Nông dân lo phải đổ sữa ra đường

Trong khi trẻ em Việt Nam phải uống sữa đắt nhất nhì thế giới thì 350 hộ nông dân xã Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội lại đang đứng trước nguy cơ phải đổ sữa ra đường do không có nơi tiêu thụ.

Xa vời giấc mơ làm giàu

Từ tháng 12/2014 đến nay, nông dân ở xã Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội) đang thấp thỏm lo lắng với tương lai đầu ra cho sản phẩm sữa. Về xã Phù Đổng vào một ngày đầu năm 2015, đón tôi là không khí ảm đạm của những hộ dân chăn nuôi bò sữa. Vẫn đều ngày 2 bữa: sáng và tối, người dân tới các trạm trung chuyển để bán sữa cho nhà máy nhưng nét mặt ai cũng lộ vẻ căng thẳng, mệt mỏi. Chị H. (nông dân xã Phù Đổng cho biết), một tháng trở lại đây, không hiểu vì lý do gì, các công ty siết chặt việc mua sữa, sữa thừa sản lượng không mua, khiến nhiều nông dân phải chạy vạy ngược xuôi, có lúc ra quốc lộ bán với giá rẻ.

Nông dân lo phải đổ sữa ra đường - 1

Một số hộ nông dân đang tìm phương án bán đàn bò sữa.

Không chỉ bị siết chặt hạn mức nhập, giá sữa trong xã cũng có sự chênh lệch. Theo thống kê mới nhất, một ngày xã Phù Đổng sản xuất được từ 13 tấn - 15 tấn sữa, trong đó Công ty sữa Quốc tế (IDP) thu mua 43% lượng sữa, Công ty sữa Vinamilk chiếm số lượng còn lại.

Theo anh Vũ Văn Thực, trạm trưởng trạm trung chuyển sữa Vinamilk xã Phù Đổng thì giá hiện tại được công ty nhập vào là 14.000 đồng/kg với loại sữa đạt chất lượng. Trong khi đó, IDP lại đưa ra mức giá chỉ 12.200 đồng/kg. Anh Vũ Văn Thắng, trạm cung cấp sữa cho IDP cho biết: Đơn giá thấp đã áp dụng từ tháng 10/2014, để đảm bảo quyền lợi cho nông dân, gia đình đã tự bỏ tiền túi để bù cho nông dân với mức giá 13.000 đồng/kg, nhưng về lâu về dài thì không thể tiếp tục được. Giá thấp, công ty sữa còn không nhập thêm sản phẩm sữa thừa của nông dân, mặc dù mùa đông đang là thời điểm bò sinh sản nhiều, sữa đạt sản lượng cao.

Ông Nguyễn Hữu Hòa, Chủ tịch HTX Dịch vụ Chăn nuôi Phù Đổng cho biết, thời gian gần đây Cty thu mua sữa cắt giảm nhiều hỗ trợ khiến giá sữa thấp, đặc biệt họ còn khống chế số lượng sữa mà không rõ lý do gây hoang mang cho người dân. “Tôi phải thông báo với xã viên, ai có nguồn riêng thì nên chủ động bán chỗ khác. Nhưng đã là tình hình chung thì cũng không bán đi đâu được”, ông Hòa thở dài. Đến nay, HTX dịch vụ chăn nuôi xã Phù Đổng chỉ còn trên 30 hộ nông dân, thu gom 3 tạ/ngày. Tuy nhiên, sữa hàng ngày vẫn thừa, phải để vào tủ bảo ôn trong vòng 1 tuần, tủ chứa ngày càng đầy ứ mà sữa thừa vẫn ngày một nhiều thêm.

Lại đổ sữa ra đường?

“IDP đã có ý muốn chúng tôi tự lo sản phẩm sữa của mình, nhưng các công ty khác đều không muốn nhận, nếu cứ tiếp tục, tương lai đổ sữa ra đường giống năm 2009 khi xảy ra vụ sữa Trung Quốc bị nhiễm melamine rất gần”, anh Hướng Dương, trưởng trạm thu mua sữa của IDP nói. Hiện nay, các trạm sữa đã chủ động liên hệ với các công ty thu mua khác như: Hanoimilk, Vinamilk... tuy nhiên các đơn vị này chỉ nhập thêm cho một số hộ dân mới nuôi bò, với các hộ nông dân hiện đang cung cấp cho IDP thì không có chính sách.

Các chủ bồn sữa cho biết, Công ty IDP thông báo sắp tới có thể sẽ ngừng thu mua tại các vùng khác và chỉ thu mua tại địa bàn Ba Vì.

Không hiểu vì lý do gì mặc dù chất lượng sữa vẫn đảm bảo mà gần đây các công ty sữa lại “quay lưng” với nông dân, những người đang đóng góp lợi nhuận hàng ngày cho họ. Những viễn cảnh xóa nghèo, làm giàu mà doanh nghiệp thu mua sữa hứa hẹn với người nông dân trước đây dường như đã nhạt phai. Nhiều người dân đồn đoán, các công ty không muốn sản xuất sữa tươi, bởi nhập nguyên liệu sữa bột hiện giờ vừa rẻ, vừa bảo quản tốt, có thể chế biến nhiều loại sữa khác siêu lợi nhuận.

Một nông dân tại Phù Đổng nhẩm tính, đầu vào cái gì cũng tăng cao, thức ăn chiếm 70% giá thành, chưa kể công xá, khấu hao, lãi vay ngân hàng... chi phí ra 1kg sữa lên đến hơn 10.000 đồng. Cộng thêm sữa thừa, nhà máy không nhập thì mỗi ngày nhà anh lỗ cả triệu đồng. Sữa đang là nguồn thu chính của gia đình, nếu cứ tiếp tục thế này, anh phải tính phương án bán đàn bò sữa, chuyển lĩnh vực kinh doanh khác để kiếm sống.

Từng nếm “sữa đắng”, anh Hồng, một chủ nhiệm HTX nuôi bò chua chát: “Mới tháng trước, trang trại chuyển hàng, thừa 2 tạ sữa, năn nỉ công ty cũng không nhập, chúng tôi đứt ruột đổ sữa xuống ruộng”. Cũng vì thế, nhiều nông dân trong vùng đã tự ý bỏ trạm, không cung cấp sữa theo hợp đồng để đem bán cho các thương lái bên ngoài. Cùng chuyến hàng, có nông dân phải cắn răng bán lại sữa cho nhà máy trên Ba Vì với giá... 4.000 đồng/kg (bằng 1/3 giá thị trường), phải tự lo vận chuyển.

Theo ông Tạ Văn Tường, Giám đốc Trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội thì đơn vị đã có một số buổi làm việc với các công ty sữa để tìm lối ra cho sản phẩm của nông dân. Các công ty sữa cho rằng, một số hộ nông dân không ký hợp đồng với công ty, đến mùa đông sản lượng sữa tăng, người dân thừa sữa mới quay lại “đòi hỏi” doanh nghiệp nhập toàn bộ. Trong khi vào mùa hè, doanh nghiệp cần nhiều sữa thì nông dân lại ham lợi, tự ý bán ra bên ngoài để lấy giá cao hơn. Tuy vậy, Công ty sữa Hà Nội (Hanoimilk) đã nhận lời thu mua một phần sản phẩm sữa dư cho nông dân.          

Theo một chuyên gia ngành sữa, một lý do quan trọng dẫn đến đa số công ty chế biến sữa Việt Nam siết chặt việc mua sữa bò tươi của nông dân là do hiện giá sữa tươi mà các công ty VN mua ở mức cao hơn 40-50% so với giá sữa nguyên liệu thế giới. Giá sữa bột nguyên liệu thế giới có mức giảm kỷ lục trong năm 2014, từ 3.700 euro/tấn thời điểm tháng 1/2014 thì đến nay giá chỉ còn 2.200 euro/tấn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Hoàng (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN