Nông dân “mất trắng” vì vườn dừa bị sâu ăn trơ trụi
Nhìn vườn dừa cháy lá, quả rụng gần hết, nhiều người dân không khỏi xót xa vì năm nay lại không thu được đồng nào.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bến Tre, diện tích cây dừa trên địa bàn khoảng 79.078 ha. Lũy kế diện tích dừa bị nhiễm sâu đầu đen đến nay đã lên đến 2.712,37 ha. Trong đó, lũy kế diện tích phục hồi sau khi thực hiện các biện pháp phòng trừ hóa học và sinh học là 2.203,96 ha, diện tích dừa đốn bỏ do bị sâu đầu đen gây hại là 93,95 ha.
Tính đến nay, sâu đầu đen đã tấn công vườn dừa tại Bến Tre được khoảng 3 năm nay, gây thiệt hại kinh tế cho nhiều người dân.
Nhà ông Bằng (trú tại Giồng Trôm, Bến Tre) cho biết gia đình ông có khoảng 0,4ha vườn dừa nhưng thu nhập không đáng là bao. Vì sâu đầu đen tấn công khiến gia đình ông bỏ ra chi phí rất nhiều để phun xịt thuốc, giữ lại vườn dừa.
Vườn dừa bị sâu đầu đen tấn công khiến lá cháy, quả rụng gần hết.
“Tính trung bình, mỗi tháng, gia đình tôi sẽ thu được khoảng 4 triệu tiền bán quả dừa nhưng lại mất hơn 1 triệu để thuê người phun thuốc. Hơn 1 triệu đồng nữa, tôi lại để mua phân bón để chăm sóc cây. Tính ra, tiền thu từ vườn dừa còn lại không đáng là bao”, ông chia sẻ.
Năm ngoái, ông cũng tính thuê thuê vườn dừa rộng gần 1ha ở xã bên cạnh để khai thác quả. Nhưng chưa kịp đo đạc, đếm cây để tính toán tiền thuê, vườn dừa đó cũng bị sâu đầu đen đến ăn trơ trụi. Hiện, chủ vườn đó cũng để hoang, cỏ mọc đầy.
“Cũng phải 3 năm rồi, dân trồng dừa chúng tôi dường như mất hết thu nhập, thiệt hại không biết bao nhiêu mà nói. Ở dây, hầu hết nhà nào cũng trồng đừa, mấy nhà quanh tôi cũng trồng dừa và đều bị cháy lá hết”, ông nói.
Nhiều hộ dân gần như mất trắng thu nhập từ vườn dừa.
Nhà bà Thủy – cạnh nhà ông Bằng, trồng hơn 0,1ha dừa nhưng năm nay cũng mất trắng vì sâu đầu đen phá hoại hết vườn dừa. Khu vườn gần như cháy hết lá, quả đã rụng gần hết.
“Mới bị sâu tấn công 2 tháng thôi mà tan nát hết. Chắc giờ tôi đốn cây rồi để hoang vườn thôi, chờ khi nào dịch hết thì tôi mới dám trồng lại”, bà Thùy cho biết.
Gia đình bà Tư (trú tại Giồng Trôm, Bến Tre) may mắn hơn vì giữ được vườn dừa của gia đình, diện tích 0,1ha. Để giữ được vườn dừa xanh, tháng nào bà cũng thuê người xịt thuốc sâu 2 lần, chi phí thuê người và thuốc rất tốn kém.
“Xịt thuốc ảnh hưởng sức khỏe lắm nhưng không làm thì cây chết cũng mất nguồn thu. Năm ngoái, quả bị rụng rất nhiều, cây cũng chưa phục hồi được nên năng suất năm nay ảnh hưởng”, bà cho hay.
Cán bộ địa phương cũng cho biết sâu đầu đen đã phát sinh ở địa phương gần 3 năm nay, tuy nhiên mọi điểm dịch đều bị khống chế. Khi một vườn xuất hiện sâu, ấp sẽ cho người đến phun xịt thuốc với giá mỗi lượt phun cho mỗi cây dừa là 5.000-7.000 đồng.
Không riêng gì huyện Giồng Trôm, sâu đầu đen cũng tấn công các vườn dừa ở huyện Châu Thành, huyện Bình Đại (tỉnh Bến Tre).
Nhiều nhà dân chọn cách chặt bỏ dừa, đợi hết dịch sẽ trồng lại.
Theo những người trồng dừa ở Bến Tre cho hay, loại sâu đầu đen làm kén trú ngụ dưới lá dừa nên phun xịt rất khó khăn. Sâu ăn hết biểu bì màu xanh làm lá mỏng và khô. Chúng ăn hết lá già đến lá non, đến quả. Những cây dừa con mới nhô khỏi mặt đất vài ba tấc cũng ăn trụi hết. Mặc dù nông dân áp dụng quyết liệt các biện pháp phòng trị bệnh sâu đầu đen hại dừa nhưng vẫn chưa khống chế được.
"Chúng tôi cũng được các kỹ sư nông nghiệp hướng dẫn phun xịt nhưng cây quá cao nên phương pháp này không ăn thua. Gia đình tôi thiệt hại một nửa vườn dừa", ông Bình (trú tại huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) chia sẻ.
Loại chanh này đã có người nước ta lựa chọn trồng làm kinh tế, bán giá đến 3 triệu đồng/kg.
Nguồn: [Link nguồn]