Nông dân trồng tiêu khốn đốn, điêu đứng sau 3 năm gặp "bão giá"
3 năm liên tiếp, người trồng hồ tiêu lâm cảnh khốn đốn. Diện tích trồng càng tăng nhanh thì nguy cơ dịch bệnh và sụt giảm chất lượng, sản lượng càng tăng cao. Đại diện nhiều địa phương ở các vùng trọng điểm trồng tiêu nhấn mạnh, phải sớm thay đổi nhận thức canh tác của người trồng để khắc phục các khó khăn hiện nay.
Khó càng thêm khó!
Mùa vụ năm 2018 tiếp tục ghi nhận việc sản xuất tiêu sa sút do thời tiết, dịch bệnh khiến nhiều hộ nông dân lâm cảnh điêu đứng. Tại tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Hữu Thắng - Giám đốc HTX hồ tiêu Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc) kể vào mùa mưa, nguy cơ dịch bệnh trên cây tiêu lớn hơn những mùa khác khiến chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng theo.
Người dân cần thay đổi nhận thức và phương thức canh tác để đến sản xuất hồ tiêu bền vững. ảnh: Nguyên Vỹ
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, 10 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh có khoảng 2.000ha hồ tiêu bị dịch bệnh, chủ yếu là các bệnh như: Thán thư, bệnh chết chậm, chết nhanh. Ở nhiều vùng, đã có tình trạng nông dân chặt bỏ cây tiêu vì không thấy hiệu quả kinh tế cao như trước.
“Gặp lúc giá tiêu vẫn tiếp tục ảm đạm, nhiều nhà vườn không còn mặn mà đổ vốn chăm sóc cây trồng này nữa. Người trồng tiêu lại rơi vào vòng luẩn quẩn trồng - chặt, chặt - trồng” - ông Thắng kể.
Tại Bình Phước, từ mùa khô 2016 - 2017 đến mùa khô 2017 - 2018, mưa trái mùa thường xuyên xuất hiện trên diện rộng, đã ảnh hưởng đến khả năng ra hoa của hồ tiêu. Toàn tỉnh trồng khoảng 70% tiêu Vĩnh Linh nhưng giống này chỉ ra hoa khoảng 30 - 50%. Thêm phần dông lốc làm ngã đổ gần 100.000 nọc tiêu thời gian qua, khiến sản lượng tiêu của tỉnh Bình Phước niên vụ 2017 - 2018 đã giảm đến 40%.
Cũng như các vùng, giá tiêu hạt xuống thấp khiến nhiều nông dân ở Bình Phước không mặn mà chăm sóc cây trồng đã làm sâu bệnh phát triển mạnh, nhất là thời điểm cuối năm 2017 và đầu năm 2018. Tại huyện Bù Gia Mập, diện tích chết hàng loạt lên tới 191ha; tại huyện Bù Đốp 71ha, tại Đồng Phú 54ha.
Ở Tây Nguyên, thiệt hại vì dịch bệnh trên tiêu cũng không hề thua kém. Theo ông Lê Trọng Yên - Giám đốc Sở NNPTNT Đăk Nông, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tiêu nhiễm bệnh và chết hàng loạt một phần do thời tiết diễn biến bất thường, mưa quá nhiều làm dịch hại phát triển. Bên cạnh đó, việc sản xuất chạy theo phong trào của bà con nông dân cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ và chỉ cần có tác nhân là dịch bệnh bùng phát.
Mô hình tiêu hữu cơ đang được mở rộng và xây dựng theo hướng cánh đồng mẫu lớn ở Nam Yang (huyện Đăk Đoa, Gia Lai). Ảnh: I.T
Ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) cho biết, thời tiết thay đổi thất thường trong nhiều niên vụ liên tiếp khiến cây tiêu bị sốc nhiệt. Cây tiêu vốn mẫn cảm nên dịch bệnh càng trở nên nghiêm trọng ở các vườn trồng theo mô hình canh tác cũ, thiếu cải tiến kỹ thuật.
Đặc biệt là diện tích tiêu tăng nhanh trong thời gian ngắn khiến việc kiểm soát chất lượng trở nên khó khăn. Để tránh tình trạng tiếp tục phá vỡ quy hoạch, các địa phương cần liên tục khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích, chuyển đổi cây trồng khác phù hợp hơn với điều kiện thổ nhưỡng.
Thay đổi tư duy canh tác
Theo Sở NNPTNT Bình Phước, từ 16.452ha năm 2016, đến tháng 10.2018 diện tích hồ tiêu của tỉnh đã tăng lên 17.178ha (tăng 726ha); đứng thứ 3 cả nước sau Đăk Lăk, Đăk Nông. So với với diện tích được quy hoạch (chỉ khoảng 15.000ha), diện tích tăng đã vượt 7.718ha.
Năm 2016, năng suất tiêu Bình Phước đạt 28 tạ. Niên vụ 2016 - 2017, sản lượng tiêu 33.676 tấn. Tuy nhiên sản lượng tiêu vụ 2017 – 2018 chỉ còn 18.736 tấn; giảm 14.940 tấn (giảm hơn 40%) so với năm 2017.
Bà Lê Thị Ánh Tuyết – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh chia sẻ, việc sản xuất tiêu của tỉnh đang gặp khó khăn do giá xuống thấp, dịch bệnh và thời tiết diễn biến bất thường. Bình Phước đang hướng đến nền sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và mang tính bền vững nhưng còn gặp nhiều khó khăn do tập quán canh tác của nông dân.
Khi giá cao, bà con không quan tâm đến điều kiện thích nghi của cây tiêu mà cứ vô tư trồng ở những vùng đất không phù hợp. Đến khi giá thấp lại bỏ bê không chăm sóc, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu, áp lực sâu bệnh nhiều khiến nguy cơ tiêu chết nhanh, chết chậm hàng loạt.
Trước tình trạng giá tiêu giảm sâu, chịu ảnh hưởng xấu bởi thời tiết, người dân cũng phải thay đổi nhận thức theo hướng tích cực, thay đổi tập quán canh tác. Phát triển bền vững không chỉ cho cây hồ tiêu mà cho cả những cây trồng khác trên cơ sở kết hợp hài hoà về kinh tế, các vấn đề xã hội và yếu tố môi trường. Quy trình canh tác cây hồ tiêu phải đảm bảo sức khoẻ cho người sản xuất, người tiêu dùng và không ô nhiễm môi trường sinh thái” - bà Tuyết nói.
Còn theo ông Huỳnh Anh Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, để tăng giá trị của hồ tiêu thì Bình Phước phải thâm nhập vào được các thị trường khó tính, có đòi hỏi khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và truy xuất nguồn gốc như thị trường các nước Mỹ, Canada, Anh, Đức, Hà Lan…