Nhiều chợ bỏ hoang
Ở Kiên Giang và Sóc Trăng có nhiều chợ, trung tâm thương mại xây xong rồi bỏ hoang do không có tiểu thương vào buôn bán. Trong khi đó nhiều nơi tiểu thương lại buôn bán tại những khu chợ tạm, lụp xụp.
Tại khu vực chợ nông sản nằm trong khu đô thị Thứ Bảy, huyện An Biên (Kiên Giang), từ đường vào chợ đến những dãy kiôt đều vắng vẻ, trống hoác.
Ông Đặng Hồng Thanh (bán trái cây tại kiôt số 5 của chợ) than: “Hàng lấy về bán không được vì không ai tới lui hỏi mua, trái cây ung thối, hư hỏng hết. Tôi vào đây bán mới gần sáu tháng mà lỗ hơn chục triệu đồng”. Còn Trung tâm thương mại Thứ Mười Một, huyện An Minh (Kiên Giang) xây xong phải đóng cửa trong khi người dân lại buôn bán trong cảnh chợ tạm chật chội, ẩm thấp.
Chợ nông sản Thứ Bảy ở xã Đông Thái, huyện An Biên (Kiên Giang) tiêu điều
Tại Sóc Trăng, tình hình cũng tương tự. Chợ xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú được xây dựng khá hoành tráng nhưng chỉ lèo tèo vài tiểu thương bày biện đồ bán. Ngạc nhiên hơn, ngay khu mặt tiền trong chợ đã được khai thác làm nhà ở. Còn xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú kế bên cũng có chợ to đùng nhưng tiểu thương và người đi chợ đếm trên đầu ngón tay. Ông Lâm Xung, chủ tịch UBND xã Thuận Hưng, thở dài: “Dù đã kiên trì vận động tiểu thương vào chợ buôn bán nhưng bà con không chịu vào, đành chịu”.
Chợ Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) có vài sạp buôn bán lèo tèo
Theo một lãnh đạo Sở Công thương Sóc Trăng, một số chợ nông thôn được xây dựng theo đánh giá chủ quan nên không hiệu quả. Nhiều chợ không có người vào mua bán là do trước đó không khảo sát mật độ dân cư. Đa số tiểu thương là dân nghèo nhưng địa phương lại tận thu khiến tiểu thương ngán ngại vào chợ mua bán. “Sóc Trăng đang quy hoạch lại chợ nông thôn. Nhưng trước mắt, các địa phương cần quan tâm quản lý, có giải pháp hợp lý nhằm lôi kéo tiểu thương vào chợ để mua bán” - vị lãnh đạo này nói.
Chợ Viên Bình, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) xây xong rồi để người dân chiếm dụng
Còn lãnh đạo Sở Xây dựng Kiên Giang thừa nhận trong quá trình xây dựng chợ, do khó khăn về kinh phí bồi hoàn giải tỏa nên các địa phương chọn xây chợ ở những điểm không thuận tiện về giao thông hoặc nơi dân cư chưa đông đúc, nên nhiều chợ xây xong không thu hút tiểu thương vào mua bán.