Nhiều “đất” cho cửa hàng tiện lợi

Sự kiện: Kinh Doanh

Nếu rút dần được khoảng cách chênh lệch về giá cả với đại lý bán lẻ và chợ truyền thống thì cửa hàng tiện lợi có nhiều cơ hội để phát triển.

Theo công bố mới nhất của Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, hơn 1/3 số hộ gia đình Việt hiện nay đã mua sắm tại các siêu thị nhỏ và cửa hàng tiện lợi.

Cơ hội phát triển

Năm 2012-2014, số lượng cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam đã tăng gấp đôi, từ 147 lên 348. Cùng thời điểm đó, chuỗi siêu thị mini cũng tăng từ 863 lên 1.452 điểm bán.

Nhiều “đất” cho cửa hàng tiện lợi - 1

Người tiêu dùng quen dần với hình thức mua sắm qua các siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi Ảnh: HÀ PHƯƠNG

Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cũng công bố 34% người tiêu dùng thường xuyên mua sắm tại đại siêu thị và 29% tại siêu thị. Trong khi đó, 22% người tiêu dùng chọn mua hàng tại các cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini. Ông Vaughan Ryan, Tổng Giám đốc Công ty Nielsen Việt Nam, cho rằng mô hình bán lẻ này sẽ có nhiều cơ hội phát triển trong thời gian tới.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, nhận định sự xuất hiện của các cửa hàng tiện lợi nhận được sự phản hồi khá tốt từ thị trường với sự phát triển đều đặn trên 2 con số mỗi năm.

“Đây là kênh bán hàng hiện đại, hàng hóa có xuất xứ rõ ràng, hệ thống quản trị tốt và là cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, hộ nông dân đưa hàng hóa vào đây. Bộ Công Thương đã quan tâm đến chính sách thúc đẩy các kênh này phát triển. Đây cũng là định hướng được Chính phủ quan tâm để đẩy mạnh xu thế phát triển thị trường bán lẻ của Việt Nam trước thực tế bán lẻ nước ngoài ồ ạt tràn vào” - bà Nga nhấn mạnh.

Theo Bộ Công Thương, với DN, bài toán đầu tư vào cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini dễ hơn nhiều so với siêu thị truyền thống, đại siêu thị. Trong khi một siêu thị chuẩn cần mặt bằng khoảng 10.000 m2 với số vốn lên tới vài trăm tỉ đồng thì việc mở một siêu thị mini đơn giản hơn rất nhiều. Ngoài ra, số lượng mặt hàng không quá lớn, thời gian thu hồi vốn của mô hình cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini lại khá nhanh...

Saigon Co.op đang có doanh thu lớn nhất từ các cửa hàng bán lẻ với 3 chuỗi Co.opXtra, Co.opmart và siêu thị mini Co.op Food, gồm 178 cửa hàng với doanh thu năm 2015 từ mảng này là 25.000 tỉ đồng. Còn với Vingroup, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini là phân khúc phát triển nhanh nhất, trong đó chuỗi Vinmart dẫn đầu về số lượng với 825 cửa hàng vào cuối tháng 6-2016. Ngoài ra, thị trường còn ghi nhận nhiều tên tuổi nổi bật khác như B’s mart (trước đây là Family Mart) với 146 cửa hàng, doanh thu ước tính khoảng 200 tỉ đồng trong năm 2015; Satrafoods với 80 cửa hàng; 210 cửa hàng Shop&Go và 178 cửa hàng tiện lợi Circle K…

“Mô hình bán lẻ truyền thống vẫn đang chiếm lĩnh thị trường với 72% thị phần và dự kiến sẽ giảm còn 60% vào năm 2020. Theo thống kê, hiện cứ 69.000 người Việt mới có 1 cửa hàng tiện ích, trong khi ở Trung Quốc là 21.000 người, Hàn Quốc 1.800 người. Dư địa phát triển của thị trường còn rất lớn, cộng với thói quen tiêu dùng của người Việt đang có sự thay đổi nhanh chóng khiến mô hình bán lẻ hiện đại này trở thành mảnh đất nhiều tiềm năng” - Bộ Công Thương dự báo.

Doanh nghiệp FDI chiếm ưu thế

Theo báo cáo về tình hình thương mại trong nước năm 2016 của Bộ Công Thương, các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 70% thị phần bán lẻ qua cửa hàng tiện lợi; khoảng 17% qua trung tâm thương mại, siêu thị; 15% qua siêu thị mini và khoảng 50% qua các hình thức bán hàng trực tuyến, truyền hình, điện thoại… Như vậy, khối FDI đang chiếm lĩnh phân khúc bán hàng qua hệ thống cửa hàng tiện lợi và chiếm phần đáng kể trong nhóm siêu thị mini.

Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, ông Vũ Vinh Phú, cho rằng để khắc phục tình trạng này, các DN sản xuất lẫn phân phối trong nước cần liên kết chặt nhằm tăng tốc đầu tư, tận dụng được thế mạnh của mình, từ đó tạo được vị thế trên thị trường. “Cái khó nhất cần vượt qua là sự kết nối giữa đơn vị sản xuất và nhà phân phối để giảm khâu trung gian, hạ giá thành sản phẩm. Có như thế mới cạnh tranh được với các loại hình bán hàng truyền thống như chợ, cửa hàng tạp hóa…” - ông Phú nhìn nhận.

Điểm trừ lớn nhất của cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini là giá cả cao hơn đại siêu thị cũng như chợ truyền thống hay các cửa hàng tạp hóa. Do đó, giới chuyên gia cho rằng trong tương lai, để tận dụng được dư địa của thị trường và cạnh tranh được, phân khúc cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini bắt buộc phải giảm giá sản phẩm thông qua tiết giảm chi phí, tinh gọn các khâu phân phối và lựa chọn sản phẩm nội địa có chất lượng ổn định.

Bà Lê Việt Nga cho hay tỉ lệ hàng Việt ở hệ thống siêu thị, các cửa hàng tiện lợi, hệ thống bán lẻ, đại lý hiện đạt mức khá cao với 80%. Những kênh phân phối lớn như Vingroup, Co.opmart, Big C… đã cam kết đưa nông sản, hàng tiêu dùng của các DN Việt vào những hệ thống này.

Nhiều lỗ hổng!

Đại diện Bộ Công Thương lý giải hiện tượng số lượng cửa hàng tiện lợi tăng mạnh ở nhiều địa phương là do những hệ thống phân phối dưới 500 m2 không bị áp quy tắc kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) và việc xin giấy phép cũng dễ dàng…

Sự ra đời và bùng nổ của các hệ thống này tuy được người tiêu dùng đón nhận nhưng theo ông Vũ Vinh Phú, hiện còn lỗ hổng cần khắc phục là chưa có văn bản pháp lý quy định về chất lượng hàng hóa, hóa đơn, chứng từ cũng như chất lượng nhân viên phục vụ… Do đó, cần có sự phân loại, đánh giá và ban hành chính sách thuế phù hợp, tạo môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch để DN đầu tư hiệu quả.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Nhung (Người lao động)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN