Nông dân bỏ ra hàng trăm triệu ''mắc màn'' cho cam
Mỗi ha cây cam, anh Nguyễn Cảnh Hiếu ở xã Xuân Thành, Yên Thành, Nghệ An bỏ tiền ra để mua màn lưới về phủ bảo vệ. Nhờ có lớp màn lưới, cây cam tránh được ruồi, bướm sâu phá hoại và cho sản lượng cao, chất lượng tốt.
Ở xã Xuân Thành, vườn cam của gia đình anh Nguyễn Cảnh Hiếu (SN 1980) được xem là một trong những vườn cam lớn ở địa phương. Điều đặc biệt, hơn 4 ha cây cam của anh Hiếu đều được phủ kín bởi một lớp màn lưới.
Anh Nguyễn Cảnh Hiếu chia sẻ, 8 năm trước anh cùng 2 em trai bỏ tiền mua giống về trồng cam. Diện tích ban đầu chỉ vài ha rồi tăng dần theo từng năm. Đến nay, anh Hiếu đã có tổng cộng 7 ha trồng cam. Trong đó có 5 ha đã cho thu hoạch nhiều năm nay. Toàn bộ cam trong vườn được anh Hiếu trồng là giống cam xã đoài - đặc sản cam Vinh.
Những năm đầu trồng, cam bị ruồi vàng, sâu, bướm đến phá hoại khiến cây cam rụng đến 60% quả. Khi đến mùa thu hoạch, lượng quả chẳng còn là bao nhiêu nên lợi nhuận thu về không đạt.
Sau một thời gian học hỏi và tìm hiểu, anh Hiếu đã tìm ra cách mắc màn cho vườn cây cam để tránh tác hại của thiên nhiên, sâu bọ. Từ đó, vườn cam sẽ cho năng suất và đạt chất lượng tốt hơn.
Nghĩ là làm, anh Hiếu bỏ tiền ra mua từng cuộn lưới nhỏ về rồi khâu lại để tạo thành một tấm màn lưới lớn rộng cả nghìn mét vuông. "Tính ra mình bỏ chi phí gần 300 triệu đồng để phủ màn cho vườn cam, một vườn rộng 2,5 ha, 1 vườn rộng 1,5 ha. Mỗi năm còn phải thuê nhân công mắc màn rồi thu màn để cất bảo quản", anh Hiếu chia sẻ.
Anh Hiếu cho hay, màn lưới phủ cam rất hữu ích, giúp tránh ruồi vàng, sâu, bướm. Ngoài ra, nhờ lớp màn lưới có thể giúp cây tránh thời tiết quá nắng hoặc mưa quá nhiều, quá lạnh. Nhờ đó, giúp cây phát triển tốt, cho ra quả nhiều hơn, chất lượng cam ngon hơn.
"Mỗi khi cam bắt đầu chín thì sâu bướm, ruồi vàng nghe thấy mùi thơm nên đến tấn công khiến cam rụng đến 60% quả. Từ khi được phủ màn lưới thì không còn sâu bọ, ruồi vàng tấn công nữa. Mình cũng không cần dùng đến thuốc sâu, thuốc bảo vệ thực vật gì cả. Nhờ đó năng suất cam tốt hơn, chất lượng đảm bảo", anh Hiếu chia sẻ.
Những cây cam được bọc kín trong lớp màn lưới khổng lồ. Thông thường mỗi khi cam bắt đầu chín thì anh Hiếu thuê nhân công phủ lưới lên vườn. Đến khi cam thu hoạch xong thì thu lưới về bảo quản. Sau 3 năm sử dụng, lớp màn lưới có nhiều điểm thủng nên anh Hiếu phải thường xuyên kiểm tra để vá lại kịp thời, tránh sâu bọ và ruồi chui vào tấn công.
Nhờ phủ màn lưới nên năm nay vườn cam của anh Hiếu đạt năng suất cao. Với 5 ha cây, dự tính cho thu hoạch khoảng 80 tấn cam. Giá bán hiện tại từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, dự tính sau khi bán hết và trừ các chi phí sẽ mang lại lợi nhuận cho gia đình anh Hiếu khoảng 1,5 tỷ đồng.
Hiện cam đang vào đợt thu hoạch nên anh Hiếu phải thuê 2 nhân công túc trực hàng ngày để hái cam cho khách. Dịp sát Tết, nhu cầu cao, lượng khách mua nhiều nên anh Hiếu thường phải thuê từ 10-15 nhân công túc trực để hái cam bán.
Vườn cam ông Nguyễn Đình Ân (SN 1974, chủ trại cam Ân Thơm, xã Đồng Thành, huyện Yên Thành) năm nay được mùa, năng suất cao và chất lượng tốt nhờ mắc màn lưới cho toàn bộ 2ha vườn cam. Ông Ân cho hay, mỗi ha cây cam, ông bỏ hơn 60 triệu đồng để mua màn lưới về phủ cho vườn cam. "Phủ màn lưới sẽ giúp vườn cam mình tránh được sâu bướm, ruồi vàng. Đây là kẻ thù của cam. Có màn lưới rồi nên mình không cần phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phun cho cây nữa", ông Ân nói.
Năm nay vườn cam của ông Ân dự tính cho thu hoạch khoảng 30 tấn cam mỗi ha. Với giá bán trung bình 30.000 đồng/kg, ông Ân dự tính thu nhập khoảng nửa tỷ đồng sau khi trừ các chi phí.
Bà Đinh Thị Linh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Thành - cho hay, phương pháp mắc màn cho vườn cam rất hữu ích. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư lớn nên chỉ một số ít trang trại áp dụng để sản xuất. "Việc mắc màn lưới cho vườn cam rất hiệu quả, tránh được các loại sâu bọ gây hại cho vườn cam. Nhờ đó không cần phải sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật cho cam. Vì thế cam ngon và đảm bảo. Phía Hội cũng khuyến khích người nông dân nên áp dụng việc mắc màn phủ cho cam để tránh các tác nhân bên ngoài gây hại cho vườn cam", bà Linh nói.
Toàn huyện Yên Thành hiện có hơn 335 ha cam, diện tích cho khai thác gần 290 ha với sản lượng bình quân khoảng 20-25 tấn/ha.
Diện tích cam chủ yếu tập trung tại xã Đồng Thành với gần 100 hộ trồng cam, tổng diện tích gần 120 ha. Trong đó có 60ha cam cho thu hoạch. Cây cam là một loại cây mang lại hiệu quả, giá trị kinh tế cao cho xã Đồng Thành. Năm nay, sản lượng toàn xã ước đạt hơn 1.000 tấn, cho thu nhập hàng chục tỷ đồng.
Người ta thường ví món ăn quý hiếm này như “vàng trắng“, hiện lươn thủy tinh đang có nguy cơ bị khai thác quá mức do nhu cầu gia tăng.
Nguồn: [Link nguồn]