Nhiều người tiêu dùng quay lưng với thịt lợn, tiểu thương bỏ chợ cả loạt
Gần một tuần nay, người tiêu dùng quay lưng với thịt lợn khiến nhiều tiểu thương phải bỏ chợ vì quá ế ẩm...
Gần một tuần nay, người tiêu dùng quay lưng với thịt lợn khiến nhiều tiểu thương phải bỏ chợ vì quá ế ẩm...
Dân buôn kêu ế thảm
Theo khảo sát của PV Báo Giao thông tại các chợ dân sinh cho thấy, gần một tuần trở lại đây, thịt lợn tại các các chợ dân sinh lại rơi vào tình trạng ế thê thảm.
Tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), lượng người mua và bán thịt lợn đều giảm mạnh, giá thịt lợn vẫn đang “neo” cao chưa có dấu hiệu giảm. Cụ thể, thịt mông có giá 150 nghìn đồng/kg, thịt chân giò 170 nghìn đồng/kg, thịt vai 160 nghìn đồng/kg, thịt ba chỉ 170-180 nghìn đồng/kg...
Chị Liễu, một tiểu thương cho biết: Trước đây, sức mua dù có giảm, song mọi người vẫn mua đều tại thời điểm giá lợn hơi cao lập đỉnh. Trái ngược, mấy ngày nay người dân quay lưng với thịt lợn khiến nhiều thương lái phải nghỉ bán vì ế ẩm.
“Mấy hôm nay tôi đã phải nghỉ chợ, lượng mua chỉ còn 20% nên tôi phải gọi gom khách vào một ngày để đi chợ thay vì ngày nào cũng đi đều như trước đó. Hơn 50% tiểu thương phải nghỉ chợ và chắc chắn vẫn tiếp tục nghỉ tiếp nếu không giảm được giá thịt lợn", chị Liễu bày tỏ.
Tương tự, chị Thúy, tiểu thương chợ Cổ Nhuế cho rằng, ế ẩm là tình trạng chung của nhiều chợ dân sinh bởi không những người mua mà người bán cũng không thể chấp nhận được mức giá thịt lợn hiện tại. Nhiều người cũng nghỉ chợ vì không muốn bán hàng khi giá đã cao còn khó tiêu thụ.
"Theo kinh nghiệm nhiều năm kinh doanh của tôi, mức giá hiện tại là quá cao so với mức độ tiêu thụ thịt lợn trên thị trường. Tôi không đồng tình với giải thích nâng giá để bù lỗ những năm giá chỉ 20 nghìn đồng/kg lợn hơi của nhiều hộ nuôi. Nhà nước cần vào cuộc quyết liệt hơn..." chị Thúy nhận định.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, chị Dịu (Gia Lâm, Hà Nội) đặt câu hỏi: Thịt lợn ngoài chợ ế ẩm, tại sao các doanh nghiệp vẫn không giảm giá?. Có chăng là sự thâu tóm thị trường?. “Nếu nhà nước vào cuộc không được, người dân chúng tôi sẽ giảm ăn thịt lợn để thay thế thịt gà, bò, cá….mua ở siêu thị rất nhiều, giá lại rẻ”, chị Lan nói.
Đó cũng là nhận định của chị Thu (Mỹ Đình, Hà Nội): “Thịt lợn bán giá cao cả năm nay, nhiều doanh nghiệp lớn cũng lãi cao trong dịp này. Nếu so tổng đàn lợn với sức tiêu dùng thì không hề thiếu thịt vì nhiều gia đình cũng đã chủ động thay thế nguồn thịt ngay từ những ngày giá thịt tăng cao nên tôi vẫn đợi sự chia sẻ giá từ các doanh nghiệp theo yêu cầu của Bộ NN&PTNT”.
Nhập khẩu thịt lợn tăng 205% và chưa dừng lại...
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường tuyên bố rằng, nếu các doanh nghiệp không giảm giá thịt lợn, sẽ tăng cường nhập khẩu thịt trong thời gian tới.
Trước diễn biến thị trường đang bị tác động của dịch bệnh Covid-19, Bộ NN&PTNT vừa đề nghị Bộ Tài chính xem xét, sớm có chính sách giảm thuế nhập khẩu thịt lợn. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước có chính sách cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn vay vốn kinh doanh với lãi suất ưu đãi...để tiếp tục nhập khẩu trong thời gian tới.
Theo Cục Thú y, Bộ NN&PTNT, tính đến hôm nay (17/3), Việt Nam đã nhập khẩu 25.291 tấn thịt lợn và sản phẩm thịt lợn, tăng 205% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, nhập khẩu từ Canada chiếm 29,35%, từ Đức chiếm 19,43%, từ Ba Lan chiếm 11,83%, từ Braxin chiếm 9,98%, từ Hoa Kỳ chiếm 5,53%....
Bộ NN&PTNT cho biết, theo thống kê của các tổ chức quốc tế, tổng đàn lợn của cả thế giới vào tháng 1/2020 đạt khoảng 678 triệu con, giảm khoảng gần 12% so với năm 2019. Trong đó, Trung Quốc có khoảng 335 triệu con (chiếm khoảng 49%, kế đến là châu Âu 149 triệu con (chiếm 22%) và Hoa Kỳ là hơn 77 triệu con (chiếm hơn 11%).
"Diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 không loại trừ khả năng có tác động lớn đến sản xuất, xuất nhập khẩu lợn và các sản phẩm thịt lợn, trong đó một số nước tạm dừng nhập cảnh để ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 nên có thể ảnh hưởng đến các hoạt động thương mại giữa các nước, các doanh nghiệp cũng đứng trước những khó khăn nhất định", Bộ NN&PTNT nhận định.
Những ngày qua, nhu cầu về sản phẩm liên quan đến phòng dịch như khẩu trang; nước sát khuẩn… liên tục tăng cao đã kéo...
Nguồn: [Link nguồn]