Ninh Bình: "Ném" 4 tỷ xuống ao, bắt trai nhả ngọc, 9X thu tiền tỷ
Với ý chí quyết tâm bắt bãi sình lầy đẻ ra tiền, chàng kỹ sư Nguyễn Cao Cầu (24 tuổi) ở thôn Phú Hạ, xã Khánh An, huyện Yên Khánh (Ninh Bình) đã xây dựng thành công mô hình nuôi trai lấy ngọc. Bước đầu mô hình nuôi trai trong đầm lầy lấy ngọc của chàng kỹ sư trẻ này cho thu nhập gần 1 tỷ đồng/ năm.
Sau bao năm dùi mài kinh sử, thi đỗ đại học và khi có tấm bằng kỹ sư xây dựng trong tay, thay vì công việc bàn giấy chốn văn phòng với những bản thiết kế, quần áo phẳng phiu giầy da bóng loáng hay chí ít cũng là trai công trường "vi vu sương gió phong trần" thì chàng kỹ sư trẻ Nguyễn Cao Cầu lại quyết định về quê làm bạn với bùn lầy ao sình.
Đặc biệt, trong khi nhiều người nhìn chàng trai trẻ với vẻ ái ngại và cho chàng ta là "khùng điên" thì Nguyễn Cao Cầu lại rất phấn chấn với việc cả ngày tay lấm chân bùn, nước nôi, ao đầm...
Chàng kĩ sư trẻ Nguyễn Cao Cầu cất bằng Đại học về quê nuôi trai lấy ngọc và kiếm tiền tỷ mỗi năm.
Trò chuyện với phóng viên Báo điện tử Dân Việt, trai trẻ Nguyễn Cao Cầu thổ lộ, anh tình cờ biết đến mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc khiến anh rất thích thú. Vì vậy, ngay từ những năm tháng đầu theo học Đại học Xây dựng Hà Nội, anh đã dày công tìm hiểu.
Những ngày nghỉ lễ như Tết Nguyên đán, Giỗ tổ Hùng Vương... trong khi bạn bè đồng trang lứa, bạn học đại học người đi chơi nghỉ lễ, người về quê thì 9X Nguyễn Cao Cầu lại khăn gói lọ mọ học hỏi kinh nghiệm nuôi trai lấy ngọc, kỹ thuật nuôi trai nước ngọt lấy ngọc... |
Những năm tháng lọ mọ nơi chốn ao đầm nuôi trai lấy ngọc của Cầu đã góp phần làm nên thành công của kế hoạch khởi nghiệp làm giàu của chàng trai trẻ này. Cầu nhận thấy quê nhà có nhiều diện tích ao hồ phù hợp để nuôi trai lấy ngọc.
Thêm vào đó, Ninh Bình trong những năm gần đây phát triển rất mạnh về du lịch dịch vụ. Nguyễn Cao Cầu muốn, ngoài sản phẩm thịt dê cơm cháy thì Ninh Bình cần có thêm nhiều sản phẩm lưu niệm có giá trị cao, tính thẩm mỹ cao. Và ngọc trai nước ngọt Ninh Bình phải là một trong những thương hiệu của tỉnh. Đó là nỗi khát khao, kỳ vọng của chàng kỹ sư trẻ khi bắt tay vào xây dựng mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc.
Sau khi nắm được kỹ thuật nuôi trai nước ngọt lấy ngọc và được bố mẹ ủng hộ, ngay từ ngày còn là sinh viên năm 3 Đại học Xây dựng Hà Nội, anh Cầu bắt tay vào xây dựng mô hình nuôi ngọc trai. Được sự hỗ trợ tài chính từ bố mẹ, đầu năm 2017 anh mạnh dạn thuê 1,5 ha diện tích ao đầm bên ngoài đê con sông Vạc thuộc thôn Phú Hạ và "ném" khoảng gần 4 tỷ đồng để đầu tư, hoàn thiện mô hình nuôi trai lấy ngọc.
Cận cảnh mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc của anh Cầu tại thôn Phú Hạ, xã Khánh An rộng hơn 1,5 ha.
“Vừa đi học đại học trên Hà Nội vừa nuôi trai khá vất vả. Hầu như cuối tuần nào tôi cũng phải về kiểm tra tình hình ao nuôi trai. Cũng may là con trai này nó ăn phù du và các loại tảo tự nhiên trong nước ao hồ nên không phải cho ăn, chỉ thi thoảng về xem nó phát triển ra sao thôi. Còn việc trông coi ao nuôi trai lấy ngọc thì tôi nhờ bố mẹ. Có điều gì bất thường ở ao nuôi trai lấy ngọc thì bố mẹ lại gọi điện lên thông báo”, anh Cầu tâm sự.
Trong quá trình nuôi ngọc trai, anh Cầu không ngừng học hỏi thêm kinh nghiệm nuôi trai lấy ngọc, tham gia vào các lớp tập huấn kiến thức, kỹ thuật nuôi trai lấy ngọc, từ khâu lựa chọn con trai giống, cấy ghép ngọc và nuôi dưỡng cho đến lúc thu hoạch ngọc trai, cũng như đi tham quan các mô hình nuôi trai lấy cho hiệu quả khác ở trong và ngoài tỉnh
Anh Nguyễn Cao Cầu cho hay, giống trai nhà anh đang nuôi là loại trai đen cánh dẹp và qua gần 2 năm thực hiện, mô hình thử nghiệm nuôi trai nước ngọt lấy ngọc của gia đình anh đã được hoàn thiện và mang lại hiệu quả kinh tế bước đầu. Qua theo dõi khả năng tạo ngọc của trai được nuôi có tốc độ phủ ngọc nhanh, khả năng sinh trưởng tốt, chất lượng ngọc sáng bóng.
“Do được nuôi cạnh con sông Vạc nên nguồn nước phù sa của con sông được ra vào tự nhiên, rất phù hợp cho con trai phát triển. Do đó chất lượng ngọc trai cũng khá cao, viên ngọc tròn đều và màu sắc đẹp hơn”, anh Cầu chia sẻ.
Dự kiến, đến tháng 8/2019, gia đình anh Nguyễn Cao Cầu sẽ thu hoạch được 20.000 viên ngọc trai. Với giá bán hiện tại trên thị trường dao động trung bình ở mức từ 300.000 - 500.000 đồng/ viên. Trong khi đó chi phí nuôi một con trai đến khi có ngọc khá thấp, chỉ rơi vào khoảng 35.000 đồng. “Sau khi trừ hết chi phí, ước tính tôi sẽ thu về gần 1 tỷ đồng/năm từ việc bán ngọc trai”, anh Cầu tiết lộ.
Nói về đầu ra cho sản phẩm ngọc trai nước ngọt, anh Cầu cho hay, ngoài xuất khẩu chính sang thị trường Nhật Bản thì thị trường ở trong nước cũng rất tiềm năng, đặc biệt là ở các tỉnh có nghề du lịch phát triển mạnh. Mức sống ngày càng cao nên nhu cầu làm đẹp của con người cũng tăng theo, chính vì vậy các sản phẩm làm từ ngọc trai sẽ tiêu thụ mạnh trong thời gian sắp tới.
Một viên ngọc trai có giá dao động từ 300.000 đến 500.000 đồng, dự kiến vào tháng 8 tới anh Cầu thu về khoảng 20.000 viên ngọc trai.
Cũng theo anh Cầu, ngoài sản phẩm chính là ngọc trai, vỏ trai còn được tận dụng bán cho các cơ sở làm các đồ thủ công mỹ nghệ, thịt trai dùng làm thực phẩm hoặc làm thức ăn chăn nuôi. Nuôi trai lấy ngọc cũng làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước và có thể nuôi kết hợp với các loài thủy sản khác như cá trắm, chép. Trong thời gian sắp tới, anh Cầu có kế hoạch sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi tới 5 vạn con trai lấy ngọc.
Với ý chí tự lực, nhờ vào đức tính cần cù chịu khó lao động, biết vượt khó vươn lên, biết áp dụng thành công tiến bộ khoa học kỹ thuật, mô hình nuôi trai lấy ngọc của chàng trai trẻ Nguyễn Cao Cầu đang dần khẳng định được hiệu quả, mở ra hướng làm giàu mới ở tại địa phương mình. |
Một số nơi ở miền Tây trong đó có người dân huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long nhờ trồng loài cỏ dại này đã vươn lên...