Nông dân thất thu vì quýt được mùa, rớt giá

Sự kiện: Kinh Doanh

Người nông dân ở Bắc Kạn đang thất thu do quýt rớt giá. Quýt Bắc Kạn là đặc sản của vùng cao, tuy năm nay được mùa nhưng giá lại rớt thê thảm khiến bà con không khỏi bùi ngùi.

Bán tại vườn với giá 5.000đ/kg, đến tận tay người tiêu dùng là 15.000đ/kg, người nông dân ở Bắc Kạn đang thất thu do quýt rớt giá. Quýt Bắc Kạn là đặc sản của vùng cao, tuy năm nay được mùa nhưng giá lại rớt thê thảm khiến bà con không khỏi bùi ngùi. Quýt Bắc Kạn có mùi thơm đặc trưng, rôn rốt chua, mọng nước.

Đến huyện Bạch Thông, một trong những huyện có diện tích trồng cam quýt lớn nhất tỉnh Bắc Kạn (1.200 ha), những cây quýt cao quá đầu người trĩu quả vàng óng đang được bà con nông dân thu hoạch. Xe tải của thương lái đỗ ven đường đang chờ vận chuyển quýt đến các điểm tiêu thụ. 

Nông dân thất thu vì quýt được mùa, rớt giá - 1

Quýt Bắc Kạn rớt giá gây thất thu cho nông dân.

Vụ quýt năm nay, nông dân Bạch Thông được mùa, nhưng giá cũng rớt thảm hại. Nếu như đầu mùa, giá quýt bán buôn tại vườn cho thương lái là 10.000đ/kg thì thời điểm này chỉ còn 4.000đ – 5.000đ/kg.

Ông Nguyễn Văn Thông, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông cho biết: “Bán cho thương lái không được giá nhưng đành phải chấp nhận vì quýt chín rộ, dân phân phối lẻ thì không thu hoạch kịp. Mà đến điểm thu mua ở xa, đi lại khó khăn”.

Theo ông Thông vì quýt đang vào vụ rộ nên thương lái cũng ra sức ép giá. Một vườn quýt nở rộ nhưng do giá quýt thấp mà thu nhập của nhiều gia đình đã giảm so với năm ngoái. Nếu tiếp tục rớt giá, không chỉ không có công, mà người nông dân còn lỗ.

Anh Nguyễn Văn Sỹ, xã Quang Thuận kể: “Vụ quýt này nhà tôi thiệt hại 50 triệu”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá quýt bán lẻ tại TP Bắc Kạn là 15.000đ/kg, thấp hơn 10.000đ/kg so với năm ngoái. Theo một thương lái thì nguyên nhân là do chỉ tiêu thụ được ở Bắc Kạn và một số địa phương lân cận, không tiêu thụ được ở thị trường Hà Nội. Mặc dù chất lượng quả tốt, thơm, nhưng lượng tiêu thụ ở thị trường dưới xuôi lại thấp do quả quýt chua. Những năm trước có thương lái mỗi ngày thu mua từ 4-5 tấn, nhưng năm nay giảm xuống còn một nửa.

Cam quýt hiện là một trong những cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế của người dân Bắc Kạn. Nhưng với giá quýt rớt như hiện nay (chỉ bằng 2/3 so với năm ngoái) thì người nông dân đã thất thu, không có lãi. 

Theo người trồng quýt ở Bắc Kạn thì sở dĩ thị trường khó tiêu thụ là do diện tích trồng quýt ngày càng tăng, người dân thấy người khác trồng nên cũng trồng theo, trong khi không có đầu ra, dẫn đến cung vượt cầu, giá thành hạ. 

Quýt Bắc Kạn mang đặc trưng riêng, thơm, rôn rốt, mọng nước, nhưng nếu không ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng tràn lan trong khi đầu ra không có thì người nông dân sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ.

Thiết nghĩ, để phát triển sản vật của địa phương, cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Kạn cần đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, phù hợp với nhu cầu của thị trường và có những chính sách tìm kiếm, mở rộng thị trường cho người nông dân để tránh bị ép giá, rớt giá.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hằng Hương (CAND)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN