Những chiếc túi và balo sắc màu được 3 cô gái làm từ đồ bỏ đi
Từ những thứ tưởng chừng phải vứt đi, nhưng với sự sáng tạo và khéo léo, nhóm 3 cô gái đã tái sinh thành balo, túi, ví,… thời trang mang tính thẩm mỹ cao.
Sau thời gian tìm hiểu, thử nghiệm, nhóm 3 cô gái Trần Kiều Anh, Hoàng Diệu Thảo Trang và Ông Tú Quân (từ phải sang) ở Bình Thạnh cùng nhau lập một thương hiệu balo, túi xách "made in Việt Nam" từ bạt tái chế vào tháng 3/2020.
3 cô gái cùng "hô biến" những thứ bỏ đi thành sản phẩm thời trang
Nhóm 3 cô gái chia sẻ, Kiều Anh và Trang từng làm trong lĩnh vực thiết kế website, ứng dụng di động, từng nhiều lần nghe bạn bè "phàn nàn" về việc những tấm bạt hiflex làm banner quảng cáo, băng rôn sự kiện... sau khi sử dụng bị thải bỏ, vừa lãng phí lại gây ô nhiễm môi trường nên đã cùng “bắt tay” tìm cách giải quyết vấn đề này.
Các sản phẩm mang tên "Dòng dòng”, là cách phát âm từ 'vòng vòng' của người miền Nam, nghĩa là từ những tấm bạt, tấm bảng hiệu sau một vòng tái chế, trở thành chiếc balo
“Vốn có thời gian làm việc trong ngành thiết kế, chúng tôi thấy được tính độc đáo trong màu sắc và họa tiết của những tấm bạt tưởng chừng phải vứt đi này, lại cộng thêm nhu cầu cần có 1 chiếc ba lô vừa thẩm mỹ vừa công năng để tiện đi dòng dòng lúc đó, ý tưởng “từ bạt thành túi” ra đời” Kiều Anh chia sẻ.
Cũng từ đó các sản phẩm tái chế được ra lò, gồm: ba lô laptop, túi bao tử, túi tote, ví tiền, và các phụ kiện khác như túi toiletries, hộp bút, thẻ tên.
Tất cả những công đoạn đều được làm thủ công.
Từng mảnh vải nhỏ được tính toán để cắt cẩn thận, hạn chế tối đa bạt vụn phải bỏ đi.
Tất cả đều được tái chế từ bạt mái hiên, bạt xe tải cũ, vụn được thu mua từ các cửa hàng, nhà máy sản xuất bạt, cả ở các bãi ve chai hoặc hàng quán có bạt cần thanh lý.
Nhóm 3 cô gái cho biết với túi, balo do sử dụng để mang máy tính và chứa nhiều đồ nên yêu cầu loại bạt còn độ dày & dẻo dù đã qua 1 khoảng thời gian sử dụng như bạt mái hiên hoặc bạt xe tải. Đặc tính chống nước và dẻo dai của loại bạt này cho phép tạo ra các sản phẩm bền chắc và ít bị thấm nước.
Những chiếc balo được tạo nên từ nhiều mảnh bạt khác nhau phối ghép lại, tùy vào màu sắc của những tấm bạt tìm được.
Được biết, các sản phẩm túi hoàn thiện có giá thành dao động từ 390,000 - 890,000đ. Các dòng sản phẩm phụ kiện từ 85,000 - 340,000đ. Mỗi sản phẩm khi mua sẽ được tặng kèm 1 túi đi chợ tái chế từ bạt hiflex - loại bạt mỏng hơn thường được dùng làm banner, backdrop cho các sự kiện, vốn chỉ dùng 1 lần và bị vứt đi.
Những mảnh bạt nhỏ không đủ kích thước hay độ bền để may balo được nhóm tận dụng làm thành chiếc ví, thẻ đeo bảng tên.
“Thoạt đầu, một số khách vẫn có quan điểm sản phẩm tái chế là sản phẩm cũ nên giá thành phải rẻ. Tuy nhiên, khi được giới thiệu kĩ hơn về quy trình sản xuất đồng thời dùng thử sản phẩm, cảm nhận được chất lượng và giá trị có được từ sản phẩm, nên mọi người đều khá hài lòng. Mình không chỉ đơn thuần là “recycle” (tái chế) mà là “upcycle” (tái chế & nâng cao thêm giá trị của món đồ đó)” – Thảo Trang chia sẻ.
Sau hơn một năm hoạt động, đến nay trung bình 3 cô gái cung cấp ra thị trường hơn 200 sản phẩm lớn nhỏ hàng tháng. Nhiều đơn đặt hàng từ trong nước và cả nước ngoài.
Để duy trì nguồn nguyên liệu, 3 cô gái làm việc với các công ty tổ chức sự kiện và các doanh nghiệp khác để tái chế các tấm bạt quảng cáo tồn lại sau sự kiện mà doanh nghiệp tổ chức thành các sản phẩm, quà tặng hữu ích. Ngược lại, nhiều đơn vị khi tổ chức sự kiện có sử dụng banner cũng chủ động mang đến phối hợp với nhóm để tái chế, may thành các sản phẩm, quà tặng hữu ích tặng khách hàng.
Dù số lượng sản xuất chưa nhiều nhưng các sản phẩm luôn chỉn chu, tận dụng triệt để và tránh phát thải thêm
Do chọn lĩnh vực thời trang bền vững, nên cả nhóm luôn tối ưu quy trình sản xuất để tránh phát thải thêm mà vẫn tạo ra được những sản phẩm chỉn chu, có chất lượng và số lượng đạt chuẩn, phù hợp với nhu cầu của khách hàng và vẫn mang lại doanh thu.
"Bây giờ cả ba thành viên đều đã nghỉ hẳn công việc chuyên môn để tập trung làm sản phẩm. Mọi người luôn cảm thấy vui vì vẫn được làm điều mình thích, thỏa sức sáng tạo, góp một phần nhỏ hạn chế rác thải nhựa như câu slogan: 'Vòng vòng lại, đỡ hại môi trường” , ba cô gái trẻ cùng chia sẻ.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong khi đang phân loại quần áo trong tủ đồ từ thiện, người phụ nữ tình cờ tìm thấy số tiền cực lớn trong chiếc...