Nhiều mẫu nông, thủy sản nhiễm hóa chất

Ngày 17/9, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT đã họp giao ban đánh giá công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn vệ sinh thực phẩm nông lâm thủy sản tháng 8 và 9. Điều đáng lo ngại là số vụ việc, số mẫu thực phẩm không đảm bảo ATVSTP, nhiễm dư lượng thuốc BVTV, hóa chất và kháng sinh ngày một tăng.

40% mẫu giá đỗ kiểm tra nhiễm e.coli, salmonella

Tại cuộc họp, ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết, từ ngày 10/8 đến 10/9 tại cửa khẩu 2 tỉnh Lạng Sơn và Lào Cai, cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện 4 mẫu thực phẩm nguồn gốc thực vật nhập khẩu từ Trung Quốc có vi phạm dư lượng hóa chất vượt quá mức cho phép gồm: 1 mẫu mận tươi chứa dư lượng carbendazim tại cửa khẩu Lạng Sơn, 2 mẫu nho nhiễm dư lượng difenconazole và 1 mẫu lựu có tubeconazole. Cục đã chỉ đạo các đơn vị xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng quy định. Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản đã tăng cường kiểm tra với nho tươi, khoai tây, lựu và một số sản phẩm.

Nhiều mẫu nông, thủy sản nhiễm hóa chất - 1
Rau quả sạch luôn được người tiêu dùng lựa chọn.

“Chúng tôi đã thông báo cho phía Trung Quốc. Họ chấp nhận kết quả trên và không phản ứng với kết quả. Chúng tôi cũng đã nâng tần suất lên kiểm tra tại cửa khẩu và Việt Nam sẽ làm đúng như thông lệ quốc tế, dừng nhập nếu thấy có vi phạm 3 lần”, ông Hào khẳng định.

Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV, người dân không nên ăn sống giá đỗ và rau mầm bởi qua 50 mẫu giá đỗ được đơn vị này lấy kiểm tra, các chỉ tiêu về vi sinh vật rất đáng lo ngại. Theo kết quả, có tới 40% giá đỗ có chứa vi sinh vật e.coli, salmonella...

Ông Hồng cho biết, ngoại trừ asen có hàm lượng thấp và hầu như không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng, giá đỗ và rau mầm nếu sử dụng thuốc kích thích sinh trưởng không đúng quy trình và thuốc không nằm trong danh mục cho phép sử dụng vẫn có những ảnh hưởng nhất định tới sức khỏe. Ông Hồng khuyến cáo người dân không nên ăn sống giá đỗ và rau quả bởi rửa nước muối, thuốc tím và ô zôn chỉ làm giảm chứ không xử lý được vi khuẩn. Tuy nhiên, ông Hồng cũng trấn an, người tiêu dùng không nên quá hoang mang bởi 3 loại vi sinh vật trên đều bị tiêu diệt trong điều kiện nấu chín.

Cục BVTV cũng kiến nghị với lãnh đạo Bộ NN&PTNT sớm xây dựng văn bản kỹ thuật về quy trình sản xuất rau mầm và giá đỗ. Ngoài ra, Cục BVTV cũng đã tiến hành lấy mẫu kiểm định chỉ tiêu 30 mẫu chè các thương hiệu khác nhau trên thị trường, chọn 12 hoạt chất để kiểm tra và kết quả cho thấy, cả 30 mẫu chè đều đảm bảo, với 12 hoạt chất đều có dư lượng thấp.

Nhiều mẫu nông, thủy sản nhiễm hóa chất - 2
Rau mầm rất dễ trồng, người dân có thể tận dụng tự trồng tại nhà.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, lâu nay, cơ quan quản lý thuốc BVTV chủ yếu tập trung khâu quản lý mà xem nhẹ khâu tổ chức, hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV cho người nông dân. Ngay cả vấn đề mất ATVSTP trong giá đỗ và rau mầm, ông Phát cho rằng, khâu lưu thông cũng tạo ra nguy cơ cao nhiễm các vi khuẩn, vi sinh vật có hại chứ không chỉ trong việc sản xuất.

Hàng trăm mẫu thủy sản nuôi nhiễm hóa chất, kháng sinh

Tính đến tháng 8 đã có 50 tỉnh, thành báo cáo Bộ NN&PTNT về công tác giám sát, thanh tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm nông lâm thủy sản. Theo đó, số cơ sở được kiểm tra đánh giá lần đầu xếp loại C còn cao đối với cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm là 57,56%; sản xuất kinh doanh nông sản là 31%; cơ sở chăn nuôi là 85,1%; sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi là 18,3%; phân bón là 18,57%.

Khó khăn nhất hiện nay về qui hoạch cơ sở giết mổ là tại các địa phương có nhiều điểm giết mổ nhỏ lẻ, đây là yếu tố ảnh hưởng lớn đến việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của các địa phương. Cũng trong tháng 8, lực lượng Thanh tra Bộ cũng phát hiện 3 trên tổng số 374 mẫu thủy sản nuôi nhiễm hóa chất, kháng sinh và chất hạn chế sử dụng. Cục đã yêu cầu các đơn vị liên quan xử lý theo đúng quy định.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát yêu cầu, trong cuối tháng 9, đầu tháng 10, các đơn vị liên quan cần kiểm điểm và chịu trách nhiệm với việc ban hành Thông tư 33, 34 về quy định bán thịt lợn trong vòng 8 tiếng đồng hồ và kinh doanh trứng gia cầm phải có những tiêu chuẩn như buồng lạnh, đóng gói, khử trùng… gây phản ứng tiêu cực trong dư luận. Theo ông Phát, tùy theo cấp độ sẽ có hình thức kỷ luật đối với các cá nhân liên quan.

Ông Phát cũng giao Vụ Khoa học công nghệ gấp rút xây dựng quy chuẩn sản xuất giá đỗ an toàn. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu, trong tháng 9, các Cục phải kiểm tra sâu về chất lượng măng, bò khô, cá biển có sử dụng ure ướp cá hay không.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, TP chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh giá đỗ và rau mầm tại địa phương. Theo đó, các địa phương cần quản lý chặt việc kinh doanh, sử dụng các thuốc xử lý hạt, kích thích, điều hòa sinh trưởng trong sản xuất giá đỗ, rau mầm, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh, buôn bán, sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất ngoài danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam.

Ông Phát yêu cầu các địa phương tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và tuyên truyền sâu rộng cho các cơ sở sản xuất giá đỗ, rau mầm nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đặc biệt, khuyến cáo, hướng dẫn người sản xuất không sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, không có trong danh mục hóa chất bị cấm ở Việt Nam. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người tiêu dùng cách lựa chọn, bảo quản, chế biến, sử dụng giá đỗ, rau mầm để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Nâng cao ý thức cảnh giác của người dân trong việc phát hiện các vi phạm hoặc nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm và báo với chính quyền địa phương để xử lý kịp thời.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Chi Linh (Công an nhân dân)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN