Những chiêu nuôi rắn độc đáo “hái ra tiền” từ Nam chí Bắc

Mặc dù nuôi rắn là một nghề ẩn chứa cực nhiều nguy hiểm và rủi ro, thậm chí đây còn được coi là nghề "tử thần". Nhưng cũng chính nghề "độc" ấy đã làm giàu cho rất nhiều người.

Những chiêu nuôi rắn độc đáo “hái ra tiền” từ Nam chí Bắc - 1

9X làm giàu nhờ quyết "sống chết" với nghề nuôi rắn cực độc

Bất chấp nguy hiểm và những lời can ngăn từ phía gia đình, chàng thanh niên Bùi Hải Minh (sinh năm 1993, Vạn Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) vẫn quyết định khởi nghiệp bằng nghề nuôi rắn hổ mang. Tính bình quân, sau khi trừ các khoản chi phí đầu vào, anh thu về từ 80 - 100 triệu đồng/năm từ rắn. 

Những chiêu nuôi rắn độc đáo “hái ra tiền” từ Nam chí Bắc - 2
Tốt nghiệp ngành điện lạnh, Trường Cao đẳng nghề số 5 Đà Nẵng với tấm bằng loại ưu, nhưng bằng niềm đam mê với rắn anh Minh đã từ chối nhiều lời mời từ các công ty điện lạnh để về quê nuôi rắn hổ mang. (Ảnh: Dân Việt)

Lứa đầu tiên anh bỏ ra 30 triệu đồng mua con giống và xây chuồng trại và cũng chỉ thu được vỏn vẹn 30 triệu đồng sau khi bán. Thế nhưng anh Minh không nản mà lấy đó làm động lực để quyết “sống chết” với nghề nuôi rắn.
 
Rút kinh nghiệm từ lần nuôi trước, lứa sau anh ra một số trại nuôi rắn ở Thanh Hóa để tìm hiểu kỹ thuật nuôi rắn hổ mang. Tại đây, anh được nhiều người dân chỉ dạy các kỹ thuật về chọn giống, chăm sóc, tìm hiểu các bệnh lý thường gặp, đặc biệt là đặc tính sinh học của rắn.
 
Anh hiểu rằng nuôi rắn hổ mang cũng là nghề vô cùng nguy hiểm nếu không nắm bắt được những đặc tính sinh học của loài vật này. “Nhiều người nghĩ, rắn là loài động vật hung dữ vì hay tấn công người. Tuy nhiên, nếu mình có thời gian tiếp xúc với rắn nhiều và giữ cự ly an toàn với chúng thì chúng sẽ rất ôn hòa. Tiếp xúc nhiều, rắn sẽ quen với thân nhiệt của mình và từ đó sẽ giảm bớt bản tính hoang dã trong chúng” - anh Minh chia sẻ kinh nghiệm.

Tới chơi nhà bạn, anh thanh niên “nên duyên” với... rắn

Là một trong những thanh niên tiêu biểu của Xã đoàn Hậu Thành (Cái Bè, Tiền Giang), anh Lê Văn Phú đã thể hiện sự xung kích trong "lập thân, lập nghiệp” bằng cách đầu tư vào nuôi rắn hổ hèo mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Những chiêu nuôi rắn độc đáo “hái ra tiền” từ Nam chí Bắc - 3

Anh Phú chăm sóc rắn. (Ảnh: Dân Việt)

Phú cho biết cái duyên đưa anh đến với việc nuôi rắn từ một lần tình cờ đến chơi nhà một người bạn ở Đồng Tháp, thấy nuôi rắn hổ hèo có hiệu quả kinh tế cao, rắn khá hiền lành, kỹ thuật chăm sóc cũng khá đơn giản và thị trường tiêu thụ tương đối ổn định, nên anh có ý định nuôi loại rắn này.

 
Trở về, Phú mạnh dạn xoay vốn để mua 50 rắn con về nuôi với giá 200.000 đồng/con, đồng thời anh tìm hiểu kỹ thuật nuôi, phòng bệnh, chăm sóc, cách làm chuồng, biện pháp để gây giống loại rắn này. Anh nhẩm tính, để tạo ra 1kg rắn thịt thương phẩm, người nuôi chỉ tốn khoảng 450.000 đồng (tiền thức ăn và tiền con giống). Bình quân, nếu chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, đảm bảo nguồn thức ăn thì khoảng 10 - 12 tháng rắn có thể đạt trọng lượng 1,5 - 2kg/con.

Nhờ thất bại, nông dân nuôi rắn mối kiếm bạc triệu

Sau khi thất bại với việc nuôi nhiều loại gia súc, gia cầm, năm 2010, chị Trần Thoại Phương (thôn Phước Tân, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang, Khánh Hòa) vào Đồng Nai học kinh nghiệm nuôi rắn mối. Giờ đây, trang trại của chị cung cấp rắn mối cho khắp các tỉnh thành trong cả nước, mỗi năm thu nhập hàng chục triệu đồng từ bán rắn mối thịt và rắn giống.
Những chiêu nuôi rắn độc đáo “hái ra tiền” từ Nam chí Bắc - 4

Chị Phương kiểm tra rắn mối. (Ảnh:Dân Việt)

Chị Phương cho biết, hiện nay, trang trại của chị có khoảng 10.000 con rắn mối. Ưu điểm của rắn mối là dễ ăn, không dịch bệnh, kỹ thuật chăm sóc đơn giản... Đặc biệt, rắn mối có đầu ra ổn định. Chị Phương nuôi theo mô hình chuồng khép kín (nửa mát, nửa nắng). Để tránh cho rắn mối khỏi ra ngoài, chị dựng tôn từ dưới đất lên cao khoảng 60cm, phía trên bảo quản bằng lưới.
 

Nuôi rắn làm món nhậu thu lãi trên 100 triệu đồng/tháng

Anh Nguyễn Văn Khánh (40 tuổi, trú tổ 5, phường Nghĩa Chánh, TP.Quảng Ngãi) mỗi tháng thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng từ nuôi rắn. Trung bình mỗi ngày, quán nhậu của anh Khánh tiêu thụ từ 4 - 5kg rắn thương phẩm. Với giá bán trên thị trường là rắn hổ mang 800.000 đồng/kg, rắn hổ trâu 1,2 triệu đồng/kg, mỗi ngày anh thu lãi 4 triệu đồng từ các món ăn được chế biến từ rắn do mình tự nuôi.
Những chiêu nuôi rắn độc đáo “hái ra tiền” từ Nam chí Bắc - 5

Năm 2010, sau nhiều năm mở quán nhậu tích cóp được một số vốn kha khá, anh Khánh mở trang trại nuôi rắn. (Ảnh: Dân Việt)

Sau 4 tháng thả nuôi, rắn đã bắt đầu đẻ trứng. Đàn rắn ngày càng nhiều, anh phải mở rộng diện tích nuôi. Nói về công việc nuôi rắn độc của mình, anh Khánh chia sẻ: “Nghề nuôi rắn độc tuy mới nghe qua nhiều người đã lắc đầu nhưng thực ra nuôi rắn độc lại không quá khó, vì được thuần dưỡng nên chúng rất ít khi tấn công người nuôi, lại rất ít khi dịch bệnh. Thức ăn của rắn là chuột, ếch, nhái nên cũng dễ tìm, hoặc cũng có thể mua”.
 

“Vua” rắn mối miền Tây “chơi ra tiền” với hàng nghìn con rắn hổ hành

Trang trại của "vua" rắn mối miền Tây, Nguyễn Văn Thuyết (ở khóm 10, phường 1, TP Bạc Liêu) gồm nhiều chuồng mới được xây với tường cao ngang ngực. Mỗi chuồng dài khoảng 5m, ngang 2m, chủ nhân thả nuôi khoảng 2.000 con rắn hổ hành mà không cần đậy nắp chuồng.

Những chiêu nuôi rắn độc đáo “hái ra tiền” từ Nam chí Bắc - 6

Anh Thuyết cho biết đã bắt đầu nuôi thử nghiệm gần 5 năm nay. (Ảnh: VnExpress)

Ban đầu anh tìm mua rắn nhỏ ngoài tự nhiên, sau đó đem về nuôi lớn rồi cho phối giống. Với số lượng nhiều như vậy nhưng ít khi nhìn thấy rắn, bởi hàng nghìn con bò sát này thường trốn trong lớp xơ dừa xay nhuyễn được rải dưới đáy chuồng, dày khoảng 30-40 cm. Không chỉ nuôi rắn hổ hành thương phẩm bán với giá trên 400.000 đồng mỗi kg, anh Thuyết còn cho rắn sinh sản để gây đàn và bán giá 100.000 đồng một con giống hoặc 800.000 đồng mỗi kg rắn con.

"Rắn hổ hành hoang dã còn rất ít trong khi sức tiêu thụ ngoài thị trường khá nhiều, nên rất hút hàng. Nghề nuôi rắn hổ hành nhàn rỗi, không mất nhiều thời gian chăm sóc nhưng thu lãi rất cao", anh Thuyết chia sẻ.
 

Lão nông thuần hóa... rắn, tậu cơ ngơi bạc tỷ

Sau hơn 20 năm chăm bẵm lũ rắn, ông Phan Kế Đông (làng Bạch Xá, xã Hoàng Đông, Duy Tiên, Hà Nam) đã thuần hóa được cả những chú hổ mang phì hung dữ nhất. 

Những chiêu nuôi rắn độc đáo “hái ra tiền” từ Nam chí Bắc - 7

Ông Đông thuần hóa được cả những chú hổ mang phì hung dữ nhất. (Ảnh: Dân Việt)

Nói về lợi nhuận từ nghề nuôi rắn, ông Đông tự tin bảo: “Nếu tính công sức bỏ ra và đầu tư thì việc nuôi rắn mang lại siêu lợi nhuận. Năm 2013, giá rắn giảm xuống còn 450.000 đồng/kg vẫn là mức lợi nhuận cao. Giá rắn từ 350.000 đồng/kg là người nuôi có lãi, nếu biết cách tiết kiệm chi phí từ thức ăn và cách chăm sóc khoa học hơn”. Năm 2012 là năm sốt giá rắn, giá mỗi kg hổ mang lên tới 850.000 đồng. Năm đó, mỗi ổ trứng rắn ông bán được từ 3 - 6 triệu đồng. Như vậy, cứ mỗi đôi rắn cho lão một ổ trứng, chẳng thế mà năm đó vợ chồng ông đếm tiền mỏi tay.
 
Hiện tại nhà ông Đông có 3 khu nuôi rắn. Một khu nuôi rắn sinh sản, 2 khu nuôi rắn thương phẩm. Giờ đây, nhiều người nuôi rắn đã dùng chuồng treo cao để tiết kiệm chi phí nhưng ông vẫn kiên trì làm chuồng theo phương pháp truyền thống.
 

Thầy giáo trẻ mê... rắn hổ

Thầy giáo trẻ Bùi Xuân Tùng (SN 1978) đang dạy tại Trung tâm Tin học Trường Đại học Tây Đô (Cần Thơ) nhưng bén duyên, đam mê con rắn hổ hèo. “Cầm 100 triệu đồng tôi mua được 142 con rắn, gồm có rắn bố mẹ, rắn con, kể cả rắn thịt để đem về nuôi. Do là dân tay ngang, mới ra “lò”, lại chưa hiểu về cách chăm sóc, kỹ thuật, đặc tính của loài bò sát khó tính này nên dần dà 142 con rắn chết sạch ráo” – Tùng nhớ lại hồi năm 2012.

Những chiêu nuôi rắn độc đáo “hái ra tiền” từ Nam chí Bắc - 8

Mô hình nuôi rắn hổ trong chuồng lợn của thầy giáo Tùng đã đem lại hiệu quả thiết thực. (Ảnh: Dân Việt)

Cú vấp ngã đầu tiên khi tập tễnh bước vào nghề nuôi rắn khiến cho thầy Tùng mất hơn 140 triệu đồng. Không vì thế mà nản chí, thầy Tùng quyết tâm chứng minh cho mọi người thấy niềm đam mê của mình là có cơ sở. Từ lần đó, thầy Tùng rút ra được bài học, tìm ra được nguyên nhân thất bại là nằm ở khâu tuyển chọn con giống, khâu chăm sóc, mô hình nuôi… chưa đúng với kỹ thuật.
 
Sau khi có một mớ kiến thức kha khá, thầy Tùng triển khai đầu tư xây dựng chuồng trại khép kín với mô hình “4 trong 1”: Nuôi trong hộp, hoang dã, chuồng lưới và nuôi trong chuồng lợn.
 
Với cách làm trên, trại rắn của thầy giáo trẻ Bùi Xuân Tùng đang tạo được uy tính, sự tin cậy của nhiều bà con nuôi rắn hổ ở miền Tây và một số nơi như Đồng Nai, Quảng Trị, Huế...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Liên (TH) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN