Nông dân vẫn “mắc bẫy” thương lái Trung Quốc

Việc thu mua những mặt hàng nông sản cùng những thứ lạ đời với giá cao tại Việt Nam của thương lái Trung Quốc đã bị “đưa ra ánh sáng” sau một phóng sự của Đài truyền hình Việt Nam nhưng đến nay họ vẫn “làm mưa làm gió” trên thị trường Việt Nam.

Liên tục trong những ngày qua, cơn sốt “tôm nguyên liệu” khiến thị trường tôm Việt Nam lao đao khi thương lái Trung Quốc “tận gom” tôm với mức trung bình lên đến hàng trăm tấn/ngày tại một tỉnh.

“Trò bịp” từ bài toán thổi giá chứng khoán

Không chỉ mặt hàng tôm mà từ hơn một năm qua, thương lái Trung Quốc còn liên tục tạo các scandal về lúa gạo, dứa, khoai, dừa và nhiều mặt hàng “độc” như đỉa, phân trâu… Nguyên tắc chung của các “tay buôn” Trung Quốc chính là: Tung tin đồn, đẩy giá cao và mua số lượng lớn; mua không cần chú ý đến chất lượng, nhiều khi còn yêu cầu nông dân “pha tạp” sản phẩm. Hậu quả để lại là một bộ phận thương lái trung gian Việt Nam mất trắng tiền do sau khi gom đủ hàng thì thương lái Trung Quốc “biến mất”, còn người nông dân thẫn thờ khi “bờ xôi ruộng mật” của họ nay xơ xác vì bị tận thu.

Nghe có vẻ không liên quan nhưng những trò bịp của thương lái Trung Quốc không khác nhiều so với “bài toán làm giá chứng khoán” mà chính thị trường Trung Quốc từng “té ngửa” vào năm 2007. Theo thông tin từ Đài truyền hình Việt Nam cho thấy, một công ty có tên Zhong Hen Xin đã thành thạo trong việc “làm giá chứng khoán” khi công ty này tranh thủ giai đoạn thị trường chứng khoán đang nóng để “bơm tiền mua chứng khoán, bơm thông tin ảo” để đánh lừa các nhà đầu tư kéo nhau đi mua rồi đột ngột tung ra bán với giá cao kiếm lời trong khi thị trường “tuột dốc không phanh”.

Như vậy, động cơ này được thương lái “tái sử dụng” tại thị trường nông sản Việt Nam. Một mặt, các thương lái tung tin mua nông sản giá cao để thu hút sự chú ý của nông dân và các thương lái trung gian. Từng bước một, thương lái Trung Quốc đẩy giá lên cao để việc thu mua nông sản của các thương lái trung gian trở nên mạnh hơn. Mặt khác, các thương lái đi “cửa sau” để bán chính sản phẩm mình đã mua để kiếm lời từ chênh lệch giá, rồi sau đó “thoát hiểm” dễ dàng.

“Bất đối xứng thông tin”: Bài toán phải giải

Như vậy, ngay cả khi “bài lật ngửa”, thương lái Trung Quốc vẫn có thể thắng và khiến Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phải “tái mặt” khi phải gửi liên tiếp ba công văn đến các bộ và cơ quan ban ngành trong vòng hai tuần từ 26-8 đến 11-9 về tình trạng “chảy máu tôm”. Câu hỏi đặt ra là “tại sao thương lái Trung Quốc lộ bài, người nông dân vẫn thất thế?”

Một trong những kịch bản dễ xảy ra nhất chính là hiện tượng “bất đối xứng thông tin” đang xảy ra, nghĩa là thông tin cảnh báo về thương lái Trung Quốc chưa đến tai thương lái trung gian, nông dân Việt Nam. Trong khi đó, các từ khóa “giá cao”, mua số lượng lớn… liên tục được đưa đến người dân trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Trong lịch sử, ba nhà kinh tế Mỹ gồm George A. Akerlof, A. Michael Spence và Joseph E. Stiglitz trong công trình phân tích các thị trường với những thông tin không nhất quán (đoạt giải Nobel Kinh tế 2001) đã chỉ ra rằng rất khó có được môi trường thông tin hoàn hảo. Thế nên “cuộc chiến” chống lại thương lái Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào yếu tố cá nhân hoặc nhóm người lãnh đạo. Nghĩa là phía lãnh đạo ngành nông nghiệp phải “xắn tay áo xuống ruộng” để phân tích “thiệt - hơn” khi tiếp tục “chơi” với thương lái Trung Quốc theo kiểu hám lợi. Đặc biệt, nhất thiết phải có chiến lược tiếp cận, giám sát thông tin nhằm phát hiện và lấp kịp thời những khoảng trống thông tin giá cả, thị trường, nhu cầu, nguy cơ để đảm bảo cân đối thông tin cho người dân.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ĐỖ THIỆN (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN