Nơi Từ Thức gặp tiên, vớt lộc trời đen sì, kiếm cả trăm triệu/năm
Nhiều năm trở lại đây, nghề khai thác rau câu đã trở thành nghề hái ra tiền đối với nhiều hộ dân ở vùng ven biển Nga Sơn (Thanh Hóa) và công việc này đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân nơi đây. Mùa vớt rau câu ở quê hương "Từ Thức gặp tiên" được ví như thu lộc trời cho khi có gia đình kiếm được cả trăm triệu đồng.
Nga Sơn là một huyện ven biển nằm ở phía đông bắc của tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây không chỉ nổi tiếng với câu chuyện Mai An Tiêm trồng dưa hấu, chuyện chàng Từ Thức gặp tiên mà còn nổi tiếng là vùng đất có nhiều rau câu. Huyện cũng có diện tích ao đầm nuôi trồng thủy hải sản khá lớn. Những năm gần đây, ngoài nguồn thu chính từ nuôi, bán hải sản người dân ở đây còn kiếm thêm hàng chục triệu đồng mỗi năm nhờ khai thác rau câu.
Nhờ công việc khai thác "lộc trời" cho mà nhiều hộ dân ở ven biển huyện Nga Sơn có thêm nguồn thu nhập đáng kể.
Rau câu thực chất là một loại rong biển mọc tự nhiên ở trong các ao đầm nước lợ và được người dân ở đây gọi là “lộc trời” cho. Đây là một loại tảo giàu chất dinh dưỡng nên chúng được sử dụng trong chế biến thực phẩm, thức uống giải khát... Gần đây, nhu cầu sử dụng rau câu cao nên số lượng người đi vớt rau câu ở các xã ven biển ở huyện Nga Sơn càng nhiều.
Anh Vũ Văn Tri ở xã Nga Tiến, huyện Nga Sơn cho PV Dân Việt biết, việc khai thác rau câu được nhiều hay ít còn tùy thuộc vào thời tiết năm đó có thuận lợi cho rau câu phát triển không. Gia đình anh có hơn 2 ha ao đầm nuôi trồng thủy hải sản, trung bình mỗi năm cũng vớt được 5-7 tấn rau câu khô, có những năm được mùa thì thu được hơn chục tấn.
“Rau câu được người tiêu dùng ưa chuộng nên rất dễ bán, có bao nhiêu là thương lái thu mua hết bấy nhiêu. Giá thu mua dao động từ 4.000-6.000 đồng/kg rau câu khô, tính ra mỗi năm gia đình tôi kiếm được hơn 30 triệu đồng từ công việc này”, anh Tri tiết lộ. Anh Tri còn nói vui, vùng đất Nga Sơn vốn nổi tiếng với câu chuyện Mai An Tiêm trồng đặc sản dưa hấu thời Hùng Vương, ngày nay rau câu Nga Sơn cũng nổi tiếng không kém.
Không phải mất công nuôi trồng hay chăm sóc, nhiều hộ dân ở vùng ven biển Nga Sơn (Thanh Hóa) chỉ cần ra đầm vớt rau câu về bán, cũng có thể kiếm từ vài chục cho đến cả trăm triệu đồng mỗi năm.
Cũng theo anh Tri, rau câu ảnh hưởng lớn đến nuôi trồng thủy sản, nó làm hạn chế lượng ô-xy trong nước của đầm nuôi, dẫn tới giảm năng suất của các loại thủy sản khác nên khi thấy rau câu trong đầm quá nhiều cần phải vớt ngay, nhằm tránh ảnh hưởng tới sự phát triển của tôm, cua, cá.
Do có diện tích ao đầm nước lợ ven biển lớn nên mỗi năm gia đình nhà ông Mai Văn Công ở xã Nga Tân, huyện Nga Sơn có nguồn thu gần 100 triệu đồng từ công việc khai thác rau câu. Vừa vớt rau câu, ông Công cho hay, rau câu mọc tự nhiên ở các đầm nuôi trồng thủy sản nên chẳng mất công chăm sóc hay nuôi trồng. Cứ tới mùa nó mọc thành từng mảng lớn, chỉ cần vợt hoặc dùng tay để vớt sau đó phơi khô rồi đem bán cho thương lái là có tiền.
Với giá bán trung bình từ 4.000-6.000 đồng một kg, nhiều hộ dân ở huyện Nga Sơn có nguồn thu nhập đáng kể và ổn định từ loài tảo biển này.
“Do thời tiết thuận lợi mà năm vừa qua, gia đình tôi vớt được hơn 20 tấn rau câu khô nên sau khi bán cũng kiếm được hơn 100 triệu đồng. Năm ngoái tôm cá thả nuôi bị chết hết, cũng may có số tiền này để năm nay có tiền mua giống thả nuôi tiếp”, ông Công chia sẻ.
Nói thêm về rau câu, ông Công cho biết, rau câu là loại rong biển giàu dinh dưỡng, thường được sử dụng để chế biến thực phẩm như thạch rau câu, canh rau câu được người tiêu dùng ưa chuộng. Đặc biệt là trong những ngày nắng nóng như hiện nay, rau câu được xem là loại thực phẩm “vàng” giúp giải nhiệt rất tốt.
Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, nhiều ngư dân huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) tranh thủ thời tiết thuận lợi để nhặt rau câu...