Nhiều người giàu lên vì "giấy phép con"

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết, các bộ, ngành đã ra rất nhiều điều kiện kinh doanh; doanh nghiệp vì thế mà bị gây khó dễ. Và theo đó, một số cán bộ biến chất có thể đặt điều kiện và buộc doanh nghiệp làm theo.

Nhiều người giàu lên vì "giấy phép con" - 1

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh

Còn khoảng một tuần nữa là tới mốc 1.7 - thời hạn quy định các điều kiện kinh doanh của các bộ, ngành quy định trong thông tư không còn hiệu lực nếu không đưa lên thành nghị định. Như vậy, sẽ có khoảng 3.500 điều kiện kinh doanh ban hành chưa đúng thẩm quyền có thể được loại bỏ khỏi nền kinh tế. Và hiện “cuộc đua” nâng cấp thông tư lên thành nghị định đang bước vào giai đoạn nước rút.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhiều bộ vẫn “sao chép y nguyên thông tư cũ, điều kiện cũ sang nghị định mới”. Trong khi Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh phải kiên quyết loại bỏ các điều kiện kinh doanh không hợp lý, không cần thiết, gây cản trở, khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo thống kê, có khoảng 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, mỗi ngành nghề đó có rất nhiều điều kiện kinh doanh. Hiện có khoảng 7.000 giấy phép con, tức các điều kiện đầu tư kinh doanh quy định tại các thông tư và khoảng một nửa trong số này là trái luật. Con số trên là quá nhiều, việc cắt giảm là cần thiết vì giấy phép liên quan tới thủ tục hành chính, cơ chế xin cho...

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết, các bộ, ngành đã ban hành rất nhiều thông tư hướng dẫn để ra những điều kiện kinh doanh; gây khó khăn cho doanh nghiệp, bắt doanh nghiệp phải thực hiện. Và theo đó, người cán bộ đó có thể đặt điều kiện với doanh nghiệp.

“Tôi rất hoan nghênh những chỉ thị của Thủ tướng về hạn chế giấy phép con. Đây là một bước tiến lớn, rất khó khăn bởi nhiều người giàu lên vì giấy phép con. Chúng ta phải bãi bỏ tình trạng này, nhất là khi Thủ tướng đã có chỉ thị”, ông Doanh nói.

Cũng theo ông Doanh, khi gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, nếu Việt Nam mà gây khó cho doanh nghiệp thì người ta sẽ sang nước khác kinh doanh chứ không ở lại với Việt Nam nữa.

Tuy nhiên, việc giải quyết vấn đề giấy phép con cũng không hề đơn giản. Ông Doanh cho rằng, một số bộ đã bê nguyên thông tư lên nghị định để hợp thức hóa những giấy phép con đó. Cho nên việc xây dựng các nghị định cũng phải rà soát thật kĩ lưỡng.

“Tình trạng các bộ ngành "chép lại" điều kiện kinh doanh trong các thông tư vào nghị định hay ban hành điều kiện kinh doanh không có cơ sở hợp lý. Điều này không những gây khó khăn, cản trở hoạt động kinh doanh mà còn trái với quy định tại khoản 1, Điều 7, Luật Đầu tư năm 2014”, ông Doanh nói.

Không chỉ rà soát khi ban hành, theo ông Doanh, sau khi ban hành cần phải giám sát, để các doanh nghiệp căn cứ vào những nghị định của Chính phủ mà bác bỏ những quy định phi lý. Các doanh nghiệp có thể phản ánh với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương hoặc phản ánh lên báo chí.

Theo bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, quy định điều kiện kinh doanh cần đáp ứng 4 tiêu chí: tính cần thiết, rõ ràng, hợp lý và không chồng chéo với quy định của bộ ngành khác. Nếu không đáp ứng đủ thì không nên được đưa vào các nghị định sắp ban hành.

Tại cuộc họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật của Chính phủ ngày 23.6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Nhà nước pháp quyền không có nghĩa là xây dựng thật nhiều văn bản quy phạm pháp luật mà quan trọng là chất lượng văn bản; không phải chạy theo số lượng mà là phải là chất lượng văn bản, làm sao tạo cơ chế quản lý tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, tạo động lực phát triển mới, thực hiện cho được mục tiêu phát triểndoanh nghiệp trong thời gian tới.

“Các văn bản mặc dù được xây dựng theo quy trình rút gọn song không vì tiến độ mà ảnh hưởng đến chất lượng, không đưa y nguyên thông tư cũ, quy định cũ lên thành nghị định mới”, Thủ tướng lưu ý.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng bày tỏ quan điểm rằng, tinh thần là cởi trói, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nếu có ranh giới không rõ ràng giữa điều kiện kinh doanh với quy chuẩn, tiêu chuẩn thì thà “bỏ sót” điều kiện kinh doanh còn hơn là đưa vào nghị định để trói buộc doanh nghiệp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Lâm (Một thế giới)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN