạnh các “điểm tối” trong xuất khẩu trên, các ngành hàng khác như điều tiếp tục tăng (đạt 1,63 tỷ USD), tiêu 901 triệu USD (tăng 13,6%), gỗ (5,37 tỷ USD)…

Nhận định chung về tình hình xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm nay, TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Ipsard cho rằng, có 2 nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm của nhiều mặt hàng: Về mặt khách quan là do thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, giá xuống thấp. Còn về mặt chủ quan là do chúng ta chưa kịp thời chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để theo kịp thị trường.

Sẽ thay đổi toàn diện

Đứng trước những khó khăn của ngành, năm 2013, Bộ NNPTNT là ngành đầu tiên triển khai xây dựng đề án tái cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp theo hướng tăng trưởng bền vững. Tới tháng 6, đề án này đã chính thức được Thủ tướng ký quyết định phê duyệt. Theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, về nguyên tắc nếu triển khai được đề án này sẽ thay đổi toàn diện ngành nông nghiệp hiện nay, khi sản xuất cây trồng, vật nuôi thay vì chạy theo số lượng, phong trào sẽ chuyển sang sản xuất theo thị trường, từ đó giúp tăng giá trị gia tăng.

TS Tuấn cho biết, do đề án mới phê duyệt được 6 tháng, các cơ quan thuộc Bộ NNPTNT và các địa phương mới đang ở trong giai đoạn tìm hiểu để triển khai, nên đến thời điểm này chưa thấy rõ tác động từ đề án này. Chúng ta hy vọng sang năm 2014, các bộ, ngành, địa phương cùng vào cuộc triển khai mạnh đề án này, thì ngành nông nghiệp mới thay đổi được. Tuy nhiên, theo TS Tuấn có 2 “điểm nghẽn” hiện nay cần tháo gỡ, đó là đất đai và thị trường. Để làm được điều này, cần có cả sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành khác như công thương, ngân hàng… chứ một mình Bộ NNPTNT không thể làm hết được.

Tại hội nghị triển khai các nhiệm vụ kinh tế- xã hội năm 2014 do Chính phủ tổ chức mới đây, Bộ trưởng NNPTNT Cao Đức Phát đã nhận định, tăng trưởng của toàn ngành là 2,95%, trong khi bình quân các năm trên 3% là tồn tại, điểm yếu mà ngành sẽ tập trung cao độ để khắc phục trong những năm tới.

“Việc khôi phục tốc độ tăng trưởng trước hết sẽ nhằm vào những ngành hàng có thị trường, có lợi thế để tập trung vào sản phẩm lợi thế, có giá trị gia tăng cao bằng cách áp dụng mạnh khoa học, kỹ thuật"- Bộ trưởng Cao Đức Phát nói. Chẳng hạn như với lúa gạo, theo đánh giá, thị trường 2014 tiếp tục còn nhiều khó khăn, khi nguồn cung từ các nước xuất khẩu khác khá dồi dào.

Vì vậy, Bộ NNPTNT khuyến nghị các địa phương tiếp tục duy trì sản lượng, nhưng tập trung sản xuất gạo chất lượng cao, hạn chế các giống chất lượng thấp. Đồng thời, cần đẩy mạnh diện tích trồng ngô, như năm vừa qua vẫn phải nhập khẩu 2,3 triệu tấn ngô, chiếm gần một nửa nhu cầu trong nước. Đây là “dư địa” thị trường mà nông nghiệp hoàn toàn có thể tập trung sản xuất, khai thác, nhất là vùng khó khăn về nguồn nước.

Điểm sáng từ thủy sản

Nếu một số mặt hàng nông sản bị suy giảm lớn về kim ngạch xuất khẩu, thì trong năm 2013, xuất khẩu thủy sản, đặc biệt là tôm đã đạt được con số kỷ lục với 6,7 tỷ USD thu về (tăng tới 10,1% so với năm 2012), trong đó Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất chiếm gần 22% thị phần.

Về nuôi trồng thủy sản, ngành nuôi cá tra tiếp tục gặp khó khăn do giá thành ở mức thấp (21.000-23.500 đồng/kg), khiến nhiều hộ nuôi cá tra liên tục bị thua lỗ, phải thu hẹp diện tích sản xuất, thậm chí “treo ao”, đã có nhiều hộ phải bán ao cho doanh nghiệp. Trái lại, nghề nuôi tôm nước lợ lại khởi sắc trong năm, do cả sản lượng và giá thành đều tăng, nên người nuôi tôm đã có lãi lớn. Tôm cũng đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD cho ngành thủy sản.

Đánh giá về ngành thủy sản, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết, năm 2014 mở ra nhiều cơ hội với thị trường chăn nuôi thủy sản (quy mô 3,2 triệu tấn hiện nay), như nhu cầu tôm chân trắng tăng tới 60%, đây là thời cơ tốt để thúc đẩy mặt hàng này. Tuy vậy, cần phải quy hoạch chặt chẽ quy mô, quản lý chất lượng giống, thức ăn; phòng chống tốt dịch bệnh… để đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Ngọc Lê

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Hân (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN