Nông dân dọa bỏ cây vải sạch

Đã sát đến mùa thu hoạch vải thiều, nhưng các vườn vải sạch vẫn thiếu các đơn hàng đặt mua. Cũng vì thế, nhiều hộ nông dân tham gia dự án ở huyện  Lục Ngạn (Bắc Giang) cho biết, nếu vụ này không bán được hàng, họ sẽ tự ra khỏi dự án. 

Không bán được vải sẽ bỏ dự án

Thực hiện kế hoạch triển khai xuất khẩu vải thiều sang Mỹ, năm nay huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã tiến hành điều tra, khảo sát hơn 300 hộ dân trồng vải tại xã Hồng Giang (huyện Lục Ngạn), trên cơ sở đó đã lựa chọn được 109 hộ dân với diện tích hơn 60ha tại 3 thôn: Kép 1, Ngọt, Phương Sơn để cấp mã vùng xuất khẩu vải thiều. Theo ông Lê Bá Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ vải ra hoa và đậu quả tại các diện tích trên đã đạt trên 90%. Vùng sản xuất vải thiều xuất khẩu sang Mỹ tại xã Hồng Giang cũng đã xây dựng được mã số vùng trồng theo yêu cầu của Mỹ. “Các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng nhãn có quy mô từ 10ha trở lên trong một vùng không gian gần kề tại các thôn Kép 1, Ngọt, Phương Sơn được cấp mã số. Những mã số đó sẽ giúp các nhà nhập khẩu Mỹ truy xuất được nguồn gốc sản phẩm”- ông Thành cho biết.

Nông dân dọa bỏ cây vải sạch - 1

Đoàn công tác Bộ NNPTNT khảo sát, tham quan thực tế vùng sản xuất vải thiều xuất khẩu ở xã Hồng Giang, Lục Ngạn, Bắc Giang vào ngày 24.4 vừa qua. Ảnh: Trần Quang

Để đáp ứng được yêu cầu của phía Mỹ, nông dân vùng vải thiều VietGAP thuộc 3 thôn đã quy hoạch lại vườn, khu chăn nuôi, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật đúng nơi quy định; ghi nhật ký làm vườn đầy đủ theo hướng dẫn. Với hơn 400 gốc vải thiều, bà Phạm Thị Nhàn ở thôn Kép 1 đã quen với quy trình sản xuất sản phẩm sạch. Bà Nhàn cho biết: “Khi mới được chọn vào vùng vải xuất khẩu, chúng tôi chỉ mong đến vụ thu hoạch được mùa không lo mất giá và ế hàng như các năm trước nữa”. Theo bà Nhàn, dù đã áp dụng đúng tiêu chuẩn sản xuất vải sạch, nhưng hiện vụ thu hoạch đã đến rất gần vẫn chưa có đơn vị nào đến đặt hàng. “Phía lãnh đạo chính quyền địa phương cũng không thấy đả động gì đến việc tiêu thụ, nên bà con rất lo”- bà Nhàn chia sẻ.

Cùng nỗi lo với bà Nhàn, hộ anh Trần Văn Nam ở xã Hồng Giang trồng 300 gốc vải thiều, hiện đều được anh áp dụng trồng và chăm sóc theo chuẩn xuất khẩu. Anh Nam cho biết: “Mọi kỹ thuật trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn chúng tôi đều làm hết cả, nhưng vẫn chưa thấy chính quyền nói gì đến việc thu hoạch và xuất khẩu như đã hứa. Qua vụ vải 2015 này, nếu vẫn để người trồng tự lo tiêu thụ thì e rằng những năm sau bà con chúng tôi sẽ không còn mặn mà tham gia vào dự án nữa”.

Ông Giáp Văn Thành – Nhóm trưởng nhóm sản xuất vải thiều xuất khẩu ở thôn Kép 1 cho biết: “Nhóm có 35 thành viên sản xuất diện tích 10ha vải thiều qua kiểm tra của cán bộ kỹ thuật đều đáp ứng đúng, đủ quy trình đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, nhưng các hộ đang rất lo, vì sợ lại phải bán vải cho… Trung Quốc với giá rẻ mạt”.

Sẽ có giải pháp tiêu thụ hết

Ông Đinh Văn Hưng – Uỷ viên Hiệp hội Tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn cho biết, nếu xét về hình thức thì vải thiều trồng theo đúng quy trình VietGAP lại có mẫu mã… xấu hơn vải thường như màu không được đỏ tươi. Nguyên nhân do vải thiều VietGAP trồng đúng quy trình, không được phun thuốc bảo vệ thực vật, còn vải thường có thể phun tự do hơn, thậm chí cách thu hoạch 15 ngày vẫn phun nên mẫu mã luôn đẹp hơn. “Năm ngoái, khi thu mua vải xuất sang Trung Quốc, chúng tôi đã phải bù lỗ vải thiều VietGAP tới 2.000 đồng/kg do mẫu mã vải VietGAP xấu hơn vải trồng theo phương pháp truyền thống”- ông Hưng nói.

Với các thương lái xuất khẩu vải đi Trung Quốc, nếu hỏi họ thì hầu hết đều kêu là khó tiêu thụ, giá vải bên Trung Quốc giả rẻ lắm... Nhưng sự thực là như năm ngoái, họ cứ kêu thế, đến cuối cùng có người vẫn nói đi buôn vải lãi được 3 tỷ đồng. Họ chỉ kêu để mua được giá rẻ. 

Ông Trần Quang Tấn

Trước những băn khoăn, lo lắng của người dân, ông Trần Quang Tấn – Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn khẳng định, vải thiều đã trồng theo VietGAP và GlobalGAP chắc chắn sẽ cao hơn giá thị trường 10%. Ông Tấn khẳng định: “Từ các bộ, ngành đến tỉnh, huyện đều có chủ trương ngay từ đầu vụ hỗ trợ người dân quy trình sản xuất, cấp 6 mã vùng, 50% tiền thuốc bảo vệ thực vật và tuyệt đối nghiêm cấm 5 loại hoạt chất Mỹ cấm sử dụng. Chúng ta đã sản xuất được sản phẩm sạch rồi, thì không lo đầu ra, người dân hoàn toàn có thể yên tâm với vải thiều sạch của mình. Hiện tại, các bộ, ngành đã có giải pháp hết, vải thiều còn chưa tới thời điểm thu hoạch nên cần nhất quán áp dụng sản xuất sạch để đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu”.

Theo UBND huyện Lục Ngạn, số lượng vải thiều được cấp mã vùng để xuất khẩu chỉ có 60,38ha với sản lượng khoảng 500 tấn, trong đó riêng Mỹ đã cấp “quota” tới 600 tấn, ngoài ra hiện Vietnam Airlines cũng đang có chủ trương sẽ đưa vải thiều làm món tráng miệng lên tất cả các chuyến bay đi châu Âu, Mỹ. Do đó, ông Tấn kêu gọi, người trồng vải sạch yên tâm, tới lúc vải chín, chắc chắn giá vải sẽ bán được cao hơn 10% so với vải thiều trên thị trường.

Trao đổi với NTNN, ông Vũ Đình Phượng – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bắc Giang cũng cho biết: “Dù Mỹ, Úc và một số nước khác đã mở cửa cho vải thiều của tỉnh Bắc Giang nói riêng và của nước ta nói chung, nhưng trước mắt chúng ta cũng phải xác định rằng chưa thể xuất được số lượng lớn vải thiều vào các thị trường mới mở này mà vẫn phải phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và nội địa”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Quang - Thanh Xuân ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN