Những “kỳ phùng địch thủ” giới kinh doanh

“Thương trường là chiến trường” và cuộc chiến giữa các đối thủ “nặng ký” trong giới kinh doanh luôn là những cuộc chiến “không hồi kết”.

1. Coke và Pepsi: Cuộc chiến Cola

 

Cuộc chiến giữa 2 gã khổng lồ Coke và Pepsi còn được gọi là “Cuộc chiến Cola” vì cả 2 hãng nước ngọt này đều dùng cola làm hương vị chính.  Trải qua nhiều năm hình thành và phát triển, cuộc chiến giữa hai thương hiệu đồ uống lừng danh vẫn chưa đến hồi kết

Năm 1886, John S. Pemberton phát hiện ra loại nước soda đầu tiên và đặt tên công ty là Coke (Coca-Cola) thì 13 năm sau, Pepsi Cola cũng được thành lập bởi dược sĩ Caleb Bradham. Suốt hơn nửa thế  kỷ sau đó, trong khi Coca-Cola ngày càng lớn mạnh và không ngừng vươn xa thì Pepsi vẫn “dậm chân tại chỗ”. Chỉ đến giữa những năm 60 của thế kỷ XX, Pepsi sáp nhập với công ty Frito Lay và trở thành tập đoàn Pepsico thì cuộc chiến giữa Coca-Cola và PepsiCo mới thực sự bắt đầu

Để đuổi kịp Coca, Pepsi “không ngại” chi tiền thuê những ngôi sao điện ảnh, thể thao và những người nổi tiếng thế giới quảng bá cho thương hiệu của mình. Thậm chí hình ảnh Phó tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon và Thủ tướng Nga Khrushchev cùng uống Pepsi cũng được tận dụng triệt để trong các chiến dịch quảng cáo của Pepsi

Không chỉ cạnh tranh bằng quảng cáo với người nổi tiếng, Coca và Pepsi còn có những cuộc chiến nảy lửa trên từng loại sản phẩm. Khi hãng này cho ra một loại hương vị mới thì chẳng bao lâu hãng kia cũng cho ra lò một dòng sản phẩm có hương vị tương tự.

Cuộc chiến “thế giới ảo” cũng được Pepsi và Coca tận dụng triệt để. Năm 2005, trước sự xuất hiện của trang Pepsi Stuff (thuộc Pepsi) thì Coca-Cola “trả đũa” bằng việc mở trang Coke Rewards. Cả 2 chương trình này đều trao phần thưởng cho các khách hàng thu thập được nhiều nút chai hoặc vỏ lon, sau đó đổi thành điểm để nhận quà

Cho đến nay, cả 2 hãng đang ngày càng lớn mạnh và khẳng định được tên tuổi của mình. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành thì có vẻ như Coca - Cola vẫn đang chiếm ưu thế hơn.

Những “kỳ phùng địch thủ” giới kinh doanh - 1

 “Cuộc chiến Cola” giữa Coca-Cola và Pepsi

2. Ferrari và Lamborghini: Cuộc chiến giữa hai mặt của 1 đồng xu

Cuộc chiến giữa Ferrari và Lamborghini thường được gọi là cuộc chiến giữa “hai mặt của một đồng xu”. Năm 1967, trong khi “huyền thoại xe hơi” Ferrari đã ra đời được 16 năm thì Lamborghini (xuất phát từ công ty máy kéo và sản xuất siêu xe) được thành lập với tham vọng "dạy cho Ferrari một bài học".

Những chiếc siêu xe của cả hai hãng xe Italia này đều có điểm chung rất dễ dàng nhận ra, đó là sự hào nhoáng, thể thao, sang trọng và đều sử dụng hình ảnh động vật để làm logo. Tuy nhiên, trên thực tế, cả hai hãng xe luôn có những thiết kế đối lập với “kẻ thù truyền kiếp” của mình

Trong khi Ferrari tập trung vào những đường cong uyển chuyển, hoa mỹ thì Lamborghini lại như những cỗ máy robot đến từ tương lai với vẻ đẹp vuông vắn, sắc gọn, hầm hố. Ngay từ logo của hai hãng đã dấy lên sự đối đầu. Cả hai đều sử dụng khung hình khiên chiến đấu và một con vật làm đại diện. Nếu Ferrari là chú ngựa chiến tung vó mạnh mẽ thì Lamborghini lại là hình ảnh chú bò tót hầm hố, sẵn sàng quật ngã đối thủ.  Đến nay, tuy đã gần một nửa thế kỷ trôi qua nhưng cuộc chiến giữa hai kỳ phùng địch thủ này vẫn chưa có hồi kết.

Những “kỳ phùng địch thủ” giới kinh doanh - 2

Cuộc đua giữa “ngựa chiến” Ferrari và “bò tót” Lamborghini vẫn chưa đến hồi kết

3. Microsoft và Apple: Cuộc chiến giữa … táo và cam

Cả Apple và Microsoft đều có những giai đoạn thăng trầm trong suốt quá trình hoạt động và phát triển. Ngày 04/04/1975, công ty Microsoft chính thức được thành lập. Sau khi ra mắt hệ điều hành chạy trên đĩa mềm (hệ điều hành DOS) đầu tiên vào năm 1980, Microsoft nhanh chóng phát triển thành một trong những tên tuổi lớn nhất trong ngành máy tính cá nhân.Thành lập sau Microsoft 1 năm, Apple tham gia vào cuộc chiến giành quyền thống trị của những chiếc máy tính cá nhân với Apple 2 - chiếc máy tính cá nhân tiên tiến nhất thời điểm đó

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Microsoft luôn giữ phong độ ổn định với hệ điều hành Windows, đặc biệt với sự xuất hiện của Windows 7, Microsoft  đã khẳng định được vị thế nhà cung cấp hệ điều hành phổ biến hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, giới chuyên môn lại đánh giá Apple mới là người làm chủ cuộc chơi khi liên tục thay đổi và cải tiến các sản phẩm của mình. Năm 2001, Apple giới thiệu chiếc iPod đầu tiên, đến năm 2007, Apple giới thiệu chiếc điện thoại iPhone đầu tiên trên thế giới, và năm 2008 là chiếc iPhone 3G với nhiều tính năng thông minh. Năm 2010, Apple bước vào giai đoạn bùng nổ khi cho ra đời hàng loạt sản phẩm thống trị thị trường như iPad (01/2010), iPhone 4 (06/2010), iPad 2 (02/2011), chưa kể những chiếc iMac và Macbook, đã đưa Apple vượt qua Microsoft sau 35 năm phát triển.

Với những thành quả to lớn, thật khó để phân thắng bại và so sánh trọn vẹn những gì mà Apple và Microsoft mang đến cho cuộc sống của chúng ta. Đây được gọi là cuộc chiến “không hồi kết” giữa … táo và cam.

Những “kỳ phùng địch thủ” giới kinh doanh - 3

“Kỳ phùng địch thủ” Apple và Microsoft

4. Sony và Nintendo: Cuộc chiến công nghệ game

Khi nói tới ngành công nghiệp giải trí tương tác nói chung, cũng như thế hệ console nói riêng, Sony và và Nintendo của xứ mặt trời mọc vẫn là hai cái tên được xướng danh đầu tiên.

Nintendo khiêm tốn bắt đầu hành trình của mình tại Nhật Bản bằng việc sản xuất thẻ chơi game và không được coi là một công ty game cho đến những năm 1970. Nhiều người cho rằng, Nintendo đã tạo ra nền móng vững chắc từ những ngày đầu hình thành khái niệm giải trí tương tác, cũng như cứu sống ngành công nghiệp game đang có dấu hiệu đóng băng trong những năm 80 của thế kỷ XX nhờ vào hệ máy console Famicom.

Trong khi đó, thành quả của Sony cũng không thể phủ nhận, khi thương hiệu PlayStation của họ đã giành được chỗ đứng trong lòng biết bao thế hệ gamer với đồ họa 3D và hỗ trợ định dạng CD. Đáp lại Sony, Nintendo tung ra N64. Hiện nay 2 công ty đang cạnh tranh nhau với các mô hình mới nhất của họ, Nintendo Wii (Wii&U) và Sony Playstation 4. Tuy nhiên, nếu so sánh về doanh thu thì Sony vẫn đang thống trị doanh số bán hàng.

Những “kỳ phùng địch thủ” giới kinh doanh - 4

Cuộc chiến công nghệ game giữa Sony và Nintendo

                    

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhàn Lê ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN