Nhiều người bị mắc bẫy hợp đồng nghỉ dưỡng
Ngày 30/7, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia - Bộ Công Thương cho biết thời gian qua đã có nhiều người dân bị mắc bẫy khi tham gia mô hình dịch vụ nghỉ dưỡng có tên gọi “hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ”.
Theo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, thời gian qua xuất hiện các mô hình kinh doanh với các hợp đồng kinh doanh nghỉ dưỡng dài hạn (thường có thời hạn hợp đồng từ vài năm đến vài chục năm) dưới nhiều tên gọi như “Hợp đồng nghỉ dưỡng”, “Hợp đồng dịch vụ tuần nghỉ hạnh phúc”, “Hợp đồng kỳ nghỉ gia đình”, “Hợp đồng mua bán thẻ du lịch”...
Theo đó, người mua quyền nghỉ dưỡng, quyền sở hữu kỳ nghỉ được quyền sử dụng căn hộ, biệt thự nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian dài hạn cho bản thân và những người mà khách hàng đăng ký.
Đổi lại, khách hàng sẽ thanh toán toàn bộ giá trị hợp đồng trước khi sử dụng dịch vụ, thường từ 200-800 triệu đồng phụ thuộc vào loại căn hộ và thời gian. Ngoài ra, khách hàng có thể phải chi trả các khoản chi phí khác như phí duy trì, phí thường niên, phí chuyển nhượng, phí trao đổi và bên mua không được hủy ngang hợp đồng.
Theo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, hiện có 3 loại hình nghỉ dưỡng dài hạn: Tuần nghỉ cố định trong năm tại một loại phòng nghỉ cụ thể, tuần nghỉ không cố định hay tuần thả nổi và thẻ kỳ nghỉ hay thẻ tích lũy điểm trừ dần linh động theo nhu cầu của khách hàng.
Về phía doanh nghiệp cung cấp kỳ nghỉ có thể sở hữu hoặc không sở hữu khu nghỉ dưỡng. Trong trường hợp có sở hữu khu nghỉ dưỡng, sở hữu kỳ nghỉ có thể được bán dưới dạng "hình thành trong tương lai" như một hình thức huy động vốn để chủ sở hữu sử dụng tiền thu được vào việc xây dựng khu nghỉ dưỡng.
Nhiều người dân bị mắc bẫy với các hợp đồng kỳ nghỉ.
Hình thức tiếp cận, chào mời khách hàng tham gia mô hình nghỉ dưỡng dài hạn phổ biến được các doanh nghiệp thực hiện thông qua tổ chức sự kiện để tặng quà, tặng kỳ nghỉ miễn phí và khảo sát nhu cầu du lịch của người dân.
Theo phản ánh của người dân, hình thức tiếp cận, chào mời khách hàng tham gia dịch vụ nghỉ dưỡng dài hạn phổ biến tại các doanh nghiệp là tổ chức sự kiện để tặng quà, tặng kỳ nghỉ miễn phí và khảo sát nhu cầu du lịch của người dân, đặc biệt là người cao tuổi.
Tại đây, các công ty sử dụng nhiều chiến lược bán hàng tinh vi, bài bản khiến nhiều người dân đặt cọc, ký hợp đồng một cách vội vàng ngay cả khi chưa được cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm cũng như chưa được cung cấp, chưa nghiên cứu hợp đồng và che giấu một số thông tin quan trọng như nghĩa vụ của bên mua, các loại phí phát sinh, điều khoản bất lợi trong hợp đồng…
Khi nhận ra sản phẩm trên thực tế không đúng nguyện vọng, người dân yêu cầu bên bán chấm dứt hợp đồng, hoàn trả tiền nhưng không được chấp nhận.
Kiểm tra hợp đồng, người dân mới phát hiện bên bán thiết kế nội dung giao dịch tiềm ẩn rủi ro theo hướng bất lợi cho bên mua. Cùng với đó, bên bán không sở hữu khu nghỉ dưỡng nhưng vẫn cung cấp dịch vụ nghỉ dưỡng dài hạn và thu toàn bộ giá trị hợp đồng của bên mua trước khi cung cấp dịch vụ
Từ một số rủi ro tiềm ẩn được người dân phản ánh trên, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khuyến cáo người tiêu dùng khi tham gia sự kiện giới thiệu sản phẩm, cần tìm hiểu rõ thông tin về loại hình sản phẩm, dịch vụ được giới thiệu tại sự kiện. Trước khi quyết định, cần yêu cầu cung cấp đầy đủ bộ hợp đồng và nghiên cứu kỹ, so sánh các thông tin được quảng cáo, chào bán hoặc “cam kết miệng” của doanh nghiệp với các điều khoản quy định chính thức tại dự thảo hợp đồng.
"Ngoài ra, cần làm rõ các điều kiện, hạn chế đối với bên mua trong việc hưởng, chuyển nhượng quyền nghỉ dưỡng, cũng như các điều khoản bất lợi khác trong hợp đồng", Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khuyến cáo.
Nguồn: [Link nguồn]
Chỉ thông qua một vài thao tác, người mua hàng online đã “sập bẫy” lừa đảo, mất hơn 7 triệu đồng.