Nông dân nhổ bỏ, người tiêu dùng vẫn phải mua nông sản giá cao

Sự kiện: Kinh Doanh

Không chỉ có củ cải, nhiều loại nông sản như xà lách, su hào, bắp cải… cũng đang rơi vào thảm cảnh giá rẻ như cho khiến cho người nông dân “chán chẳng buồn bán”, thậm chí phải nhổ bỏ. Trong khi đó, người tiêu dùng vẫn phải mua rau với mức giá cao gấp 5, thậm chí gấp 10 lần so với giá rau tại vườn.

Nông dân nhổ bỏ, người tiêu dùng vẫn phải mua nông sản giá cao - 1

Người dân phải bán tống, bán tháo, thậm chí nhổ bỏ vì nông sản giá rẻ. Ảnh: K.O

Người tiêu dùng vẫn phải mua rau giá cao

Những ngày này, về các làng rau trên địa bàn Hà Nội như Thanh Trì, Từ Liêm, Sóc Sơn,... nỗi buồn hiện rõ trên nét mặt những người nông dân khi rau xanh rớt giá thê thảm. Cụ thể, tại vùng chuyên canh rau quả tại tổ dân phố Phúc Lý (phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), giá su hào tại ruộng dao động ở mức 500 – 1.000 đồng/củ; bắp cải 1.000 đồng/kg; xà lách 1.000 đồng/kg;…Tại nhiều ruộng rau dù đã đến độ thu hoạch nhưng người nông dân cũng chẳng buồn thu hoạch vì mức giá quá rẻ, không đủ bù công sức bỏ ra.

Có một nghịch lý là, trong khi người nông dân phải bán tống, bán tháo thì người tiêu dùng vẫn phải chấp nhận mua rau với mức giá cao gấp 5, thậm chí gấp 10 lần so với giá rau tại ruộng.

Cụ thể, tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội như Cầu Diễn (quận Bắc Từ Liêm), Đồng Xa (quận Cầu Giấy), Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) giá củ cải giao động ở mức 8.000 – 10.000 đồng/kg, bắp cải 5.000 – 7.000 đồng/kg, su hào 3.000 – 4.000 đồng/củ; xà lách 10.000 – 12.000 đồng/kg…

Tại các siêu thị, các cửa hàng thực phẩm sạch giá rau xanh còn tăng lên gấp bội. Cụ thể, tại siêu thị Fivimart bắp cải Mộc Châu được bán với giá 16.000 đồng/kg; khoai tây 19.000 đồng/kg; su hào 7.000 đồng/củ; các loại rau như cải xanh, cải xoong, mồng tơi có giá 5.900 đồng/túi,...

Được gắn mác rau sạch, rau hữu cơ, giá rau tại các cửa hàng thực phẩm sạch còn cao gấp 10, 20 lần so với giá rau tại ruộng. Tại hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển, củ cải VietGap được bán với giá 31.000 đồng/kg; bắp cải 19.000 đồng/kg; xà lách xoăn 31.5000 đồng/kg, su hào 31.500 đồng/kg…

Còn tại hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch Clever Food, xà lách xoăn có giá 55.000 đồng/kg; xà lách thủy canh 80.000 đồng/kg; củ cải hữu cơ có giá 32.000 đồng/kg, su hào Đà Lạt 55.000 đồng/củ; bắp cải 33.000 đồng/kg...

Các khâu trung gian thu lợi quá nhiều

Nông dân nhổ bỏ, người tiêu dùng vẫn phải mua nông sản giá cao - 2

Tại các siêu thị, các cửa hàng giá rau vẫn ở mức cao chót vót.

Nguyên nhân của tình trạng trên được chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú – nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội lý giải: “ Thứ nhất, do việc tổ chức sản xuất của chúng ta vẫn còn kém. Quy trình sản xuất của người nông dân Việt manh mún, thiếu thông tin, thiếu hiểu biết, họ sản xuất đại trà, không có hóa đơn, không bao tiêu, không có kế hoạch. Mà trách nhiệm ở đây thuộc về Bộ NN&PTNT kết hợp với Bộ Công thương.

Nguyên nhân thứ 2 là sự kết nối thành chuỗi của hệ thống phân phối vẫn còn yếu, phân phối lợi nhuận theo chuỗi không hợp lý. Một sản phẩm phân phối qua quá nhiều khâu trung gian, cộng với chi phí vận chuyển, chi phí bán lẻ đã đội giá thành lên rất nhiều, khiến người tiêu dùng chịu thiệt.

Nguyên nhân thứ 3 là do thiếu sàn giao dịch hàng hóa, chợ đầu mối. Ông Phú lấy ví dụ tại Hàn Quốc, người nông dân trồng khoai lang còn biết ngày hôm đó bán khoai ở đâu tốt nhất, giá cao nhất, bởi họ có sàn giao dịch nông sản. Còn tại Việt Nam, nhiều nơi nông dân bị ép giá đến tận vườn.

Thứ 4 là do, những sản phẩm nông sản làm ra thừa lỗi do người nông dân 1 phần nhưng nhà nước phải có khâu thu mua, dự trữ, chế biến.

Cuối cùng là vấn đề kiểm soát hàng lậu về nông sản. Thời kì giá nông sản trong nước cao, nông sản Trung Quốc nhập lậu về rất nhiều, Tất cả những lý do đó khiến cho giá nông sản luôn luôn bấp bênh, cuối cùng là người nông dân chịu thiệt, không biết kêu ai.

Trước thực trạng trên, ông Phú cũng kiến nghị một số giải pháp: “Trước hết nhà nước cần có những chính sách hợp lý để tổ chức lại sản xuất, phát triển hệ thống phân phối cũng như luật hóa các mối quan hệ về lợi nhuận giữa các khâu mà trên hết phải ưu tiên lợi nhuận của người sản xuất. Chúng ta cũng cần phải xây dựng hệ thống hạ tầng cho thương mại như sàn giao dịch hàng hóa. Nhà nước cũng cần có dự trữ chiến lược; xây dựng công nghiệp chế biến; chống buôn lậu gian lận thương mại về nông sản; giảm bớt các chi phí cho sản xuất và phân phối để cạnh tranh với hàng nông sản Thái Lan và Trung Quốc. Làm được những điều đó thì bàn tay Nhà nước phải vươn ra, doanh nghiệp phải vào cuộc” ông Phú nhấn mạnh.

Về việc siêu thị đứng ra thu mua “giải cứu” củ cải, ông Phú nhận định đó là hành động tốt nhưng còn hơi muộn. “Tại sao ngay từ đầu các siêu thị không chủ động thu mua cho bà con, đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm mà phải đến khi báo chí phản ánh mới vào cuộc. Cần “anten” của các siêu thị vẫn còn quá chậm”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kim Oanh (Gia đình & Xã hội)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN