Nơi rừng không mông quạnh, lão nông nuôi cá bằng cỏ, lá...
Ông Hà Văn Khương, sinh năm 1969, bản Cha (xã Tòng Đậu, huyện Mai Châu, Hòa Bình) nuôi cá thương phẩm trên diện tích 8.000m2 nơi rừng không mông quạnh. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm ông lãi gần 100 triệu đồng.
Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Khương cho biết: "Thời gian trước chưa nuôi cá, gia đình tôi sinh sống chủ yếu bằng cây ngô, cây sắn trên nương rẫy nhưng không có lãi mà còn nợ nần chồng chất. Trong 1 lần ngược dòng Sông Đà về phía Sơn La, tôi thấy người dân nuôi cá bè rất nhiều và cho lãi lớn. Tôi nghĩ ở gần nhà có dòng suối chảy quanh năm, sao không tận dụng nguồn nước đào ao thả cá thử vận may. Nghĩ là làm, tôi vay tiền anh em họ hàng thuê máy xúc đào 3 ao trên diện tích 8.000 m2, thả các loại cá chép, trôi, rô phi, mè...".
Ông Khương dùng vỏ trấu, cám ngô và cỏ voi làm thức ăn cho đàn cá.
Bước đầu mới chuyển sang nghề nuôi cá, vì chưa có kinh nghiệm kỹ thuật chăm sóc cá nên số lượng cá trong ao của ông bị chết rất nhiều. Sau đó, ông lên mạng internet tìm đọc các bài báo viết về kỹ thuật nuôi cá và tập tính của loại cá nuôi trong ao. Ông tự mày mò, đúc rút kinh nghiệm và áp dụng vào ao cá của mình, nhờ vậy mà đàn cá của gia đình ông Khương ngày càng phát triển khỏe mạnh, ít bị dịch bệnh.
Nhiều thương lái vào tận ao nhà ông thu mua, nên cá thương phẩm của ông Khương bán được giá cao.
Theo kinh nghiệm của ông Khương: "Để đảm bảo cho cá phát triển tốt, hàng ngày tôi xuống ao kiểm tra môi trường nước, theo dõi trọng lượng cá và các bệnh phát sinh. Tôi chia thức ăn cho cá ra từng giai đoạn rất khoa học: Cá từ 50 ngày tuổi thì cho ăn cám viên công nghiệp. Khi cá hơn 3 tháng tuổi, tôi chuyển sang cho cá ăn cám ngô, vỏ trấu và cỏ voi, hạn chế dùng cám công nghiệp, thuốc tăng trọng ở thời điểm cá đang trong giai đoạn trưởng thành".
Hàng ngày ông khương đều xuống ao theo dõi sức khỏe của đàn cá.
“Một ngày tôi cho cá ăn 3 lần vào lúc sáng, chiều và tối. Lượng thức ăn buổi tối khoảng từ 40 - 50% tổng lượng thức ăn trong ngày. Trong quá trình cho ăn tôi thường xuyên quan sát lượng mồi thừa thiếu trong ao, để điều chỉnh tăng hay giảm lượng thức ăn cho phù hợp. Sau đó, tôi đưa ra khỏi ao cá thức ăn còn dư để tránh ô nhiễm môi trường nuôi cá, tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe sinh trưởng của đàn cá” - ông Khương cho biết thêm.
Nhờ cách chăm sóc tốt đàn cá của ông khương luôn phát triển tốt, ít dịch bệnh.
Cá thương phẩm của gia đình ông Khương luôn bảo đảm yếu tố sạch, thịt tươi ngon, được nhiều khách hàng ưa chuộng nên không lo ế hàng. Hiện nay, ông bán cá chép, trắm ra thị trường với giá từ 120.000 – 140.000đồng/kg, còn cá trôi, mè... bán với giá 90.000/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm ông lãi gần 100 triệu đồng từ việc bán cá. Cũng nhờ nguồn thu này nên con cái của ông đều trưởng thành và có nghề nghiệp ổn định.
Từ khi chuyển sang nuôi cá ao phát triển kinh tế, ông Khương đã có 1 cơ ngơi khấm khá.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Hà Văn Tích, Chủ tịch xã Tòng Đậu, huyện Mai Châu cho hay: "Ông Khương là một trong những hộ nông dân tiên phong trong việc nuôi cá thương phẩm ở địa phương. Nhờ thay đổi tư duy trong chăn nuôi, ông đã gây dựng được một cơ ngơi khá giả mà nhiều người trong bản, trong xã đều nể phục. Thời gian tới, chúng tôi dự định sẽ nhân rộng mô hình nuôi cá của gia đình ông Khương đến với bà con nông dân trong các chi hội nông dân trên toàn xã học tập".