Nhiều tiểu thương ở TPHCM bỏ quầy, chuyển hàng lên chợ mạng

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Dù các chợ truyền thống tại TPHCM đã hoạt động trở lại nhưng sau Tết, hàng loạt quầy sạp, ki-ốt ở chợ vẫn “cửa đóng then cài”, hoặc treo biển nghỉ bán, sang sạp…

Ế ẩm, vắng khách

9 giờ sáng 3/3, các quầy hàng thực phẩm thịt cá, rau củ tại chợ Phú Lâm (quận 6) thưa vắng người mua lẫn người bán, nhiều quầy bỏ trống trơn. Bà Hằng, kinh doanh thịt heo, chào mời: “Mua giúp chị ký thịt nha em, nay thịt ngon lắm, chị để giá rẻ ”. Mừng rơn khi bán được cái giò heo, bà Hằng tâm sự, từ sau Tết đến nay, buôn bán ngày càng khó khăn, đặc biệt khi xăng dầu tăng giá, người dân càng thắt chặt chi tiêu hơn.

Nhiều quầy sạp tại chợ An Ðông (quận 5, TPHCM) “cửa đóng then cài”

Nhiều quầy sạp tại chợ An Ðông (quận 5, TPHCM) “cửa đóng then cài”

Đưa tay chỉ những quầy hàng rau, thịt vẫn trống trơn người bán, bà Hằng cho rằng, nhiều tiểu thương chưa quay lại do về quê tới giờ chưa lên; có người sợ dịch nên chuyển sang bán online… “Tôi cũng đang tính sang sạp, nghỉ bán ở nhà trông cháu nhưng tình hình buôn bán thế này e khó tìm được người. Ngồi cả ngày chưa bán được 50 kg thịt, đủ thứ phí, thuế nên tính ra không có lời…”, người tiểu thương gần 60 tuổi bộc bạch.

Tại chợ Bàn Cờ (quận 3), các quầy hàng quần áo thời trang, giày dép, mỹ phẩm… gần như chỉ có người bán, vắng hẳn người mua. Mỗi khi có khách lướt qua, các tiểu thương đều nhiệt tình chào mời vào xem hàng nhưng đáp lại chỉ là những cái lắc đầu. “Kinh doanh ế ẩm nên tôi không dám nhập hàng nhiều như trước. Thông thường mọi năm, thời điểm này, tôi đã đầu tư cả trăm triệu đồng để nhập quần áo mẫu mới bán hè; nhưng giờ không dám, lấy hàng nhiều không bán được, ôm lỗ là sập tiệm. Về giá cả, do nguyên vật liệu, giá vận chuyển tăng cao nên các sản phẩm có nhích giá tầm 10%”, chị Tình, kinh doanh quần áo thời trang, nói.

Không chỉ chợ lẻ mà các chợ sỉ như An Đông (quận 5), chợ Tân Bình (quận Tân Bình) cũng rơi vào tình trạng ảm đạm. Tại các tầng kinh doanh bánh kẹo, quần áo, giày dép, quà lưu niệm…, số sạp đóng cửa nghỉ hoặc treo thông báo sangt sạp xuất hiện ngày càng nhiều. Khi phóng viên hỏi một sạp treo biển sang quầy, một tiểu thương thì thầm: “Thời điểm gần Tết, lượng khách đến chợ đông hơn một chút. Nhưng sau Tết, chợ ế ẩm trở lại. Chợ chủ yếu bán cho khách du lịch nhưng 2 năm nay “chết đứng” do dịch bệnh. Giờ em mua đến bán phải tính toán kỹ, vì thời điểm này hầu như không kinh doanh được. Mình bán ở đây lâu, có mối mang trong và ngoài tỉnh, xách tay ra nước ngoài mà giờ vẫn còn ngồi chơi không”.

Trái ngược tình cảnh thưa vắng khách trong chợ, các điểm bán hàng bên ngoài lại nhộn nhịp. Tầm 8 giờ sáng, các cung đường bao quanh chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) như Dương Vân Nga, Đình Điền, Tân Sơn Hòa…, khách lại đông đúc, tấp nập. “Kinh doanh trong chợ phải tốn tiền thuê mặt bằng 1,5 triệu đồng/tháng, tiền thuế khoảng 200.000 đồng/tháng, tiền rác… Trong khi bên ngoài, người bán chỉ tốn tiền hoa chi (phí chợ) là 50.000 đồng/người. Khách thích mua bên ngoài hơn vì chỉ cần dừng xe là có hàng; còn vô chợ phải gửi xe, đi bộ nhiều vòng “tay xách nách mang” chọn hàng. Chúng tôi đã khiếu nại nhiều lần với Ban quản lý (BQL) chợ nhưng đâu lại đó” - ông M., tiểu thương chợ, than thở.

Ðể hỗ trợ tiểu thương, BQL chợ Bàn Cờ giới thiệu, bảo lãnh họ vay vốn ưu đãi. Chợ cũng vận động thương nhân bán hàng có nguồn gốc, bình ổn giá thực phẩm trong thời điểm giá xăng dầu tăng cao. “Tuy nhiều tiểu thương đóng quầy sạp, nhưng chỉ một phần rất nhỏ treo biển sang sạp, còn lại họ vẫn giữ sạp và sẽ trở lại kinh doanh trong thời gian tới”, lãnh đạo chợ Bàn Cờ nhìn nhận.

Chuyển hàng lên chợ mạng

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại diện BQL chợ Bàn Cờ (quận 3) cho biết, chợ có 174 ki-ốt cố định và khoảng 290 vị trí kinh doanh trước nhà dân. Trong số 174 ki-ốt, khoảng 70% tiểu thương kinh doanh trở lại sau dịch, còn 30% vẫn tiếp tục đóng quầy.

“Nguyên nhân nhiều tiểu thương chưa trở lại chợ phần lớn vẫn còn e ngại dịch ảnh hưởng đến việc bán buôn. Với tiểu thương chưa bán trở lại, họ đều làm đơn để được ngưng đóng thuế quầy sạp… Thực tế mãi lực chợ đang giảm rất sâu, hiện chỉ còn khoảng 30% nên nhiều thương nhân vẫn chưa trở lại chợ. Ngoài ra, chợ cũng đang xin UBND quận 3 cho phép triển khai kế hoạch sắp xếp, quy hoạch lại các quầy hàng kinh doanh có hiệu quả hơn”, đại diện BQL chợ cho hay.

Theo BQL chợ Phạm Văn Hai, trong đợt dịch bệnh lần thứ nhất vào đầu năm 2020, chỉ có tám hộ trả giấy phép kinh doanh, đến làn sóng dịch bệnh lần thứ hai (khoảng tháng 7-8/2020), con số đó là khoảng 30 hộ. Hiện tổng số sạp của chợ là 1.688, số sạp trống khoảng 700, số lượng này thời gian tới sẽ tiếp tục tăng. Chợ Bàu Cát (quận Tân Bình) thông tin, tình hình kinh doanh tại chợ sau Tết rất chậm, số lượng tiểu thương ngưng kinh doanh ngày càng nhiều.

Chợ có tổng cộng 515 sạp. Trước Tết, khoảng 40% số lượng sạp ngưng kinh doanh, nay đã tăng lên khoảng 50%. Bà Nguyễn Thị Xuân Mai, Trưởng BQL chợ Bàu Cát, cho biết: “Chúng tôi đã liên tục gọi điện mời tiểu thương quay trở lại kinh doanh nhưng bà con cho rằng, do bên ngoài bán tự phát quá nhiều trong khi họ kinh doanh trong chợ phải đóng đủ thứ thuế, phí nên không cạnh tranh lại. Nhiều tiểu thương nợ tiền thuế từ tháng 10/2021 đến nay nhưng BQL vẫn chưa thu được do tiểu thương ngưng kinh doanh không có thu nhập”.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Phó BQL chợ An Đông 1, thông tin, chợ có hơn 2.000 quầy sạp kinh doanh nhưng hiện có khoảng 800 quầy sạp tạm ngưng kinh doanh, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Sức mua giảm mạnh dù tiểu thương cũng cố gắng áp dụng hình thức kinh doanh online.

Theo Sở Công Thương TPHCM, cơ sở vật chất các chợ truyền thống tại thành phố đang xuống cấp, tình trạng kinh doanh tự phát xung quanh chợ ngày càng nhiều. Sau đợt dịch, kênh phân phối truyền thống càng bộc lộ rõ những hạn chế, bất cập. Sự thích nghi, xu hướng cạnh tranh của hệ thống này đối với nhu cầu tiêu dùng có nhiều thay đổi đang đáp ứng rất chậm.

“Sở đang triển khai chợ truyền thống online, hiện có 20 chợ bán hàng theo hình thức này. Nếu chợ truyền thống bán chỉ một buổi thì giờ bán trực tuyến, có thể kinh doanh cả ngày. Chúng tôi cũng tham mưu với TPHCM nghiên cứu đề án chuyển đổi, xây dựng mô hình chợ truyền thống, chợ đầu mối thích ứng với tình hình dịch bệnh cũng như xu hướng chuyển đổi số”, Giám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ nói.

Chóng mặt khi giá hàng hóa ''nhảy múa''

Những ngày gần đây, nhiều người dân hoa mắt chóng mặt vì giá xăng, dầu, thực phẩm, cước vận tải… liên tục tăng cao.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Uyên Phương ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN