Nông dân oằn mình vì giá phân bón
Nông dân đang đứng trước nỗi lo nông sản rớt giá, phân bón giá tăng cao. Họ oằn mình gánh đỡ hàng loạt chi phí và đứng trước nguy cơ bỏ ruộng vì thua lỗ.
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, hàng loạt doanh nghiệp và đại lý phân bón trên cả nước vừa tiếp tục thông báo tăng giá phân bón. Theo đó, ngày 10/3, giá Urê Cà Mau, Urê Phú Mỹ tăng 200 đồng/kg so với ngày trước đó lên khoảng 18.000 đồng/kg, Urê Hà Bắc cũng tăng thêm 250 đồng/kg lên 16.000 đồng/kg. Phân DAP Đình Vũ đang được các đại lý rao bán với giá 18.800 đồng/kg, DAP Lào Cai 18.500 đồng/kg, phân NPK Phú Mỹ 16.000 đồng/kg, NPK Russian 16-16-16 giá 16.500 đồng/kg…
Giá phân bón tăng cao đang khiến người nông dân lỗ nặng
Đây là lần thứ 3 liên tiếp từ sau Tết Nguyên đán, giá các loại phân bón như Urê, DAP, NPK, Kali…đồng loạt tăng. So với tháng 2, giá phân bón hiện đã tăng từ 5 đến 8%. Có loại biến động giá theo tuần, như Kali sau khi liên tục tăng vọt.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, giá các loại phân bón đang ở mức cao nhất trong khoảng 50 năm trở lại đây. Từ năm ngoái đến nay, giá phân DAP tăng 46% và hiện có giá trung bình 874 USD/tấn; phân MAP lên tới 935 USD/tấn (tăng 44%); Kali khoảng 815 USD/tấn (tăng 102%). Theo ông Trung, thị trường phân bón thế giới đang chịu ảnh hưởng nặng nề do gián đoạn nguồn cung một phần do xung đột giữa Nga - Ukraine. Với phân kali, nguồn cung bị ảnh hưởng do cả Nga và Belarus chiếm gần 50% lượng kali cung cấp trên toàn thế giới.
Trong 2 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu 706.769 tấn phân bón. Riêng lượng phân bón nhập khẩu từ Nga trên 73.800 tấn, trị giá trên 40 triệu USD (chiếm trên 10% về khối lượng và gần 12% về giá trị so với tổng lượng phân bón nhập khẩu), trong đó, nhập khẩu nhiều nhất là phân kali, chiếm trên 18% tổng khối lượng kali nhập khẩu. Việc gián đoạn nguồn cung này dẫn tới giá bán phân bón trong nước tiếp tục tăng cao.
Doanh nghiệp phân bón lãi khủng
Trái ngược với những hình ảnh oằn mình gánh các chi phí khi giá phân bón lập đỉnh, năm 2021 các DN trong ngành đạt mức lợi nhuận kỷ lục chưa từng có. Đơn cử, Công ty Cổ phần Phân bón và Hóa chất Dầu khí - Đạm Phú Mỹ ước tính đạt tổng doanh thu lên đến 12.826 tỷ đồng (tăng 63%) và lợi nhuận trước thuế khoảng 3.600 tỷ đồng (tăng 324%). Đây cũng là năm lợi nhuận của Đạm Phú Mỹ cao nhất trong 10 năm qua.
Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau - Đạm Cà Mau đạt lợi nhuận sau thuế 1.917 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với năm 2020. Trong khi đó, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đạt lợi nhuận sau thế khoảng 191 tỷ đồng, gấp 6 lần so với năm 2020. Năm 2021, các DN trong nước xuất khẩu 1,35 triệu tấn phân bón, thu về 560 triệu USD.
Hàng loạt các chi phí đầu vào liên tục “nhảy múa” cũng khiến nông dân đứng ngồi không yên. Ông Nguyễn Huy Minh (Võ Nhai, Thái Nguyên) cho biết, hơn 30 năm trồng chè, chưa bao giờ thấy buồn rầu vì giá phân bón liên tục mạnh như hiện nay. Để mua 1 bao phân NPK về bón cho chè, hiện gia đình ông phải bỏ ra 1-1,5 triệu đồng. Trong khi từ năm ngoái đến nay, giá chè rớt hơn một nửa, chỉ khoảng 1.500 đồng/kg. “Tính ra một bao phân bón hiện tương đương khoảng 1 tấn chè. Riêng tiền mua phân giờ đã ngốn hết tiền chè. Chưa kể, tiền thuê người thu hái, công chăm sóc. Với giá phân như thế, chúng tôi lỗ nặng. Sắp tới, gia đình phải bỏ trống đồi”, ông Minh nói.
Ngăn “té nước theo mưa”
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Vũ Duy Hải, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Vinacam cho rằng nguyên nhân khiến giá phân bón tăng cao xuất phát từ chênh lệch cung cầu trong nước. Hiện, giá phân bón trên thị trường thế giới tăng rất mạnh, đặc biệt là sau khi Trung Quốc và Nga hạn chế xuất khẩu phân bón, nhiều DN Việt đã tận dụng thời cơ để xuất khẩu. “Việc này dẫn đến nguồn cung trong nước thiếu. Khi đó, DN tiếp tục nâng giá bán té nước theo mưa để được lợi cả đôi đường”, ông Hải nói.
Ông Hải cho rằng, để giảm nhiệt giá phân bón, Chính phủ cần áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngừng xuất khẩu. Hiện nay, gần 100% thị phần phân bón xuất khẩu nằm trong tay các DN Nhà nước. Việc hạn chế xuất khẩu là khả thi. Ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, chi phí phân bón chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản xuất, tới 50% và giá dự báo còn tiếp tục tăng. Do đó, Việt Nam sớm có chính sách điều tiết, kìm giá phân bón để hỗ trợ nông dân.
Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, trước tình trạng nguồn cung nhập khẩu phân bón đang bị ảnh hưởng, Bộ NN&PTNT khuyến cáo các DN chủ động tìm kiếm nguồn cung thay thế nguồn cung từ thị trường Nga và Belarus, đặc biệt là phân kali.
Nguồn: [Link nguồn]
Sau thương vụ mua lại hệ thống nắm 10% thị phần bán lẻ ô tô, ôm trùm BOT này tiếp tục gây bất ngờ khi lấn sân sang lĩnh vực BĐS hạng sang.