Nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra đóng cửa
Sáng 28/12, dư luận ở ĐBSCL xôn xao khi lãnh đạo một số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu sản phẩm cá tra cho biết, sẽ đóng cửa vào đầu tháng 1/2015.
Cty TNHH Công nghiệp Thủy sản Miền Nam (Cty Miền Nam) ở khu công nghiệp Trà Nóc - Cần Thơ cũng gửi thư điện tử đến lãnh đạo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, thông báo đóng cửa vào ngày 1/1/2015.
Ảnh minh họa
PV Tiền Phong liên hệ với PGĐ Cty Miền Nam, ông Dương Việt Thắng. Ông Thắng xác nhận thư điện tử của Cty Miền Nam và giải thích lý do đóng cửa là “sản phẩm 10% mạ băng và hàm lượng ẩm 83% bán không ai mua”. Cty Miền Nam chuyên chế biến xuất khẩu sản phẩm cá tra từ năm 2006, hiện có khoảng 1.000 công nhân, kim ngạch năm 2014 hơn 40 triệu USD, là một trong 10 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hàng đầu cả nước.
“Doanh nghiệp luôn vượt qua mọi khó khăn của thị trường để tồn tại, nhưng doanh nghiệp lúc này phải chết vì chính sách không phù hợp của cơ quan quản lý”, ông Thắng nói. Theo ông Thắng, căng thẳng nhất là quy định hàm lượng ẩm không quá 83% mới được Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản chứng nhận để làm thủ tục xuất khẩu.
Hiện Cty Miền Nam đang chế biến sản phẩm cá tra hàm lượng ẩm 86%, nếu hạ xuống 83% thì giá thành tăng hơn 30%, chưa được thị trường chấp nhận. Ông Thắng giải thích, hàm lượng ẩm 86% là tiêu chuẩn đề ra của Tổ chức Lương nông Liên Hợp Quốc và Bộ Nông nghiệp Mỹ, cho mọi loại cá phi-lê đông lạnh để đảm bảo chất lượng ngon, đang được nhiều thị trường chấp nhận. Còn hàm lượng ẩm 83% cho sản phẩm cá tra được Bộ NN&PTNT nước ta đặt ra nhằm nâng cao chất lượng thì ông Thắng nói “hoàn toàn đồng ý nhưng cũng phải có lộ trình để thị trường chấp nhận”.
Khi cá tra nước ta bỏ thị trường thì sản phẩm được hưởng lợi lớn nhất theo tôi biết là cá minh thái và vài loại cá nữa của Trung Quốc”, ông Thắng kết luận.
PV Tiền Phong cũng liên hệ với Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Cá tra VN Võ Hùng Dũng. Ông Dũng cho rằng, giảm hàm lượng ẩm để nâng cao chất lượng sản phẩm cá tra là rất cần thiết nhưng quan điểm của ông “cần có một khung cơ động từ 83% đến 85%, chứ không nên quá cứng với tỷ lệ 83%”.