Nông dân bỏ ruộng: Không còn thiết tha với đất

Sau Tết Giáp Ngọ, dường như đã quá chán nản với việc làm ruộng vất vả mà thu nhập quá thấp, nông dân nhiều địa phương đã tỏ ra chán đồng ruộng, và tình trạng bỏ ruộng diễn ra khắp nơi.

Như thường lệ, sau Tết Nguyên đán là thời điểm bà con nông dân miền Bắc hăng hái ra đồng để gieo cấy vụ lúa xuân.

Song sau Tết Giáp Ngọ, dường như đã quá chán nản với việc làm ruộng vất vả mà thu nhập quá thấp, nông dân nhiều địa phương đã tỏ ra chán đồng ruộng, và tình trạng bỏ ruộng diễn ra khắp nơi.

Có cán bộ địa phương đã xót xa nhận xét về tình trạng người nông dân chán ruộng như thế này: “Nếu trước đây bà con tranh nhau làm ruộng, từng cái ao, bờ mương cũng xanh mướt màu lúa, thì bây giờ ngược lại, người ta lại tranh nhau bỏ ruộng”.

Ngày càng nhiều hộ bỏ ruộng

Dưới cái rét cắt da, cắt thịt của những ngày sau tết, chúng tôi về xã Thiệu Giao (Thiệu Hóa, Thanh Hóa) và ghi nhận trên cánh đồng chỉ lác đác vài người làm đất, nhổ cỏ để chuẩn bị gieo cấy vụ xuân, còn lại nhiều thửa ruộng vẫn chưa được làm đất. Gặp ông Nguyễn Đình Đang – Trưởng thôn 4, ông thẳng thắn cho hay: “Cả thôn tôi có 173 hộ, trong đó 110 hộ có ruộng với diện tích 26,1ha. Ruộng ít là vậy, nhưng vụ này đã có khoảng 6ha bị nông dân bỏ hoang, thậm chí có hộ bỏ tới cả 1-2 mẫu ruộng, còn các nhà bỏ vài sào thì nhiều”.

Nông dân bỏ ruộng: Không còn thiết tha với đất - 1

Những thửa ruộng trước đây được coi là “bờ xôi, ruộng mật” nay biến thành bãi chăn thả trâu bò. Ảnh chụp tại xã Thiệu Giao, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa

Theo ông Đang, tình trạng nông dân bỏ ruộng đã xảy ra từ vài năm nay và hiện đang là “cao điểm: Nông dân bỏ ruộng có nhiều nguyên nhân, trong đó có phần do ruộng của thôn đa số nằm ở khu cuối kênh 69, giáp với chân núi, chân ruộng cao, xấu, khó lấy nước; phần nữa là do ruộng tiếp giáp với các xã Thiệu Đô, Thiệu Châu nên thường xuyên bị trâu bò, vịt phá... “Đó chỉ là những nguyên nhân phụ, bởi với người nông dân trước đây dù khó khăn mấy vẫn bám ruộng, bám đồng, còn giờ đây thanh niên trong thôn đã bỏ đi làm ăn xa hết, nhiều hộ thiếu lao động nên đành phải bỏ ruộng. Chưa kể, nếu không bỏ mà cố cấy cũng chỉ càng thêm lỗ do phân bón, thuốc trừ sâu ngày càng tăng giá”- ông Đang chia sẻ thêm.

Theo tìm hiểu của phóng viên NTNN, nếu số lượng nông dân bỏ ruộng là thiểu số, thì số hộ chán ruộng chiếm tỷ lệ đa số. Bởi dù chưa có hộ nào làm đơn trả ruộng, nhưng có nhiều hộ vẫn cố giữ ruộng bằng cách cho người dân xã khác thuê, thậm chí cho họ làm không để giữ ruộng hoặc tự mình bỏ tiền ra thuê cày cấy lấy gạo ăn cho gia đình, họ chỉ hy vọng sớm có dự án nào lấy đất ruộng để được hưởng tiền đền bù.

Như hộ bà Lê Thị Thiềng ở thôn 4, xã Thiệu Giao có 7 sào, nhưng chỉ làm 2 sào, bỏ không 5 sào. Chỉ tay lên mấy thửa ruộng cỏ mọc um tùm, bà Thiềng nói: “Hai năm trước tôi cho một anh ở xã Đông Cương thuê, với mức phí 6kg/sào để lấy lúa đóng phí bảo vệ, kênh mương, nhưng 2 vụ nay họ không làm nữa nên đành bỏ hoang. Anh tính, làm 1 sào ruộng đầu tư hơn triệu đồng, nhưng chỉ thu được độ 2 tạ thóc, nhân với giá 5.500 đồng/kg tính ra còn lỗ, thì làm mần chi”.

"Tôi đi lên thành phố làm thuê cũng được ngày 180.000 - 200.000 đồng, chỉ 3 ngày là đong được tạ thóc, thì làm ruộng làm gì cho mệt”.

Lê Thị Hoa

Cũng giống như bà Thiềng, bà Lê Thị Hoa ở cùng thôn trước đây cấy tới 1,2 mẫu ruộng, nhưng nay bà chỉ cấy 2 sào lấy lúa ăn cho đỡ phải đong, còn lại bỏ không ai muốn xin cấy thì cấy. Bà Hoa nói: “Chưa tính tiền giống, tiền phân bón, thuốc trừ sâu, công chăm sóc, chỉ tính công cày, bừa 300.000 đồng/sào, cấy 150.000 đồng/công (1 sào là 2 công), 200.000 đồng tiền gặt, 100.000 đồng thuốc trừ sâu thì cũng đã ngót triệu đồng rồi, mà cũng chỉ được 2 tạ thóc”.

Ông Lê Duy Thắng – Chủ tịch UBND xã Thiệu Giao thừa nhận, tình trạng nông dân bỏ ruộng ở xã đã xảy ra từ nhiều năm trước, xã cũng đã đến đôn đốc người dân cấy, nhưng vì làm ruộng không có lãi, nên nhiều hộ vẫn cứ bỏ ruộng để làm việc khác. “Cả xã có hơn 20ha ruộng nông dân bỏ cấy, với khoảng 185 hộ, trong đó tập trung từ thôn 1 đến thôn 6. Đây là những thôn có tỷ lệ con em đi làm ăn xa nhiều và đồng ruộng ở cuối tuyến kênh mương nên hơi khó lấy nước” – ông Thắng nói.

Bỏ tiền thuê cấy để giữ ruộng

Không phản ứng tiêu cực đến nỗi bỏ ruộng, nhưng nhiều hộ dân ở Bắc Ninh, Hải Dương đã phải “nhờ” người khác cấy ruộng hộ, thậm chí họ còn bỏ tiền ra đóng các khoản phí để người khác yên tâm cấy. Ông Đỗ Tất Nhật ở xóm Đồng Cỏ, thôn Liên Ấp, xã Việt Đoàn (Tiên Du, Bắc Ninh) có 8 sào ruộng, chán nản nói: “Làm ruộng giờ rất khó khăn, đã thế cứ gần đến mùa thu hoạch lại bị chuột và sâu bọ phá tan hoang. Thế nên, giờ có cho không ruộng cũng không có người muốn cấy”. Theo ông Nhật, ở xóm Đồng Cỏ này, nông dân bỏ ruộng thì không có, nhưng cho làm “rẽ” không công thì nhiều lắm.

"Hiện tỉnh Thanh Hóa có khoảng 1.104,7ha ruộng bị bỏ hoang của 10.500 hộ, thuộc 11 huyện, thị, thành phố như: Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Hà Trung, Quảng Xương, Nông Cống… Trong đó diện tích bỏ hoang là 886,75ha (của 8.359 hộ) và 218,95ha (của 2.183 hộ) xin trả”.

Ông Lê Như Tuấn

Tìm đến nhà ông cựu trưởng xóm Đỗ Tuấn Đạo, vừa nghe chúng tôi nhắc tới chuyện ruộng đồng, ông bảo ngay: “Giờ chúng nó (các con của ông Đạo - PV) bỏ ruộng đi làm công ty cả, để con lại cho 2 vợ chồng già trông đấy. Thời vụ năm nay đến rồi mà cả xóm yên ắng quá, chả thấy bà con hò nhau ra đồng tấp nập như trước kia nữa”.

Ông Đạo cho biết, cả xóm có 123 hộ, ruộng còn hơn 100 mẫu, nhưng cứ nói đến cấy hái là ai cũng chán. Không nói đâu xa, vụ mùa vừa rồi qua, nhà tôi cấy 7 sào ruộng, tự tay chăm sóc cẩn thận, nhưng do chuột phá, nên thu được có có vài tạ lúa, đến giờ không còn hạt thóc để ăn, phải đi đong ngoài đây. Trong xóm có nhiều gia đình chán ruộng, bỏ để cỏ mọc thì không đành, nên phải tìm người cho cấy “rẽ” không công, rồi tự bỏ tiền ra đóng thuế cho xã để giữ ruộng.

Đã gần hết tháng Giêng nhưng nông dân ở thôn La Giang, xã Văn Tố (Tứ Kỳ, Hải Dương) vẫn không thiết tha ra đồng làm đất để gieo cấy. Thậm chí, nhiều nông dân muốn bán ruộng nhưng không có ai mua, cho cũng không ai làm, buộc phải bỏ hoang cho cỏ mọc.

Ông Đặng Văn Năm – Trưởng thôn cho hay: “Nói về bỏ ruộng ở thôn tôi cũng phải nhiều nhất xã. Thôn có 511 hộ với 97ha ruộng cấy, thì hiện có khoảng 5ha bị bỏ hoang của chừng 20 hộ”. Theo ông Năm, các hộ bỏ ruộng đều là bất đắc dĩ, bởi đất quá chua và nằm quá xa, đường đi lối lại khó khăn, có cấy được lên cây lúa thì chuột cũng phá hết nên đành bỏ đất hoang cho cỏ mọc.

Anh Trần Văn Hậu - nông dân ở thôn La Giang góp chuyện: “Với những hộ có ruộng xấu, đất chua, chuột phá thì bây giờ bán còn chả ai mua, cho làm không cũng không ai dại mà lao đầu vào nhận làm cả”. Anh Hậu xòe bàn tay tính rồi nói, ở chỗ đất tốt, cấy hái được thì cũng phải tính toán chi li trên 1 sào ruộng từ trả công cày 200.000 đồng/sào, thuê cấy mất 200.000 đồng/ngày/người, cộng với tiền phân bón, thuốc trừ sâu 300.000 đồng/sào… tính ra đầu tư lên đến gần 1,5 triệu đồng/sào, nhưng khi thu hoạch tốt mới được 2 tạ thóc, tính với giá 700.000 đồng/tạ thóc khô thì còn âm nặng chứ không nói gì đến hòa vốn. “Mình làm nông dân, có ruộng thì phải làm, mà không làm ruộng thì làm gì” - anh Hậu thật thà nói.

Theo ông Chu Văn Nhung – Phó Chủ tịch UBND xã Văn Tố, số liệu thống kê chưa đầy đủ thì hiện diện tích ruộng bị bỏ hoang trên toàn xã khoảng 5ha. Xã đang tích cực vận động, kêu gọi nông dân chuyển sang cây trồng khác như mía, rau màu… chứ không thể để đất nằm không như vậy được.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Việt Tùng- Trần Quang (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN