Nhiều doanh nghiệp muốn buông xuôi

Tình hình kinh tế đang khó khăn, nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác nhau cho biết cố gắng cầm cự được vài tháng nữa hoặc thậm chí có thể buông xuôi bất cứ lúc nào.

Chìm xuồng vì sức mua kém

Trao đổi với PV, Chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp ngành thực phẩm tại miền Bắc cho biết, công ty đặt mục tiêu năm 2012 đạt lợi nhuận khoảng 120 tỷ đồng, nhưng qua thực tế, đến nay đã phải điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận 3 lần xuống còn 70 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhiều khả năng mục tiêu điều chỉnh vẫn không đạt được do sức mua của thị trường quá thấp. Công ty đã vận dụng các chiến lược bán hàng linh hoạt, gia tăng khuyến mãi trong bối cảnh nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí nhân công, vận chuyển liên tục tăng.

“Với sức mua kém như hiện nay, doanh nghiệp khó có thể đạt mức tăng trưởng như kỳ vọng. Đến nay mức nợ vay ngân hàng của doanh nghiệp khá cao nhưng vẫn phải tiếp tục đầu tư mở rộng mạng lưới bán hàng để giữ thị phần. Chừng nào nguồn tiền được lưu thông trở lại và Chính phủ có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ một cách tích cực hơn nữa, may ra các doanh nghiệp mới có cơ hội phục hồi. Dự báo tình hình sẽ khó khăn nữa trong thời gian tới nếu sức mua không được cải thiện và lượng doanh nghiệp thu hẹp sản xuất sẽ ngày càng nhiều” - vị lãnh đạo doanh nghiệp trên nói.

Ông Hoàng Vệ Dũng, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết, lo nhất hiện nay là việc mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu nước ngoài để duy trì đà tăng trưởng trong năm 2013.

Nhiều doanh nghiệp muốn buông xuôi - 1
Doanh nghiệp dệt may liên tục khuyến mãi để tăng sức mua.

Theo dự báo năm 2013, xuất khẩu dệt may tiếp tục gặp khó khăn do kinh tế thế giới khó khăn nên tập đoàn cùng các đơn vị thành viên tăng cường phát triển thị trường trong nước bằng cách liên tục đưa ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá định kỳ hàng tháng, hàng quý để đẩy sức mua.

“Tập đoàn xác định mức tăng trưởng 15%. Để đảm bảo mục tiêu đề ra, chúng tôi sẽ tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước như Nhật Bản, Nga do đây là những thị trường lớn. Tập đoàn cũng củng cố, đẩy mạnh xuất khẩu hướng sang thị trường Mỹ thông qua hiệp định giữa hai nước. Nếu làm được thì đây sẽ là cầu nối tốt cho xuất khẩu của ngành trong năm 2014”, ông Dũng nói.

Còn ông Cao Tiến Vị, Chủ tịch HĐQT Tổng Cty Giấy Việt Nam cũng không giấu sự khó khăn. Ở thị trường trong nước, các doanh nghiệp liên tục phải đưa ra các chiến lược để cạnh tranh về chính sách bán hàng với các đơn vị sản xuất, thương mại trong khi nhu cầu tiêu dùng từ đầu năm đến nay vẫn giảm, tính thanh khoản kém nên một số đơn vị sản xuất trong nước phải cắt giảm sản lượng hoặc đóng máy.

Theo ông Vị, lượng tồn kho của doanh nghiệp đến nay vẫn cao, tăng trên 20% so với cùng kỳ. Do đó, các doanh nghiệp trong ngành cần phải nghiên cứu, tính toán lại. Khó khăn này kéo dài nhiều doanh nghiệp chắc chắn sẽ không trụ được.

Năm 2013: Tồn tại hay không tồn tại?

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chăn nuôi Chế biến xuất nhập khẩu (Aprocimex), ông Đoàn Trọng Lý cho biết, vốn và thị trường là khó khăn muôn thuở của doanh nghiệp.

Hiện nay, hợp đồng mới không có, hợp đồng cũ cái nào cũng dở dang vì thiếu vốn. Thị trường xuất khẩu gần như đóng băng, thị trường trong nước sức mua giảm.

Theo ông Lý, cần khơi thông dòng vốn. Đó là câu chuyện doanh nghiệp làm được tốt thì phải được tiếp cận dòng tiền của ngân hàng. Đừng để một doanh nghiệp chết sẽ kéo theo những doanh nghiệp khác ảnh hưởng.

“Vướng vào nợ nần lẫn nhau là điều không mong muốn, nhưng ngân hàng cũng cần phải xem xét kỹ phương án kinh doanh. Níu nhau vì nợ mà ngần ngại nhau cho vay còn nguy hiểm hơn. Thời gian tới là cao điểm với doanh nghiệp để chuẩn bị hàng hóa cuối năm nên việc khơi thông dòng vốn cũng giống như cộng đồng doanh nghiệp cần tới nguyên liệu, cần dầu mỡ đổ vào guồng máy để có thể vận hành”, ông Lý chia sẻ.

Trao đổi với báo chí mới đây, bà Võ Thị Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thuận Thảo cho biết, doanh nghiệp đang trong giai đoạn thử lửa thực sự.
Là người lăn lộn thương trường nhiều năm để xây dựng một doanh nghiệp hoạt động đa ngành lớn với nhiều thành công, nhưng bản thân bà cũng cảm thấy thực sự mệt mỏi.

Những nút thắt của nền kinh tế không được gỡ triệt để trong bối cảnh diễn biến kinh tế thay đổi nhanh buộc doanh nghiệp này đã phải đưa ra những quyết định thu hẹp phạm vi hoạt động.

Ban lãnh đạo công ty nhận định phải chấp nhận thu gọn hoạt động, thậm chí hủy bỏ những mảng kinh doanh được đánh giá là nổi bật (nhưng hiệu quả thấp) để “giữ sức” cho thời gian khó khăn (được dự báo sẽ còn kéo dài trong năm tới).

Bà Thanh thẳng thắn: “Giờ này với doanh nghiệp không phải lúc tiến mà cần tính toán để tồn tại trước đã. Ở giai đoạn khó khăn hiện nay, chủ DN chỉ nên duy trì những lĩnh vực cốt lõi, có tầm nhìn chiến lược. Chúng tôi phải dừng hoạt động hệ thống siêu thị lớn nhất tại Phú Yên. Tuy nhiên, khách sạn 5 sao vẫn được duy trì hoạt động với quản lý là người nước ngoài. Một lĩnh vực khác cũng được Thuận Thảo duy trì và mở rộng là dịch vụ vận tải”.

Theo các doanh nghiệp, tình hình kinh tế năm 2013 vẫn chưa sáng. Nguồn vốn eo hẹp, ngân hàng giảm vốn cho vay ngành sản xuất nông nghiệp, nhiều chính sách phát triển bền vững cho doanh nghiệp không có, lãi suất cao, vốn khó vay là những yếu tố rào cản chính khiến doanh nghiệp sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong thời gian tới.

Ông Lê Quang Thành, Tổng Giám đốc Cty CP Thức ăn chăn nuôi Thái Dương cho biết, khó khăn nhất năm nay là vốn cho sản xuất. Với doanh nghiệp làm lâu năm, có uy tín, trả đúng hạn, ngân hàng vẫn để cửa cho vay còn các doanh nghiệp khác thì khó khăn hơn nhiều.

Năm 2013 dự báo, DN Việt Nam đối diện với nguồn vốn eo hẹp, ngân hàng giảm vốn cho vay ngành sản xuất nông nghiệp. Hơn nữa, nhiều chính sách phát triển bền vững cho DN còn yếu ở khâu tài chính, công nghệ, nên doanh số giảm mạnh, trong khi lãi suất cao, vốn khó vay.

“Chúng ta cần xem lại nguồn vốn đầu tư các doanh nghiệp nước ngoài. Thực chất họ mang bao nhiêu tiền sang đầu tư, hay đang vay hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam và vay bao nhiêu? Tôi thấy nhiều doanh nghiệp nước ngoài thì vay được vốn rất lớn, còn doanh nghiệp của Việt Nam thì khó vay, vay được ít. Nguồn vốn chỉ như một miếng bánh, ông này ăn, thì ông kia làm gì còn nữa”, ông Thành chia sẻ.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, cứu doanh nghiệp là việc cần làm nhanh và khẩn trương. Bởi vì doanh nghiệp có tồn tại, phát triển thì nền kinh tế mới tăng trưởng. Khi doanh nghiệp đã kiệt quệ hoặc “chết lâm sàng” mới ra tay cứu thì không còn ý nghĩa gì nữa. Khi thực hiện giải cứu các doanh nghiệp, không có tiêu chí phân biệt doanh nghiệp lớn thì được ưu tiên hơn doanh nghiệp nhỏ. Lĩnh vực này cần ưu tiên hơn lĩnh vực kia. Trường hợp làm ăn thực sự yếu kém thì cần để cho họ “chết”, chỉ dồn sức cho doanh nghiệp có hoạt động minh bạch và có tiềm năng phát triển.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tuyên - Nguyễn Hạnh (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN